HÌNH THÀNH THÓI QUEN KHÔNG LÁI XE KHI UỐNG BIA, RƯỢU

Những đợt ra quân liên tục của lực lượng chức năng về kiểm soát trật tự an toàn giao thông (ATGT), trong đó tập trung kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đã tạo hiệu ứng tích cực.

 

 "Tuýt còi" kiểm tra nồng độ cồn cần duy trì thường xuyên hơn

Vấn đề trên đang là câu chuyện thời sự được nhiều người chia sẻ với những vụ việc cụ thể và mức độ xử phạt ngày càng kiên quyết, mạnh tay hơn... là những giải pháp cứng rắn được người dân đồng tình, ủng hộ.

Thực tế trên là kết quả của nhiều đợt liên tục ra quân của lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, nhằm siết chặt quản lý ATGT, đặc biệt với vi phạm được cho là khá phổ biến lâu nay: Sử dụng rượu, bia khi lái xe.

Từ lâu cụm từ "đã lái xe không uống bia, rượu" ai cũng dễ dàng bắt gặp mỗi khi ra đường và ăn sâu tâm trí của không ít người. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn một phần không nhỏ những người tham gia giao thông xem nhẹ và xem trách nhiệm ấy thuộc về cơ quan, ban ngành chức năng.

Dõi theo từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên nhiều tuyến đường, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm ATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Nhiều người ngỡ ngàng khi nhận biên bản xử phạt bởi cứ nghĩ, thời điểm này năm ngoái, lỗi về nồng độ cồn ở nhiều trường hợp được xử lý khá "du di" rồi có "vùng cấm". Thực tế hiện nay không còn chuyện xử lý "du di" hay có quyền "trợ giúp".

Ai cũng mừng khi tâm lý "được du di", nhờ "trợ giúp" dần bị xóa và nỗi lo bị "tuýt còi" hình thành khi lực lượng chức năng thường xuyên ra quân từ sau tết đến nay. Đặc biệt trong thời điểm này, Cục Cảnh sát giao thông - C08 (Bộ Công an) đang triển khai chuyên đề tại các tỉnh, thành với nội dung kiểm tra nồng độ cồn theo hình thức lưu động và lập chốt cố định trên tất cả tỉnh lộ và quốc lộ... khiến nhiều người tham gia giao thông có "tý" bia, rượu lo sợ.

Công bằng mà nói, hiện nay điều kiện hạ tầng giao thông ở địa phương vẫn chưa đồng bộ, hoàn thiện; dịch vụ giao thông công cộng vẫn chưa phát triển mạnh; phương tiện giao thông chủ yếu của người dân là xe máy... Trong khi đó, việc sử dụng bia, rượu đã trở thành thói quen khó bỏ với nhiều người, nhất là chối từ những lễ lạt, cưới hỏi, đám đình, hội họp... Do đó, việc chấp hành quy định về nồng độ cồn của người dân, ở nhiều trường hợp vẫn mang tâm lý đối phó, trong khi việc kiểm tra, xử lý lâu nay chủ yếu vẫn theo đợt, khó hình thành văn hóa giao thông như mong muốn, thậm chí sẽ tác động đến đời sống sinh hoạt, kinh tế của người dân.

Mấy hôm nay ở TP. Huế không ít chủ cơ sở dịch vụ ăn uống ưu tư, than thở về sự ế ẩm, nhất là đợt ra quân liên tục, ráo riết lần này về đo, xử lý nồng độ cồn. Họ nói, không chạy đâu cho thoát bởi lực lượng chức năng đã túc trực ngay đầu ngõ hoặc cuối phố "hàng ly".

Một chủ quán ăn uống ở đường phố chúng tôi trú ngụ chia sẻ, mấy tháng trước mỗi ngày quán đón 50-70 khách, giờ chỉ còn một phần ba. Anh chủ quán này đang tính đến phương án làm sao để khách vui khi đến quán và về an toàn không sợ bị "tuýt còi" từ lực lượng chức năng bằng các dịch vụ vận chuyển.

Thay đổi một "môi trường" đã thành nếp như lâu nay với các điều kiện liên quan đến nhiều yếu tố đặc thù của đời sống xã hội, rõ ràng là không dễ. Việc "tuýt còi" để đo, xử lý nồng độ cồn đã phát huy vai trò của nó. Phía người dân cũng cần tạo ra một sự cân nhắc về phương thức di chuyển khi tham gia giao thông mà trong người đã có chút bia, rượu. Hay nói đúng hơn, mỗi người cần xây dựng nếp văn hóa tham gia giao thông khi đã uống bia, rượu là không lái xe để an toàn cho chính bản thân mình, cũng là hạnh phúc của mọi nhà và cộng đồng, xã hội.

MINH VĂN/Báo Thừa Thiên Huế online