LỢI DỤNG VIỆC “ĐỐT LÒ” ĐỂ “THỔI LỬA” CHỐNG PHÁ

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là thông tin nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Điều này cho thấy, dù là “củi tươi” hay “củi khô” một khi có sai phạm thì chắc chắn sẽ bị xử lý. Lợi dụng việc Đảng đẩy mạnh chiến dịch “đốt lò”, không ít đối tượng xấu đã xuyên tạc, “thổi lửa” chống phá.

Nhận diện các luận điệu “thổi lửa” chống phá

Tại cùng một thời điểm, liên quan đến cùng một vụ án, 2 Ủy viên Trung ương Đảng là ông Chu Ngọc Anh, Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 ông này để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội. Như vậy, chỉ trong 2 ngày, các bước xử lý về Đảng, xử lý về chính quyền và xử lý về hình sự đã được thực hiện. Điều này khẳng định rõ sự đồng bộ, quyết liệt, không khoan nhượng trong công tác đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long nhận được sự đồng tình ủng hộ từ quần chúng, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, vụ việc này cũng nhanh chóng được các “nhà bình luận” lợi dụng để xuyên tạc, xỏ xiên, đánh lận bản chất nhằm tấn công Đảng, Nhà nước.

 Trong một bài viết có tiêu đề “Phản hồi của dân chúng về vụ bắt giữ ba lãnh đạo cấp cao liên quan đến Việt Á” được đăng tải hôm 8-6, Đài Á châu tự do – RFA đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam như: “Việc bắt giữ chỉ là sự đấu đá trong hàng ngũ cấp cao của Đảng cộng sản”, “đến giờ mới xử lý là đã quá trễ, quá coi thường công lý”, “việc xử lý không thể làm thay đổi được bản chất hư hỏng của hệ thống cai trị đất nước vì đây chỉ là việc ném đá ao bèo”?! 

Cùng ngày 8-6, BBC News tiếng Việt cũng rêu rao bài viết “Chiến dịch “đốt lò” của TBT Nguyễn Phú Trọng: Điều gì thực sự phía sau”. Trong đó, những luận điệu độc hại, sai trái, thể hiện tính vu khống trắng trợn theo đúng “kịch bản dân chủ” đã được đưa ra. Những kẻ này quy chụp tham nhũng là bản chất của chế độ một đảng lãnh đạo. Từ đó, chúng đánh lừa dư luận bằng cách đưa ra quan điểm cho rằng Việt Nam chỉ có thể chống tham nhũng khi thay đổi theo hướng chấp nhận “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự tự trị”, “báo chí độc lập”…?!

Những thông tin được các đối tượng nêu ra là vô căn cứ, phi lý, đi ngược sự thật. Mục đích mà những kẻ này hướng đến là làm loạn dư luận, kích động sự mâu thuẫn trong xã hội, phủ nhận những kết quả mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đích đến cuối cùng của chúng là tấn công chế độ, thay đổi thể chế chính trị của đất nước.

“Đấu đá nội bộ”?

Tham nhũng là “giặc nội xâm” tồn tại và phát triển ngay trong nội bộ. Người tham nhũng giữ chức vụ càng cao thì càng khó xử lý. Nếu nội bộ Đảng không thực sự đoàn kết, nhất trí thì chắc chắn sẽ không thể đưa những kẻ này ra xử lý. Vì vậy, việc Đảng xử lý 2 Ủy viên Trung ương Đảng là minh chứng trực tiếp nhất khẳng định nội bộ Đảng ta hoàn toàn đoàn kết, không hề có sự “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ” như những gì các “nhà dân chủ” cố tình tô vẽ.

Việc xử lý kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền và xử lý hình sự đều được thực hiện trên nguyên tắc sai đến đâu xử lý đến đó, xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm, không có bao che, khoan nhượng, thỏa hiệp với sai phạm.

Phải khẳng định rõ, việc xử lý ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long là đúng người, đúng tội. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng chỉ rõ, ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Long có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Chẳng có sự “đấu đá nội bộ” nào ở đây, tất cả chỉ là những “thuyết âm mưu” được các đối tượng xấu vẽ ra để đánh lừa dư luận.

Tham nhũng không phải là bản chất của chế độ một đảng cầm quyền

Tham nhũng không phải là sản phẩm riêng của chế độ một đảng cầm quyền và càng không phải là sản phẩm riêng của Việt Nam. Tham nhũng là vấn nạn chung của cả thế giới. Ngay trong phần mở đầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003 đã ghi nhận rõ: “Không còn là một vấn đề, tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, nên hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết”.

Bản chất của tham nhũng là sự tha hóa quyền lực. Vì vậy, tham nhũng có thể xuất hiện trong bất kỳ xã hội nào nếu quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ. Nên nhớ, năm 2017, Hàn Quốc (một quốc gia đa đảng) đã kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye 22 năm tù vì tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Hồi tháng 7-2020, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng bị kết tội do tham nhũng liên quan đến quỹ nhà nước Malaysia 1MDB. 

Rõ ràng, “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên đa đảng” không phải là công thức chuẩn mực, điều kiện bắt buộc để một xã hội không có tham nhũng, tiêu cực như những gì đang được các đối tượng rêu rao. Việc phòng, chống tham nhũng thành công hay không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và các giải pháp, chính sách, pháp luật được lãnh đạo quốc gia thực hiện. Hiện nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” thì Việt Nam cũng kiên quyết xử lý đối với những cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý thể hiện tính nghiêm minh, công bằng và đồng thời cũng có tác dụng răn đe với toàn xã hội. 

Một thực tế không thể chối cãi là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Việc xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, nhất là cán bộ cấp cao đã góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước và củng cố niềm tin trong nhân dân.

Anh Tú