GIAN NAN NHỮNG PHẬN NGƯỜI VƯỢT BIÊN TRÁI PHÉP TÌM "MIỀN ĐẤT HỨA" VẠCH TRẦN THỦ ĐOẠN TINH VI CỦA NHỮNG ĐƯỜNG DÂY ĐƯA NGƯỜI VƯỢT BIÊN (BÀI 2)

Không từ bỏ ảo tưởng về một "Nhà nước Đê Ga" tự trị tại Tây Nguyên, các tổ chức FULRO lưu vong tại Mỹ đẩy mạnh các hoạt động lôi kéo, dụ dỗ người đồng bào DTTS vượt biên sang Campuchia và Thái Lan…

Ngoài việc muốn tạo ra sự bất ổn trong vùng đồng bào DTTS tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, âm mưu của các đối tượng là thông qua hoạt động lôi kéo đồng bào vượt biên, các đối tượng sẽ lựa chọn, huấn luyện một số đối tượng có nhận thức tư tưởng chính trị lệch lạc..., để vu cáo chính quyền đàn áp tự do tôn giáo đồng bào DTTS ở Tây Nguyên.

5.jpg -0
Một đối tượng đưa người đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ.

Liên tiếp triệt phá các đường dây đưa, dẫn người

Chỉ trong những tháng đầu năm 2023, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với Phòng An ninh nội địa đã triệt phá thành công 4 vụ án, bắt giữ 17 bị can về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép". Từ các vụ án cho thấy, các đối tượng cầm đầu, tổ chức trốn ở Thái Lan có sự liên hệ, phân công tổ chức chặt chẽ với phương thức và thủ đoạn phạm tội tinh vi.

Thông qua mạng xã hội, các đối tượng ở nước ngoài liên lạc, điều hành, tổ chức đưa, dẫn người với hai hình thức, theo đường bộ, đường tiểu ngạch khu vực biên giới các tỉnh phía Nam gồm Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp sang Campuchia để đi Thái Lan; hoặc hướng dẫn đồng bào DTTS xuất cảnh hợp pháp qua đường hàng không từ các sân bay quốc tế sang Thái Lan sau đó trốn ở lại.

Có đối tượng đưa, dẫn vì mục đích lợi nhuận như trường hợp của Siu Cheo (SN 1992), đối tượng trước đây trú tại xã Chư Don, Chư Pưh. Trước đó, qua mạng xã hội zalo, Siu Cheo đã liên hệ với một đối tượng ở tỉnh Long An để thuê, đặt xe cho người DTTS đi từ tỉnh Gia Lai vào TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Siu Cheo còn liên hệ với một đối tượng người Việt Nam chuyên bán rau tại Thái Lan để đón người tại bến xe miền Tây, mua vé xe đưa xuống TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp để giao lại cho người đàn ông đưa sang Campuchia, rồi bố trí xe đón đưa đến Thái Lan…

Qua công tác điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Gia Lai xác định, Siu Cheo đã tổ chức 2 đợt cho 5 nhóm/20 người DTTS thuộc 2 huyện trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, sau đó đi Thái Lan và 3 đợt cho 6 người xuất cảnh sang Thái Lan bằng đường hàng không hợp pháp, có hộ chiếu, sau đó trốn ở lại Thái Lan.

Vì mục đích chính trị, các đối tượng phản động, FULRO lưu vong tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ người DTTS Tây Nguyên trốn đi nước ngoài nhằm gây bất ổn tình hình trong nước, nhằm tạo ra cái nhìn "thiếu thiện cảm" của quốc tế đối với Việt Nam. Từ cuối tháng 2/2023, ANhơl, Oih, Chrơch và Nên được Uk (là FULRO lưu vong, hiện đang ở Mỹ) liên lạc tuyên truyền, lôi kéo trốn sang Campuchia, Thái Lan.

Các đối tượng tuyên truyền rằng hiện đã có đường trốn đi Thái Lan. Đi sang Thái Lan sẽ thoát khỏi cuộc sống khó khăn, được tự do sinh hoạt "Tin Lành Đê Ga", không sợ bị chính quyền ngăn cản, bắt giữ hoặc muốn có cơ hội đi Mỹ định cư thì bên ngoài sẽ cho người dẫn đi. Uk yêu cầu ANhơl, Oih, Chrơch và Nên bàn bạc với nhau để cùng đi và chuẩn bị số tiền là 25 triệu đồng/người. Cùng lúc đó, đối tượng Chưm (trốn đi Thái Lan từ năm 2020; quê quán ở làng Aluk, xã K'Dang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) cũng tích cực liên lạc, lôi kéo nhóm của Anhơl trốn đi Thái Lan.

Theo sự lôi kéo, kích động, hứa hẹn của các đối tượng FULRO lưu vong bên ngoài, số này đã bán tài sản nhà, đất, trâu bò để chuyển cho đối tượng dẫn đường. Sau đó, đến khoảng giữa tháng 3/2023, sau khi được Uk thông báo sẽ cho người lên Gia Lai để dẫn đường và yêu cầu thống kê số lượng người trốn đi Thái Lan, Anhơl tiếp tục yêu cầu Nên, Chroch, Oih đến rẫy cà phê để họp bàn tìm cách vượt biên. Ngày 24/3, Uk thông báo với ANhơl khoảng 2 - 3 ngày nữa, "người dẫn đường" sẽ lên Gia Lai, yêu cầu ANhơl gửi số điện thoại của ANhơl và Nên để Uk gửi cho "người dẫn đường".

Đến thời điểm hẹn trước, các trường hợp này đã gặp bàn bạc, thống nhất và chọn địa điểm để xe ôtô đến đón người nhằm tránh sự quản lý, phát hiện của cơ quan chức năng. Chiều 27/3, "người dẫn đường" đã bố trí 2 xe ôtô 16 chỗ từ Cần Thơ lên đến huyện Đăk Đoa, Gia Lai để đón 21 người DTTS đưa vào Tịnh Biên, An Giang, trên đường đi thì bị phát hiện, bắt giữ. Đến nay, Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án và 6 bị can để điều tra.

Vào tháng 8/2018, Rơ Mah Khõ được đối tượng Rmah Bun (quê gốc ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, hiện đang ở Thái Lan) tuyên truyền, lôi kéo và tổ chức trốn sang Thái Lan làm việc. Sau khi sang Thái Lan thì Khõ ở với Rmah Bun. Đến tháng 12/2019, Khõ quay về Việt Nam sinh sống cùng vợ con tại thôn Tong Kek, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Khoảng đầu năm 2023, Rmah Bun tiếp tục liên lạc với Khõ qua tài khoản messenger facebook để tuyên truyền, lôi kéo đối tượng này dụ dỗ những người DTTS sinh sống trên địa bàn trốn đi Thái Lan.

Theo thoả thuận giữa hai bên thì khi tìm được người, Khõ sẽ báo cho Rmah Bun biết để tổ chức trốn; về phần mình, Rmah Bun hứa sẽ trả tiền "hoa hồng" cho Khõ khi tìm được người trốn đi Thái Lan. Rmah Bun đồng thời hướng dẫn Khõ cách tuyên truyền, lôi kéo người trốn đi Thái Lan với luận điệu "một ngày làm việc (phụ hồ, xây nhà và tỉa cảnh cây) tại Thái Lan là 500 đến 1 triệu đồng và sẽ được những người DTTS đang sinh sống ở Thái Lan giúp đỡ, tìm việc làm, kiếm được nhiều tiền và có cuộc sống ổn định hơn" để những người này tin tưởng. Khõ đồng ý và đã đi tuyên truyền, lôi kéo 9 người DTTS sinh sống tại làng Su B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh trốn đi Thái Lan. Tuy nhiên, những người này không đồng ý.

 Đến đầu tháng 4/2023, Khõ gặp và trò chuyện với Siu Chú về công việc, cuộc sống làm ăn… Qua nói chuyện, Khõ biết Siu Chú hiện không có việc làm ổn định nên đã tuyên truyền, lôi kéo Siu Chú trốn sang Thái Lan làm việc để có cuộc sống sung sướng hơn, nhiều tiền hơn, Siu Chú đồng ý. Sau đó, Khõ đã gặp và bàn bạc với Siu Chú việc sang Thái Lan…, trong lần này, Khõ thu về 2 triệu đồng "tiền công".

Về phần Siu Chú, đối tượng này đi đến Trạm thu phí thuộc xã La Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, Công an huyện Chư Pưh phát hiện và mời về trụ sở để làm việc. Từ lời khai của Siu Chú, Công an tỉnh Gia Lai đã điều tra, làm rõ đường dây đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài. Quá trình điều tra, mở rộng vụ án xác định, ngoài hành vi phạm tội trên, từ năm 2018 đến năm 2022, Khõ cùng với Rmah Bun và một số đối tượng đã tuyên truyền, lôi kéo và tổ chức cho 5 đợt người DTTS trốn sang Thái Lan.

Chủ động nắm chắc tình hình, quản lý tốt đối tượng

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trương Đức Trường, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục, đưa nhiều trường hợp hồi hương tham gia vận động quần chúng song tình hình người DTTS trên địa bàn Tây Nguyên trốn ra nước ngoài vẫn diễn ra, có thời điểm chiều hướng phức tạp.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2023 đến nay đã có hơn một trăm người DTTS tại Tây Nguyên trốn sang Thái Lan. Chủ yếu người DTTS trốn đi nhằm được đoàn tụ gia đình, vì lợi ích kinh tế và mong muốn được đi nước thứ 3 định cư. Ngoài ra, còn có một số đối tượng từng có quá trình hoạt động FULRO, "Tin lành Đê Ga" bị tác động, lôi kéo tham gia các tổ chức phản động nên đã trốn đi.

Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của các ứng dụng mạng xã hội để liên lạc, hướng dẫn đồng bào DTTS trốn đi nước ngoài. Tuỳ tình hình mà các đối tượng hướng dẫn trốn thông qua xuất cảnh bằng hộ chiếu hoặc trốn qua đường tiểu ngạch khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Về phía người DTTS Tây Nguyên trước khi trốn ra nước ngoài đều bị lừa bán hết tài sản, cầm cố vay nợ để chuyển tiền cho số đối tượng tổ chức đường dây trốn.

Quán triệt phương châm "Giữ vững bên trong là chính", những năm qua, Cục An ninh nội địa đã hướng dẫn, chỉ đạo Công an các tỉnh Tây Nguyên chủ động tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng và triển khai các mặt công tác phòng, chống xuất cảnh trái phép. Công an các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và làm việc với cấp uỷ, chính quyền một số huyện trọng điểm để huy động hệ thống chính trị tham gia các mặt công tác phòng ngừa xã hội, tập trung công tác vận động quần chúng.

Trong đó, Công an tỉnh Gia Lai đã tham mưu cấp uỷ, chính quyền các huyện, thành phố tổ chức hơn 60 đợt tuyên truyền, phát động quần chúng tại địa bàn 62 làng, 63 xã thuộc 10 huyện, thu hút hơn 10.000 người tham gia. Qua đó, vạch trần âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phản động, đối tượng tổ chức lôi kéo người DTTS xuất cảnh trái phép; động viên, hướng dẫn, hỗ trợ bà con người DTTS yên tâm sinh sống, làm ăn dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động và tích cực ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an; cung cấp tin báo, tố giác tội phạm giúp lực lượng Công an ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm an ninh, trật tự ngay tại cơ sở.

Xuân Mai