ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM
Thời gian qua, với hiệu ứng mạng xã hội qua nhiều biểu hiện của người mặc chiếc áo cà sa, hay là chính những vị thầy tu có giới pháp, có hạ lạp đã làm dậy sóng dư luận trong cộng đồng mạng ở những mức độ khác nhau và được đưa ra làm tiêu điểm buộc Giáo hội quản lý họ phải lên tiếng. Tất cả mọi việc đều liên quan đến tiền, danh vọng, tiếng tăm của bản thân. Sau đó là những bình luận, đả kích từ cộng đồng mạng đối với một tôn giáo.
Với tư cách là một phật tử, thiết nghĩ sự phát triển của xã hội đương đại, cuộc sống tiện nghi vật chất và tinh thần theo cách hưởng thụ đã làm cho mỗi cá nhân ít quan tâm những yếu tố sâu thẳm, nếu bản thân không có suy nghĩ tích cực, tiết chế lại thì tình trạng khủng hoảng thừa và thiếu với những dấu hiệu bất thường lúc đó chúng ta mới giật mình. Chạy theo giá trị vật chất, danh vọng, bon chen cuộc sống để có địa vị xã hội xứng đáng hay gọi là sự phấn đấu của người đời là điều dễ hiểu vì phải bươn chải cho cuộc sống mưu sinh. Nhưng với một tu sĩ đầu tròn áo vuông khi phát nguyện xuất gia và thọ giới pháp thì phải nghiêm túc kiểm thảo bản thân (trong chùa hàng tháng đều có phát lộ để tự tìm lỗi của mình cũng như lắng nghe đồng môn chia sẻ, nhắc nhở để việc tu hành đúng giới, pháp), nhưng để tình trạng này kéo dài thì trách nhiệm của Giáo hội ở đâu?
Tôi là một phật tử với truyền thống gia đình theo đạo Phật nên chuyện lễ Phật từ nhỏ quá thân thương và chỉ mong đợi đến ngày được theo bà nội lên chùa, lòng luôn thấy hân hoan, bản thân lúc đó tôi chưa hiểu hết nhưng cảm nhận được sự bình yên, an lạc, hạnh phúc khi được vị Hòa thượng già xoa đầu và bày cách quỳ lạy Phật trong chánh điện, lúc đó trong giỏ của bà chỉ có tầm 2 chục quả vả, vài lon đậu nhưng các Thầy hoan hỷ, hỏi thăm sức khỏe, ríu rít kể chuyện. Bẵng thời gian dài do cuộc sống khó khăn phải xa xứ làm ăn, tôi lại về ngôi cổ tự xưa nhưng đã khác xa vì đẹp hơn, to hơn, tiện nghi và hoành tráng hơn rất nhiều, tôi rất mừng nhưng cũng cảm thấy xa lạ và ngại ngùng không còn cảm giác như xưa vì khi nghe Thầy nói có đại gia vừa mới cúng để làm cái này, cái nọ lên đến vài chục tỷ đồng để xây dựng.
Đây có phải là một trong lý do để có những phát ngôn từ một số hiện tượng mạng vừa qua khi họ có tiếng nói, có vị trí ảnh hưởng trong Phật giáo lại lấy đó áp đặt suy nghĩ chủ quan, tùy tiện luận bàn theo hướng sai hẳn với tư tưởng giáo lý Phật giáo là giác ngộ, giải thoát và biểu hiện rõ nhất là việc Thích Chân Quang liên tục sa đà từ việc lập đoàn chúng riêng ở nhiều tỉnh thành cùng với 09 lời thề độc nhằm ràng buộc người đi theo phải coi trọng “con thề trung thành tuyệt đối với các vị Thánh đệ tử của Thế Tôn mãi mãi”, tiêu chí đó, thử hỏi giáo lý Phật giáo có câu từ nào nhắc đến phải tin mù quáng là phải thề thốt theo kiểu giang hồ, ông ta còn không phân biệt đúng sai và rất sính chuyện bằng, cấp lòe thiên hạ, không ngại miệng kêu gọi cúng dường theo cách đặc biệt làm cho phật tử cảm thấy bất an như đang ở địa ngục.
Tôi tin tưởng rằng, qua sóng gió Giáo hội Phật giáo phải nghiêm túc hơn trong vấn đề quản lý tu sĩ của mình, bản thân tu sĩ không nên chỉ lo tìm kiếm danh lợi, hưởng thụ vật chất, mà thiếu đi cái gốc là giá trị đạo đức phải được nuôi dưỡng từ việc huân tập, giữ giới đừng để có ngày bản thân “trống rỗng” chỉ còn lại ủ ê, mệt mỏi và nuôi dần “tham, sân, si” mà không hề biết. Để đạo pháp trường tồn, phật tử thuần thành phải hiểu rõ đến với cửa Phật cần làm gì để có bình yên, an lạc trong cuộc sống góp sức giúp cho đạo Phật trở về nguyên vẹn ý nghĩa và có tính thời đại của một tôn giáo hướng đến giải thoát.
Hạnh Nhẫn