LỖI TRƯỚC NHẤT TẠI AI?

"Chưa kịp 'phi thăng', Trần Triết Viễn đã bị đàn em ké fame"; "Kim Lý - Hồ Ngọc Hà phát 'cẩu lương' ở Bali"; "'Ngọc nữ màn ảnh' từ bỏ hào quang, làm 'dâu hào môn' nhưng cuộc sống giản dị lạ thường"; "Khoe ảnh đi du lịch, Đình Tú bị soi rõ 'hint' hẹn hò với một nữ diễn viên trẻ?"… Đó là những cái tít được giật nhan nhản và thường ngày trên các trang thông tin, trang báo điện tử chuyên về giải trí ở Việt Nam hôm nay.

Chắc chắn, rất nhiều người yêu và coi trọng tiếng Việt, đề cao dòng báo chí chính thống khi đọc những dòng tít lai căng, khó hiểu và dị hợm này sẽ rất khó chịu.

Nhưng sẽ có kha khá người trẻ trên các diễn đàn sẵn sàng xem việc phê phán các cách giật tít, viết bài với ngôn từ ngoại lai lạ tai kể trên là cổ hủ, lạc hậu. Quan điểm của họ rất dễ hiểu "bài viết hướng đến người trẻ thì nên để người trẻ viết và sử dụng ngôn ngữ mà người trẻ hiểu".

Thực tế, quan điểm kể trên không sai. Thế giới của tuổi trẻ luôn có những đặc trưng riêng mà thế hệ đi trước khó có thể hiểu hay cảm nhận. Thế hệ đi trước cũng không nên áp đặt cứng nhắc các khung giá trị của mình lên đời sống của thế hệ trẻ. Và những ngôn từ mà giới trẻ đang dùng phổ biến, được xem là thời thượng, kể cả là tiếng lóng, cũng chính là một phần của đời sống xã hội trẻ trung đó. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng ở đời thường lại khác hoàn toàn với việc đưa vào các dạng văn bản phổ thông đại chúng và có tính chính thống. Một trong các dạng văn bản như thế chính là báo chí, với đòi hỏi rất chặt chẽ về sự trong sáng của tiếng Việt, nỗ lực thuần Việt lớn nhất cũng như cách sử dụng ngôn từ phổ cập nhất cho mọi lứa tuổi.

Vẫn biết, hầu hết những tay bút viết về thế giới giải trí của tuổi trẻ hôm nay đều là những người đang ở độ tuổi thanh xuân và luôn cố gắng thể hiện theo "khẩu vị" của tệp người đọc mà họ hướng tới. Thêm vào đó, với đòi hỏi cách giật tít phải làm sao tạo ra được các hiệu ứng thu hút, lôi kéo lượt xem từ mạng xã hội, người viết vì thế càng phải chiều lòng lớp người đọc của mình hơn. Nhưng cách chiều lòng này lại là một dạng thỏa hiệp tiêu cực có thể dần làm thoái hóa môi trường trong sáng của tiếng Việt phổ thông và đặt tiếng Việt trước nguy cơ ngoại lai cũng như mai một các từ vựng vốn có của mình.

Xu hướng viết bài, giật tít kiểu "câu view bất chấp" không giống ai kể trên, thực tế đã phổ biến từ nhiều năm nay nhưng hiện đang bị ngó lơ bởi các cơ quan quản lý thông tin truyền thông. Các nhắc nhở mang tính cảnh cáo có lẽ không đủ để trào lưu xấu này phổ cập trên môi trường báo chí điện tử. Đã đến lúc cần những chế tài mạnh tay hơn, nhất là về tài chính để tạo ra những răn đe đầy đủ nhất đối với việc thiếu ý thức bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Cuối cùng, điều đáng nói hơn cả là dư luận vẫn luôn mang báo chí ra như một thước đo tiêu chuẩn về thông tin cũng như văn phạm. Chính những bài viết nhan nhản kiểu này lại càng cổ xuý hơn cách nói, cách viết một thứ tiếng Việt không giống ai trong đời sống. Do đó, trước khi chúng ta cảm thấy phiền lòng về lối sử dụng tiếng Việt không giống ai của một bộ phận giới trẻ hiện nay, chúng ta nên trách những trang báo đã quá dễ dãi với những cách đặt tít kể trên.

Văn Đoàn