ĐỪNG VÔ ƠN NHƯ THẾ!
Trang facebook “Nguyendu Nguyen” ngày 28.9.2023 có đăng bài viết Huế thương với nội dung phê phán ca từ của 3 bài hát: Huế tình yêu của tôi thơ Đỗ Thị Thanh Bình, Trương Tuyết Mai phổ nhạc, Huế thương nhạc và lời An Thuyên, Tạm biệt Huế thơ Thu Bồn, Nguyễn Xuân An phổ nhạc. Mở đầu bài viết “Nguyendu Nguyen” đã khẳng định: “Sau năm 1975, có rất nhiều ca khúc viết về Huế nhưng không có ca khúc nào thật sự ấn tượng để người nghe nhớ mãi và người hát hát mãi!”
Một: Về ca khúc Huế tình yêu của tôi thơ Đỗ Thị Thanh Bình, Nhạc Trương Tuyết Mai, "Nguyendu Nguyen" viết: “Huế tình yêu của tôi” của Trương Tuyết Mai, sáng tác sau cơn siêu bão Cicil tháng 10/1985 gây thương đau cho miền cố xứ, bài hát dành nhiều tình thương cho Huế, của một người đã đôi lần đến với xứ mộng mơ mà cũng là tấm lòng cả nước! Tuy nhiên, nhiều người Huế không mặn mà với ca khúc này lắm, bởi họ không thích những ca từ mà người Huế không bao giờ nói ra, so sánh với ai: “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”, “Ta có Huế tự hào!”! Ta là ai, người Huế không nói “ta” và có đẹp đến chừng nào, có tự tôn đến mấy người Huế vẫn khiêm cung, vẫn lặng lẽ trong lòng, từ trong nếp nhà tranh, nhà rường hay trong chốn cung xưa! Huế vì cả nước và cả nước cũng vì Huế mà thấm đẫm thương yêu, Huế luôn tri ân tấm lòng cả nước đã giúp xứ bão lũ, đất chiến tranh khắc nghiệt vượt qua những thời khắc nghiệt ngã của số phận. Nhưng có yêu thương đến mấy, Huế cũng không muốn ai ôm vào lòng như thương cảm bởi Huế đón nhận sự thương mến hay thương yêu nhưng đừng thương hại! Yêu Huế, thương Huế nhưng rồi khi có chuyện không bằng lòng với Huế lại lôi ra châm biếm “Ôi Huế của ta”!”
Là một nhà báo, nay là nhà văn, nguyên giám đốc đài phát thanh truyền hình một tỉnh nhưng do nắm bắt thông tin không cặn kẽ, thấu đáo vốn là chức năng của của người làm báo nên ông mới viết những dòng trên với sự suy diễn lệch lạc, méo mó!
Thật ra ca khúc Huế tình yêu của tôi được nhạc sĩ Trương Tuyết Mai phổ từ bài thơ Huế - Tình yêu của nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình viết vào ngày 10.11.1985 khi hay tin cơn bão Cicil (số 8) tàn phá Huế ngày 16.10.1985. (Nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình sinh năm 1935 tại Sài Gòn, Quê ở Thị trấn Cồn, Hải Hậu, Nam Định, hiện sinh sống tại Tp. Hồ Chí Minh. Tác phẩm Văn học: Thơ: Giọt mật đắng cay 1989. Mây hoàng hôn 1998. Giọt mưa 2002. Chiều Tây Hồ 2010, Truyện ngắn và tạp bút: Đèn kéo quân 2016, Giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi thơ Cty FPT năm 2000)
HUẾ – TÌNH YÊU
Tặng Huế thân yêu sau những ngày bão lụt.
Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt
Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được
Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư
Tình yêu từ chiếc nón bài thơ
Từ giọng nói âm trầm sâu lắng lạ.
Từ nét hoa văn nghìn năm trên phiến đá
Từ câu hò da diết mãi không thôi!
Dấu vàng son in đậm nét một thời
Những lăng tẩm đền đài thành quách cũ.
Sức sống trẻ từ những hàng phượng đỏ
Nắng xôn xao trên trang sách học trò.
Xe tăng thù hoen rỉ giữa cố đô
Tết Mậu Thân – một bài ca bi tráng.
Phu Văn Lâu cột cờ bay đỏ thắm
Khúc anh hùng còn vang mãi trong ta.
Thành phố học sinh và thành phố của thơ
Nơi kết tụ tinh hoa nghìn xưa và mãi mãi.
Đi bên anh một buổi chiều nắng trải
Ngắm dòng Hương xuôi mãi đến nơi nào.
Huế của ta, ta có Huế tự hào
Trang sử sống đang viết phần đẹp nhất
Trận cuồng phong Huế bỗng thành tan nát
Nỗi đau thương day dứt đến bao giờ!
Ôm Huế vào lòng cả nước xót xa
Và cùng Huế nhường cơm sẻ áo
Sức sống Huế sẽ mạnh hơn giông bão
Kéo gần ngày Huế lại đẹp như xưa!
10-11-1985
Tình yêu dành cho Huế của nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình là tình cảm thật. Hiểu nỗi đau của Huế; trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa Huế, yêu thương cuộc sống, con người Huế trong giữ nước, dựng nước nên những cụm từ "vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được", "ôm Huế vào lòng cả nước xót xa", "Huế của ta, ta có Huế tự hào" (thơ Đỗ Thị Thanh Bình) là những tình cảm thật, chắc chắn không phải xuất phát từ lòng thương hại như "Nguyendu Nguyen" áp đặt. Những cụm từ trên nếu do chính người Huế viết mới đáng "lôi ra châm biếm Ôi Huế của ta!". Những người không phải sinh ra và lớn lên ở Huế, trong cơn hoạn nạn, trong thảm khốc bão Cicil, những lời thơ, giai điệu được viết từ gan ruột họ, ngợi ca Huế hết lòng như thế thì đáng trân trọng biết bao, thay vì làm người vô ơn, "dìm hàng", suy diễn tùy tiện theo hướng tiêu cực như "Nguyendu Nguyen" bởi cách nhìn chủ quan, không khoa học khi tìm hiểu xuất xứ sáng tác.
Hai: Trong khi báo chí viết về ca khúc Huế thương của nhạc sĩ An Thuyên "Không chỉ viết về xứ Nghệ quê mình, nhạc sĩ An Thuyên còn thể hiện tình yêu của mình đối với những miền đất khác khắp Việt Nam trong các ca khúc như Huế thương, Hà Nội tình yêu tôi, Chiều sông Thương... Trong đó, Huế thương ra đời năm 1992 và làm lay động những người con xứ Huế về một vùng đất mộng mơ, cổ kính. Những hình ảnh đặc trưng xứ Huế được nhắc trong bài như chiếc nón bài thơ, áo dài tím của những cô nàng nữ sinh thướt tha tan học, sông Hương tấp nập... Những điều đó mãi đọng lại trong lòng những người xứ Huế, hay đơn thuần chỉ là du khách đến đây" (Ba ca khúc sống mãi của nhạc sĩ An Thuyên – Linh Võ, Dân Việt ngày 04.07.2015) thì "Nguyendu Nguyen" viết "Khoảng năm 1995, ca khúc “Huế thương” của An Thuyên tiết tấu nhẹ nhàng, nhiều hình ảnh được giới trẻ ưa thích đón nhận. Người hát bài này đầu tiên là ca sĩ Hương Mơ khi kết thúc phim “Xin nhận Huế làm quê hương” dở tệ của Đài Truyền hình Huế nhưng phải đến khi “Huế thương” rơi vào Vân Khánh với giọng ca ngọt ngào mới thu hút lòng người bắt đầu trên SV 96 của VTV rồi lan tỏa khắp nơi. Có thể nói từ “Huế thương” ca sĩ Vân Khánh bắt đầu khẳng định mình và nổi tiếng trong dòng nhạc quê hương trữ tình.
Tuy vậy với nhiều người Huế, bài hát này cũng sớm phai mờ bởi những ca từ, hình ảnh không phù hợp. Nữ sinh Huế không ai “cầm trên tay ra đứng bờ sông”, cũng không có em nào “trao nón đợi và em hẹn hò” dễ liên tưởng đến những cô gái công viên buôn hoa bán phấn một thời!".
Với đoạn văn này, "Nguyendu Nguyen" đã bộc lộ tính đố kỵ, không tế nhị với đồng nghiệp của mình khi dùng từ "dở tệ" để chê phim "Xin nhận Huế làm quê hương" của Đài truyền hình Huế. Tinh thần đoàn kết, tính xây dựng tích cực với đồng nghiệp của nguyên một giám đốc đài phát thanh truyền hình đã chết trong hai từ "dở tệ"!
Từ lâu, với Huế chiếc nón lá đã được ngợi ca trong văn học nghệ thuật: Nón lá trong tranh của họa sĩ Tôn Thất Văn và nhiều họa sĩ khác, trong bức tượng Gọi đò của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong (An Giang), trong thơ Thiếu Anh: Anh ơi ! con lại đây/ Me đền cho cái này/ Buộc quai rồi đội thử/ Mau cho me ngắm ngay / Sung sướng cầm lấy nón/ Đội nghiêng nghiêng lên đầu/ Thướt tha như liễu uốn/ Thèn thẹn em bước mau/ Me cười: Ồ con me/ Dí dỏm học làm sang/ Chỉ thiếu chiếc kiềng vàng/ Con thành cô gái Huế (Chiếc nón Huế , 1937 – Thiếu Anh)… ; thơ Nguyễn Khoa Điềm: Tôi chưa về con sông quê em/ Ngắm em chằm buổi đầu tiên/ Bàn tay xuyên lá, tay xuyên chỉ/ Mười sáu vành/ Mười sáu trăng lên/ Ôi cả đôi tay đẹp rất lành/ Làm nên êm mát những trưa hanh/ Bài thơ nho nhỏ in màu nắng/ Dọi xuống hồn ai những khoảng xanh… (Người con gái chằm nón bài thơ – Nguyễn Khoa Điềm); thơ Trần Quang Long: Sao loanh quanh em chẳng chọn đường gần/ Em nghiêng nón để rồi về hối tiếc/ Sao không đi em như gió mùa thu/ Cho chàng làm thơ, cho chàng ngẩn ngơ/ Cho hoàng hôn buông trên sông thẫn thờ… (Nghiêng nón – thơ Trần Quang Long).
Từ trước đến nay nón lá Huế còn là tặng phẩm giá trị về tình nghĩa, về sự lưu niệm đẹp cho người Huế và khách phương xa. Vậy mà với mắt nhìn dung tục, "cửa sổ tâm hồn" của "Nguyendu Nguyen" đã tạo nên câu: "Nữ sinh Huế không ai “cầm trên tay ra đứng bờ sông”, cũng không có em nào “trao nón đợi và em hẹn hò” dễ liên tưởng đến những cô gái công viên buôn hoa bán phấn một thời!". Một thời nào "Nguyendu Nguyen" mà các cô gái buôn hoa bán phấn lại cầm nón chào khách công khai giữa ban ngày giữa công viên? Từ hình ảnh đẹp trong ca từ An Thuyên, bằng cái trí bất quang, bằng cái tâm bất minh Nguyendu Nguyen đã chuyển sang những thước phim lệch lạc.
"Em che nón đợi và em hẹn hò" trên facebook "Nguyendu Nguyen"
Ba: Về bài thơ Tạm biệt Huế của nhà thơ Thu Bồn (đúng tên bài thơ là Tạm biệt), "Nguyendu Nguyen" viết: "Người Huế cảm ơn Thu Bồn, nhà thơ xứ Quảng đã có bài thơ hay “Tạm biệt Huế”, nhiều người cho đó là một tuyệt bút, phổ nhạc cũng rất hay! Dù vậy, cảm giác gờn gợn cũng nhiều, thương nhau lên chùa Thiên Mụ còn sợ, huống chi hẹn hò “đưa anh lên những ngôi đền cổ”, không bị “vật chết tươi”, “bị bà bắt lính” thì cũng tan vỡ, hận thù !... Con sông dùng dằng là một sự biểu lộ cơ thể, sông Hương lặng lờ trôi như dải lụa đào chứ răng lại dùng dằng như một cô gái đã lẳng lơ mà còn khó tính!"
Với đoạn văn trên "Nguyendu Nguyen" lại bộc lộ cách nhìn cực đoan, phiến diện, tiêu cực cố hữu của mình. "Nguyendu Nguyen" đã cố gồng mình lên khi nhân danh tình yêu Huế, nhân danh sự hiểu biết các giá trị văn hóa Huế để chứng tỏ mình rất Huế; sẵn sàng phủ nhận cá tính sáng tạo của người khác bằng cách đơm đặc bằng những giai thoại trào phúng, mê tín giữa thế gian khi "Nguyendu Nguye" nghiêm túc, thành khẩn viết phê phán hình ảnh "Bởi vì anh dắt em lên những ngôi đền cổ" trong bài thơ Tạm biệt của Thu Bồn như sau "Dù vậy, cảm giác gờn gợn cũng nhiều, thương nhau lên chùa Thiên Mụ còn sợ, huống chi hẹn hò “đưa anh lên những ngôi đền cổ”, không bị “vật chết tươi”, “bị bà bắt lính” thì cũng tan vỡ, hận thù!"
Cũng từ “cửa sổ tâm hồn” âm ám ấy, mà “Nguyendu Nguyen” đã soi câu thơ đẹp “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” bằng cách bắt bắt bẻ chữ “con” trong “con sông” để tạo hình tượng sau đây “Con sông dùng dằng là một sự biểu lộ cơ thể, sông Hương lặng lờ trôi như dải lụa đào chứ răng lại dùng dằng như một cô gái đã lẳng lơ mà còn khó tính!” (Mời Nguyendu Nguyen tìm nghe bài hát Khúc hát sông quê thơ Lê Huy Mậu, Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc để hiểu sâu thêm về từ con sông “Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ.. Ơi con sông quê, con sông quê…”
Là một nhà báo, nay được xem như là một nhà văn khi cho xuất bản các tác phẩm văn học, trong đó tập sách “Bí bầu lớn xuống”, tác giả đã vận dụng hình ảnh trong bài thơ Mẹ và quả của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm để đặt tên cho tác phẩm của mình là điều đáng trân trọng “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Rõ xuồng lòng thầm lặng mẹ tôi”. Nhưng Nguyendu Nguyen sẽ được công chúng trân trọng hơn khi cảm nhận những tác phẩm văn học nghệ thuật về Huế của những người không sinh ra, lớn lên ở Huế, còn sống hay đã khuất một cách khoa học, đạo đức, tài hoa, có lòng với sự hàm ơn đúng nghĩa.
Hướng Nhật