HAI LOẠI LÃNG PHÍ TAI HẠI
Chuyên đề về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo ra một sự hào hứng xã hội thực sự khi chủ đề “Chống lãng phí” đã được mở ra sâu, rộng hơn so với những gì chúng ta vốn dĩ nhìn nhận về chống lãng phí suốt nhiều thập niên qua. Chủ đề của Tổng Bí thư Tô Lâm đã gỡ bỏ lối tư duy cũ, vốn chỉ gắn chống lãng phí với thực hành tiết kiệm, thông qua những khơi gợi xoay quanh những hiện tượng và bản chất của lãng phí đang tồn đọng hiện nay như lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực… Cùng với việc xem nạn lãng phí còn gây hại hơn cả vấn nạn tham nhũng, thực sự chủ đề này đã thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội hiện nay.
Nói về lãng phí, chúng ta có thể nhận thấy có rất nhiều hiện trạng đã và vẫn diễn ra như thể nghiễm nhiên và đã đến lúc rất cần phải xóa bỏ chúng tận gốc. Và trong rất nhiều hiện trạng lãng phí hiện nay, có hai loại lãng phí mà chúng ta nên đặc biệt quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cũng như định hướng tương lai cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Đó chính là lãng phí nguồn nhân lực và lãng phí niềm tin mà trong đó, khái niệm lãng phí niềm tin nên được xem là một điểm quan trọng trong giai đoạn tình hình thế giới đang nhiều biến động hôm nay.
Thứ nhất, về lãng phí nguồn nhân lực, chúng ta cần phải nhận diện lại lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay đang ở trạng thái nào. Chúng ta có lợi thế rất lớn khi đang ở giai đoạn “dân số vàng” với một nguồn nhân lực dồi dào và là một thị trường đủ lớn để hấp dẫn bất kỳ nhà đầu tư nào. Nhưng độ tuổi dân số vàng này sẽ không kéo dài quá lâu, đúng như chu kỳ của tự nhiên, và việc chậm khai thác “vàng” từ dân số chính là một lãng phí vô cùng tai hại.
Lao động Việt Nam hiện ở lứa tuổi sung mãn nhất, với lực lượng đông đảo và có chi phí ở mức hấp dẫn. Tuy nhiên, cái thiếu của lực lượng lao động giàu tiềm năng này lại chính là khả năng thực hành ở trình độ cao. Nói thẳng, lao động phổ thông ở Việt Nam rất đông trong khi lao động trình độ cao lại hạn chế. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển sản xuất công nghệ cao lại là mục tiêu lớn mà Chính phủ đang đặt ra. Để đáp ứng được mục tiêu này, không có cách nào khác ngoài việc đầu tư đào tạo lao động để nâng cấp trình độ thực hành.
Việc đào tạo chắc chắn sẽ phải gắn liền với đầu tư và để thực hành chống lãng phí, đầu tư khôn ngoan và hiệu quả là phương thức khoa học nhất. Đầu tư cho đào tạo lao động không chỉ là những đầu tư bằng tài lực mà còn cần cả trí lực của những cá nhân nắm trọng trách trong bộ máy. Ví dụ, nếu một địa phương muốn xây dựng khu công nghệ cao nhằm sản xuất chip và các sản phẩm công nghệ tiên tiến chẳng hạn, việc họ cần làm không chỉ là câu chuyện lấy đất ở đâu, dùng nguồn vốn nào mà cơ bản nhất, phải có một hoạch định về chính sách lao động tại chỗ. Và để có thể lập ra các sách lược nâng tầm chất lượng lao động ở một địa phương, một lĩnh vực nào đó, rất cần những bộ óc có thể tạo ra các đề án nhằm giúp xây dựng chính sách hiệu quả nhất.
Như vậy, bước đầu tiên sẽ là việc không được để lãng phí những tài năng có năng lực hoạch định, cố vấn chính sách. Những tài năng như thế có cơ hội được đặt vào các vị trí phù hợp trong bộ máy hay không? Đây chính là câu hỏi vô cùng lớn cần giải đáp bằng hành động. Có thể nói, bộ máy hiện nay đang để lỡ nhiều nhân tài, khiến cho họ trở thành người ngoài cuộc trong khi họ có đủ năng lực cũng như nhiệt huyết đóng góp cho đại cuộc của nước nhà.
Để được đặt vào một vị trí trong bộ máy, vấn đề tồn đọng hiện nay không chỉ là chuyện của thù lao mà lớn hơn thế là vấn đề của các tiêu chuẩn hồ sơ. Không có các tiêu chuẩn hồ sơ rất cơ bản, nhiều cá nhân không thể tham gia vào những vị trí quan trọng. Đây chính là rào cản cơ chế cần phải được gỡ bỏ bằng cách tư duy khác đi. Chỉ có cách ấy mới có thể tạo ra cơ hội cho nhân tài và chính việc tạo ra cơ hội cho nhân tài tham gia vào bộ máy, chúng ta mới có thể không bỏ lỡ các cơ hội lớn. Nói cách khác, muốn không lãng phí cơ hội, cần tạo ra cơ hội cho những con người đủ năng lực, nỗ lực và tâm huyết đối với sự nghiệp chung.
Khi rào cản kể trên không được gỡ bỏ, những người đủ tâm, tầm, tài không được ưu tiên so với những người kém hơn nhưng đạt các tiêu chuẩn hồ sơ, điều đó không chỉ dẫn tới việc lãng phí cơ hội chung mà còn dẫn tới một lãng phí khác nghiêm trọng hơn: lãng phí niềm tin.
Người dân tin vào Đảng, tin vào Chính phủ nhưng nếu còn tồn tại những cá nhân trong bộ máy vô tình hoặc cố ý tạo ra những bất công không đáng có, niềm tin đó dần dần sẽ bị bào mòn. Việc giao trọng trách cho những người thua kém các ứng viên khác về tâm, tầm, tài và chỉ hơn đúng 1 điểm là bộ hồ sơ đạt chuẩn chắc chắn sẽ khiến dân chúng đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, tính công bằng và sự liêm chính của những người cầm cân nảy mực. Đặc biệt, nếu các nhân tố được chọn chỉ vì đạt chuẩn hồ sơ tốt hơn người khác lại biến chất khi đã nắm được vị trí trong bộ máy, niềm tin ấy càng bị xói mòn nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, khốc liệt hơn.
Khi niềm tin bị ảnh hưởng, chắc chắn uy tín của Đảng và Chính phủ cũng bị ảnh hưởng. Một Chính phủ mạnh là một Chính phủ có được niềm tin lớn từ nhân dân để từ đó, các quyết sách đưa ra đều được nhân dân ủng hộ hết mực. Niềm tin ấy chính là thứ tài sản lớn nhất. Chính nhờ vào niềm tin đó, Việt Nam mới có một chặng đường nhiều mốc son lớn như vậy kể từ năm 1945 tới nay. Để vơi đi một phần niềm tin của nhân dân, đó chính là một lãng phí khó có thể bù đắp lại được. Và nếu những cá nhân là đại diện cho bộ máy làm hao hụt đi niềm tin ấy, hậu quả của họ gây ra lớn hơn hậu quả của tham nhũng hay các lãng phí khác gấp trăm lần.
Có những thứ mất đi khó có thể lấy lại được, nếu có thể nói là không bao giờ có thể lấy lại được, mà hai trong số đó là thời gian và niềm tin. Lãng phí vật chất, ta có thể bù đắp lại bằng việc nỗ lực hơn, làm việc khôn ngoan hơn, tính toán cẩn trọng hơn trong tương lai. Còn lãng phí cơ hội khi không trao cơ hội cho nhân tài (lãng phí nhân lực), đồng nghĩa với việc để cơ hội ấy trôi đi theo thời gian, đó là một lãng phí không thể bồi hoàn. Lãng phí niềm tin cũng như vậy thôi, vì thời gian để gầy dựng lại niềm tin là không thể định lượng, nhất là niềm tin mà phải nhiều thế hệ nỗ lực mới có thể bồi đắp được như niềm tin mà nhân dân đã dành cho Đảng và Chính phủ suốt mấy chục năm qua.
Hà Quang Minh