LẠI BÀN CHUYỆN TẶNG QUÀ TẾT!

Vào dịp gần Tết chuyện tặng quà lại được đem ra bàn luận nhiều, không chỉ ở ngoài xã hội mà ngay cả chính trường, năm nay, trước Tết 2 tháng Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị không thăm và tặng quà cho cấp trên.

Tặng quà nhân dịp lễ, tết cho nhau là nét đẹp văn hóa, phong tục tốt đẹp của người Việt. Con cháu tặng quà cho ông bà, bố mẹ thể hiện hiếu nghĩa, kính trọng người trên, người được giúp đỡ tỏ lòng cám ơn với người đã giúp mình để trọn đạo nghĩa, cấp dưới tặng quà cho cấp trên cũng là đáng quý. Chúng ta không khuyến khích tặng quà thiên về vật chất, nhưng cũng không nên phê phán quá  mức trở thành cực đoan, cứng nhắc. Điều đáng lên án phê phán là lợi dụng quà biếu nhằm mục đích không lành mạnh, mang tính vụ lợi hay “hối lộ” biến tướng.

Ngày trước món quà chỉ là cân cam, chục trứng, vài cân nếp, đậu… nhưng nay có vẻ nó cồng kềnh quá nên người ta quy thành tiền đồng hay đô la, bằng kim loại quý để dễ đưa và nhận. Hình thức và quà cũng đa dạng, phông phú với những giỏ quà Tết trị giá hàng chục triệu đồng, những gốc cây thế, bộ bàn phòng khách cả trăm triệu, rượu ngoại đắt tiền, các loại đặc sản quý hiếm hay dưới các  hình thức “mừng tuổi”…  Ở các nước phương Tây và ngay cả doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, không có khái niệm cấp dưới tặng quà cấp trên, ngược lại những ông chủ lại tặng quà cho cấp dưới, dù ít hay nhiều nhưng là niềm vui của người người nhận, kích thích cấp dưới hăng say làm việc, tôn trọng cấp trên. Cách thức đó cần được học tập, áp dụng. Vấn đề là xác định được mục đích đích thực của tặng quà tình cảm với tặng quà mang tính vụ lợi, vi phạm pháp luật, trái với phong tục truyền thống,  ranh giới giữa quà biếu và hối lộ để có biện pháp cấm phù hợp, phải quy định tặng quà đến bao nhiêu được cho là hối lộ.

Ngày Tết thay vì là dịp để thăm hỏi, chúc nhau thì người ta mượn cớ để đến thăm chúc tết và biếu quà. Đây chính là mầm mống của tiêu cực, tham nhũng, chủ yếu diễn ra ở chốn quan trường, có liên quan quyền và nắm giữ tiền bạc của nhà nước, quà tặng hầu như không từ tiền túi cá nhân mà là tiền chung, tiền ngân sách bị bớt xén biến thành quà - tức là tiền công phục vụ mục đích riêng. Có người nhận thì bên đưa mới được việc, cứ thế thành cái tệ của tặng quà. Dân gian có câu “tốt lễ, dễ nói”, món quà đắt giá mới dễ ăn, dễ nói. Với quà tặng lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng như hiện nay thì cái vòng “biếu quà  - hối lộ - tham nhũng” sẽ không biết đến bao giờ mới dừng lại được.

Năm nay, trước Tết nguyên đán 2 tháng Ban Bí thư đã ban hành ra Chỉ thị 26-CT/TW ngày 23/11/2023 về tổ chức Tết, trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết. Năm nào cũng có chỉ thị cấm. Năm trước cấm rồi nhưng năm sau lại cấm, tức là vẫn có người tặng quà và người nhận quà. Người này nhìn người khác cũng thấy đi tặng, thì năm nay có cấm vẫn cứ phải đi. Không đi lại “áy náy”.  Cho nên, ngoài chỉ thị và quy định phải có biện pháp xử lý những người đi biếu "thiếu trong sáng" lẫn người nhận quà bất chấp quy định nhưng xử lý có dễ không? Cho dù Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị định 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, cần quy định rõ từ bao nhiêu tiền thì xem là quà hối lộ và phải nộp sung công quỹ, cần thiết phải lượng hóa được vật chất quy thành giá trị bằng tiền để xác định tính chất.

Việc nói không với tặng quà sẽ gặp khó khăn nếu chúng ta không thay đổi cơ chế xin- cho. Cái vòng luẩn quẩn của xin- cho, hối lộ- cám ơn bằng quà biếu lại tiếp tục diễn ra. Các loại “chạy” chưa chấm dứt, minh bạch thì khó nói trước điều gì. Quà biếu nhuốm màu của “bôi trơn”, của “hoa hồng” thì quà biếu sẽ còn tiếp tục lệch lạc, ngày càng khó xử hơn. Tâm lý về vị trí xã hội không đúng, “chạy” chức quyền vẫn còn thì khó mà dẹp được tặng quà vì mục đích vụ lợi.

Vấn đề tế nhị nhưng không thể không đề cập!  

NGUYỄN AN HÒA