LỜI HỨA CHUNG CHUNG
Việc khó nhất trong chống lãng phí chính là phát hiện ra lãng phí. Nhưng có những sự lãng phí đã hiển hiện nửa thập kỷ vẫn chưa được xử lý.
Đó là câu chuyện của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam. Hai khối công trình có tổng trị giá gần 10.000 tỷ đồng, suốt nhiều năm qua tồn tại trên những bãi cỏ hoang, đã trở thành một biểu tượng của sự lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản tại Việt Nam.
Suốt nửa thập niên qua, hai biểu tượng này được nhắc đến nhiều lần trong các phiên họp Quốc hội và các cuộc chỉ đạo về chống lãng phí ngân sách do lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì. Thời hạn chót (đã gia hạn hai lần) của việc đưa hai bệnh viện này vào hoạt động, là ngày 31/12/2024. Tức là chỉ còn hai tháng nữa để lời hứa trở thành hiện thực.
Nhưng đến phiên trả lời chất vấn gần nhất, diễn ra trong tháng 10, tức là hai tháng trước hạn chót, Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn trả lời rằng “đã rà soát các vấn đề”; “đang trình chính phủ từng bước giải quyết”. Không có lời khẳng định rằng sẽ hoàn thành công việc đúng tiến độ.
Bộ trưởng Bộ Y tế đương nhiệm không phải người đã triển khai dự án từ năm 2014, nhưng được giao nhiệm vụ đứng đầu Tổ công tác rà soát khó khăn và thúc đẩy thực hiện hai dự án này từ cách đây gần 2 năm. Đến thời điểm này, đáng lẽ cử tri Hà Nam và cả nước đã phải nhận được một câu trả lời rõ ràng. Đó là chắc chắn xong, hay không thể xong.
Vì những báo cáo, hay là lời hứa về việc “đã lập tổ công tác”; “đã/đang rà soát vấn đề”; “đang từng bước giải quyết” đã được nói suốt nhiều năm. Bạn có thể tìm thấy giải trình chung chung này trong không dưới 20 đầu báo rải rác suốt từ năm 2020 đến nay. Vấn đề nằm ở đâu? Bộ Y tế chỉ nói: “Do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án”, “do chưa có kinh nghiệm”. Cũng hàng chục lần, giải thích này được lặp lại trước công luận (như thể các báo đã sao chép của nhau). Chưa có một lần nào các vấn đề cụ thể được nêu; một văn bản thống kê các khó khăn hoặc vướng mắc cụ thể được công bố, để công dân có thể thực hiện quyền giám sát của mình.
Lời hứa chung chung làm mất niềm tin sâu sắc hơn cả việc không giải thích. Nghịch lý là người dân có quyền giám sát, đại biểu quốc hội có quyền hỏi, báo chí có quyền đăng, nhưng tất cả các quyền đó thực hiện xong đều chỉ để thể hiện rằng... không có tác dụng gì. Trong một kịch bản khác, nếu Bộ trưởng Y tế có thể nói thẳng rằng dự án sẽ không thể xong trước hạn 31/12/2024, với các lý do a, b, c, d... sau đây; có lẽ cử tri sẽ còn cảm thấy được an ủi hơn là những lời hứa chung.
Chống lãng phí liên quan chặt chẽ đến năng lực giám sát của người dân. Cách tiếp cận này đã được hình thành từ nhiều năm trước, khi khối các doanh nghiệp nhà nước phải công khai báo cáo tài chính trước công luận (Nghị định 81/2015 của Chính phủ).
Nhưng việc này bị lờ đi; ở rất nhiều đơn vị nắm hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước. Năm 2018, chúng tôi đã từng khảo sát 27 tập đoàn, công ty có 100% vốn nhà nước. Kết quả: có đến 22/27 doanh nghiệp trong số này không tuân thủ nghị định 81. Mở rộng ra tìm kiếm cả các đơn vị có hơn 50% vốn nhà nước, với con số là 60 doanh nghiệp, cũng có đến một nửa không thể tìm thấy báo cáo tài chính đúng kỳ hạn trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nghị định 81 có thể là một trong những văn bản bị vi phạm nhiều nhất trong lịch sử hành pháp. Vì thường xuyên có đến một nửa đối tượng phải chấp hành không chịu chấp hành, mà đó lại là những người có tóc – các doanh nghiệp nhà nước.
Nếu bàn sang khu vực các đơn vị sự nghiệp, thì thậm chí cho đến nay vẫn chưa có quy định phải công khai báo cáo tài chính. Các đơn vị này chỉ làm báo cáo nộp về Bộ, và Bộ không công bố lại với người dân. Nó trở thành một khoảng bí mật mà trong đó các Bộ tự xử lý vấn đề nội bộ của mình. Rất khó phát hiện lãng phí, và ngay cả khi được phát hiện bởi các đoàn thanh tra hoặc giám sát quốc hội, bên chịu trách nhiệm cũng có thể đưa ra những giải thích chung chung, lời hứa chung chung.
Hoạt động tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh trong nhiều năm qua đã mang lại những tín hiệu vui. Những sáng kiến hợp thời như sử dụng văn bản điện tử, bỏ giấy in đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng in ấn và chuyển phát cho các bộ, ngành. Nhưng những tín hiệu vui này không đủ để khỏa lấp đi nỗi buồn mà các “biểu tượng lãng phí” như ví dụ về hai bệnh viện kể trên tạo ra. Và tựu trung lại, nỗi buồn đó mang tên năng lực giám sát. Làm sao vui được, khi chúng ta không biết rằng có bao nhiêu sự lãng phí đang thực sự tồn tại, không được nhìn vào những con số cụ thể, những bảng kế toán chi tiết, mà chỉ có thể tiếp cận vấn đề thông qua những tính từ như “đang tích cực”, “đang khẩn trương”, “đang gấp rút”.
31/12 này, chúng ta chờ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 khánh thành. Hay, chúng ta không nên chờ nữa?
Đức Hoàng