LÀM TỐT CÔNG TÁC KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH

Công tác cán bộ là "then chốt của then chốt trong công tác xây dựng Đảng". Lãnh đạo công tác cán bộ là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, nhằm chuẩn bị, xây dựng, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để đảm đương các nhiệm vụ chính trị.

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng là vấn đề trọng yếu, không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng mà còn góp phần quyết định đến sự thành bại trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Xác định tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngày 23/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW "Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền". Quy định nêu rõ: "Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ".

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến cá nhân người cán bộ khi được trao quyền lực, vì "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "đức" là cái gốc của cán bộ. Để chống lại tình trạng lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, Người yêu cầu các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân và sự kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng, Người nhắc nhở: "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân".

Quyền lực trong công tác cán bộ luôn có hai mặt, đó là công cụ hữu hiệu bậc nhất ảnh hưởng tới hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ; mặt khác, quyền lực trong công tác cán bộ luôn đứng trước nguy cơ tha hóa, lạm dụng quyền lực, nếu không có sự kiểm soát hiệu quả. Bên cạnh sự chi phối bởi các lý tưởng, niềm tin cao đẹp, hành vi của con người còn bị chi phối bởi lợi ích cá nhân. Khi có quyền lực, được đặt trong một môi trường không kiểm soát hoặc kiểm soát lõng lẻo, thiếu chặt chẽ thì lòng tham con người có thể sẽ trỗi dậy, lấn át lý trí, đạo đức và pháp luật, lúc ấy khả năng lạm dụng, sử dụng quyền lực công để mưu lợi cho cá nhân mình rất dễ xảy ra. Có người khi chưa được trao quyền lực là người rất tốt, nhưng khi được trao quyền lực lại thay đổi bản chất rất nhanh, trở nên độc đoán, chuyên quyền, kiêu căng, tự phụ rồi dần trở thành tha hóa, hư hỏng vì những lợi ích thấp hèn của cá nhân, của "nhóm lợi ích". Vì thế, việc kiểm soát quyền lực nhà nước là tất yếu, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Thực chất tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực. Không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng, tiêu cực xảy ra. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, qua kiểm tra, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng (có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu, trong đó có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 16 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 1 bộ trưởng và 4 nguyên bộ trưởng; 22 thứ trưởng và nguyên thứ trưởng; 12 bí thư và nguyên bí thư tỉnh, thành ủy...).

 Để công tác kiểm soát quyền lực có hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền phải tu dưỡng, nỗ lực, rèn luyện phấn đấu, vượt lên cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền, đề cao uy tín, danh dự, lòng tự trọng, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tiếp tục làm rõ, phân định giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, không để cá nhân lợi dụng tập thể thực hiện lợi ích riêng; xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác cán bộ đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, những ngành, lĩnh vực có tính nhạy cảm cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Vấn đề xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là một trong những chương trình nghị sự quan trọng của nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ phải coi trọng việc "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền" là nhiệm vụ để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đồng thời, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phải "tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức".

 Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả cùng sự gắn bó mật thiết giữa "ý Đảng - lòng dân" là những điều kiện, yếu tố quan trọng để thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

 THIỆN LINH