GIỮ GÌN CHUẨN MỰC PHÁT NGÔN

Lợi dụng quyền tự do, dân chủ, có một số từng là cán bộ, đảng viên nghỉ hưu đã đưa ra những phát ngôn trái chiều, đi ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng. Hành vi đó làm mất niềm tin của Nhân dân, các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước.

 

Để không tự đánh mất mình

Trước hết phải khẳng định, đại đa số cán bộ nghỉ hưu (CBNH) luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận CBNH do những bức xúc cá nhân, suy tính quyền lợi hoặc không giữ được khí chất người đảng viên đã có những phát ngôn thiếu chuẩn mực.

Thực tế, một số cán bộ khi đương chức đã không có ý kiến đóng góp cho công việc chung, cho cơ quan công tác, nhưng khi nghỉ hưu thì có những phát ngôn thiếu tính xây dựng. Thậm chí đưa ra những phát ngôn sai lệch, “đưa chuyện”, “phá bĩnh”, xuyên tạc sự việc theo quan điểm tiêu cực cá nhân. Có người lợi dụng trên các diễn đàn để đề cao cá nhân, phát ngôn “văng mạng”, thiếu chuẩn mực trước quần chúng, bất chấp đúng sai và phản ứng của người nghe.

Lẽ ra, trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, với thực tiễn được tích lũy, những cán bộ đó phải phản biện quyết liệt với những thông tin xuyên tạc, sai lệch, đi ngược lại phát triển xã hội. Không những vậy, một số người còn nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất, suy diễn, chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng gây dư luận xấu mỗi khi có sự kiện nào đó trong xã hội.

Sự xuất hiện của “ Nhóm 72”, “Nhóm Lê Hiếu Đằng”, “Nhóm phản biện xã hội IDS”...; một số cá nhân “trở cờ” như Thái Bá Tân, Nguyễn Đình Cống, Mạc Văn Trang, Nguyễn Xuân Diện... với những luận điệu phụ họa chống đối là những “điển hình” như vậy.

Văn kiện Đại hội Đảng XII đã cảnh báo: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với đường lối, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng chỉ rõ: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.

 Và “Cây cao bóng cả” cho đời

Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền bày tỏ chính kiến, thậm chí cả những ý kiến chưa đồng thuận. Tuy nhiên, mỗi phát ngôn của người cán bộ phải tôn trọng sự thật, mang tính xây dựng, tuân thủ quy định và không để người dân phản ứng.

Cán bộ, đảng viên dù đã nghỉ hưu phải nói và làm theo nghị quyết của Đảng, nói đúng sự thật, thực hiện nguyên tắc dân chủ có chuẩn mực. Dù trong sinh hoạt hay trước quần chúng phải nói có căn cứ trên cơ sở tôn trọng sự thật, tránh tình trạng cố tình “gợi lại”, “xới lên”, “thêu dệt” làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang, làm mất lòng tin của Nhân dân. Đó chính là những biểu hiện lợi dụng tự do, dân chủ, “tự diễn biến - tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên khi đã nghỉ hưu. Số này tuy không nhiều, nhưng trở thành hiện tượng cá biệt cần phải được chấn chỉnh.

Đảng và các cơ quan quản lý thông qua các kênh lấy ý kiến cán bộ nghỉ hưu và xem là một kênh quan trọng để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Mỗi cán bộ cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong đóng góp, hiến kế xây dựng dù bất cứ ở môi trường, hoàn cảnh nào. Bất luận mọi trường hợp cũng phải chính danh, tôn trọng khách quan vì lợi ích chung. Mỗi ý kiến cần được cân nhắc thận trọng, nhận định rõ tác động tích cực và tiêu cực trước mỗi phát ngôn.

Mặt khác, các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời, chính thống, thường xuyên cho cán bộ nắm được tình hình thời sự, đường lối, chính sách mới. Bởi thực tế, một số cán bộ nghỉ hưu phát ngôn chưa đúng là do chưa sàng lọc hoặc thiếu thông tin nên dễ bị kích động. Những biểu hiện đó cần được chấn chỉnh, đưa vào khuôn khổ chấp hành Điều lệ Đảng, quy định “Những điều đảng viên không được làm”...

Những đảng viên biến chất về tư tưởng chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước bằng những phát ngôn, hành động sai trái cần phải xử lý nghiêm theo Điều 28 của Quy định 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 “Về kỷ luật tổ chức và đảng viên vi phạm”. Cao hơn nữa, khi đã vi phạm pháp luật cần được phát hiện, xử lý nghiêm minh.      

Hiện nay, hàng ngàn cán bộ hưu trí với “trí sáng”, “tâm trong” vẫn luôn nhiệt huyết đóng góp cho xã hội, tuyên truyền, thuyết phục được quần chúng nghe và làm theo. Những tiếng nói có sức thuyết phục nhờ kiến thức, vị thế xã hội, kinh nghiệm, uy tín tích lũy sau nhiều năm công tác. Đó là vốn quý và lúc để mỗi cán bộ có điều kiện đúc kết, chiêm nghiệm thực tiễn, tiếp tục cống hiến cho Đảng, Nhà nước và xã hội. Điều đó rất đáng trân trọng.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH