GÓP Ý VỀ DỰ LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Nhiệm vụ xây dựng lực lượng an ninh, trật tự vững mạnh là nhằm củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh vững chắc. Hiện nay, Bộ công an đang hoàn chỉnh dự thảo “Luật lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở” để trình Quốc hội thông qua. Sự cần thiết của một luật mới đã được các nhà làm luật chuẩn bị, hoàn thiện. Ở đây chỉ có vài ý kiến làm rõ thêm.

1. Trước hết phải khẳng định lực lượng đảm bảo anh ninh trật tự cơ sở không phải là lực lượng vũ trang chính quy hoạt động theo Luật Công an nhân dân. Đây là một tổ chức được xây dựng từ các tổ an ninh, đội dân phòng, bảo vệ dân phố đã hoạt động từ nhiều năm nay. Lực lượng ANTT ở cơ sở là một trong những biện pháp công tác của ngành công an, gắn với phong trào toàn dân vệ an ninh Tổ quốc. Vì là một lực lượng tự nguyện nên không hưởng lương ngân sách, không tăng biên chế mà chỉ được hỗ trợ kinh phí. Luật lực lượng ANTT cơ sở tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động, được tập hợp thống nhất từ các quy định đã ban hành, tiếp tục hoàn thiện theo mô hình mới. Cũng có thể xem đây là một hội quần chúng có đặc thù riêng như các tổ chức chính trị xã hội khác, thể hiện quan điểm dựa vào dân, “lấy dân làm gốc” của Đảng, Nhà nước ta.

Khi mới đưa ra dự thảo các tổ chức và cá nhân chống đối đã đưa ra những luận điệu bóp méo, xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ thấp chủ trương này. Cho rằng nhà nước có ‎ý đồ tăng cường “chân rết” cho công an, làm “cơ sở ngầm” để theo dõi những người “phản kháng”, “bất đồng chính kiến”. Xem đây như một hình thức biến tướng lực lượng đàn áp dân chúng vốn đã “ngầm phản kháng” ở cơ sở. Thực chất đó chỉ là những luận điệu nhằm làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ANTT, chia rẽ hoạt động của công an và lực lương tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Thực tế từ hàng chục năm nay lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, tổ an ninh... ở các địa bàn dân cư đã hoạt động tích cực, góp phần cùng các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở từng địa phương. Đó cũng là cơ sở cho hình thành luật mới, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ an ninh, trật tự. Những luận điệu, phản ứng của các thế lực thù địch không thể che đậy bản chất phá rối, chống phá an ninh quốc gia, xuyên tạc chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành công an.

2. Trong dự thảo luật đã xác định những vấn đề cơ bản, nhưng khi đi vào thực tế không tránh khỏi vướng mắc, bất cập cần làm rõ thêm. Do tính chất là lực lương bán chuyên trách, không được hưởng lương mà chỉ được hỗ trợ phụ cấp nên sẽ rất khó về đời sống cho người tham gia hoặc thiếu động lực khi làm nhiệm vụ. Ngoài mức kinh phí chi thường xuyên do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thì ở phường, xã tùy theo ngân sách chi hỗ trợ nhưng sẽ không nhiều, không đều giữa các địa phương. Trong khi tình hình phức tạp về an ninh, trật tự , đòi hỏi phải ứng trực thường xuyên cả nhân lực và thời gian. Như vậy đòi hỏi cần có nguồn kinh phí nhất định cho người tham gia và chi cho những kế hoạch cần thiết ở địa phương. Do tính chất bán chuyên trách nên người tham gia vẫn phải làm việc cho thu nhập phục vụ đời sống bản thân và gia đình. Điều đó sẽ khó khăn khi cần thiết, cấp bách cần phải huy động khi có vụ việc xảy ra. Trong mức độ ngắn hạn nào đó có thể khắc phục bằng động viên tinh thần, nhưng về lâu dài cũng phải tính toán có những khoản kinh phí ổn định trong mức độ cho phép. Có thể huy động xã hội hóa nhưng phải được quy định trong luật và đảm bảo cân bằng hài hòa giữa các địa phương.

Công tác tập hợp nhân lực ở trong từng khu vực dân cư tham gia cũng sẽ rất khó, nếu không có được tinh thần tự nguyện, tự giác của người tham gia. Trong điều kiện hiện nay số trẻ, khỏe, có trình độ học vấn thường tìm môi trường làm việc có thu nhập, không muốn tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Ngay như các chức danh Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Tổ mặt trận dù được hưởng một khoản phụ cấp từ ngân sách nhưng cũng phải động viên mới có người làm. Có chăng chỉ có một số người lớn tuổi, gia đình có thu nhập ổn định và số có tố chất, năng khiếu muốn thể hiện đóng góp cho xã hội. Cần thiết lượng tình nguyện “vác tù và hàng tổng” phải gắn với nghĩa vụ của luật nào đó, chẳng hạn như Luật nghĩa vụ quân sự, các luật thuế thu nhập vv... Về trước mắt ban đầu có thể huy động theo “biên chế” như các mô hình hoạt động lâu nay nhưng về lâu dài là phải có cơ chế và thu nhập thỏa đáng.

Do tính chất là hỗ trợ về an ninh, trật tự cơ sở nên danh nghĩa dù quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương nhưng trực tiếp vẫn là Công an phường, xã. Những công việc từ điều động, phương án bố trí, phân công lực lượng ...theo phương án của công an và của cảnh sát khu vực. Nếu không phân định rõ chức năng thì lực lượng này sẽ trở thành “quân số” không chính thức của Công an ở địa phương. Trong khi đó công an là lực lượng chính quy, chức năng chuyên nghiệp đòi hỏi thời gian, công sức cao hơn lại “kéo” theo lực lượng cơ sở căng ra để làm là thiếu hợp l‎ý. Trong một số vụ việc nào đó có thể động viên tinh thần nhưng khi tình hình ANTT phức tạp, kéo dài sẽ phát sinh bất cập. Đòi hỏi lãnh đạo, quan lý và huy động lực lượng ở cơ sở phải có cơ chế hợp lý, phân định trách nhiệm rõ ràng.

Việc bố trí trụ sở, phương tiện bảo quản công cụ hỗ trợ, bố trí nơi ăn nghỉ cho lực lượng cũng phải tính đến trong khi chủ trương không phát sinh thêm ngân sách. Những nơi trụ sở rộng còn có thể bố trí nơi sinh hoạt, nhưng cũng rất khó khi nhà làm việc ở địa phương đã có định mức tiêu chuẩn. Hiện nay lực lượng tự vệ của phường đội, xã đội đã thiếu trụ sở, phát sinh thêm lực lượng này sẽ gây thêm khó khăn cho địa phương. Những phát sinh mới về cơ sở vật chất liên quan đến kinh phí, quỹ đất, cơ chế khuyến khích, chế độ đời sống... cần được tính toán kỹ trong quy định của Chính phủ và Hội đồng nhân dân các cấp khi luật được ban hành.

Nêu ra những vướng mắc để bổ sung, điều chỉnh vào Luật để khi đi vào thực hiện không gây thêm áp lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Tạo điều kiện cần thiết, khuyến khích những người đủ tiêu chuẩn tích cực tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

NGUYỄN PHƯỚC AN HÒA