CẢNH GIÁC VỚI THÔNG TIN GIẢ TRÊN MẠNG

Ngày nay khoa học công nghệ càng phát triển thì thông tin trên mạng xã hội ngày càng càng nhiều. Bên cạnh những thông tin khách quan, trung thực, chính xác thì tin giả, bịa đặt cũng không thiếu.

Thời gian qua, mở mạng đọc, chúng ta sẽ thấy một số người lợi dụng mạng xã hội để tạo ra các tài khoản "ẩn danh" nhằm tung tin giả, thất thiệt xảy ra tại thành phố này, tỉnh kia ở đất nước ta. Khi thì họ dựng chuyện, bịa chuyện tai nạn tàu lửa làm chết hàng trăm người và bị thương hàng trăm người với ngày giờ cụ thể, tên chiếc tàu, xảy ra ở đâu và bằng phương tiện kỹ thuật cắt ghép hình ảnh đoàn tàu bị lật, bị đổ móp méo, hư hỏng, người thương vong nằm ngổn ngang. Họ còn kể tên của đồng chí lãnh đạo trung ương, địa phương đến hiện trường, đến bệnh viện để thăm hỏi những người bị nạn. Để tạo sức "thuyết phục", họ bịa đặt ra câu chuyện, trong số người tử nạn có gia đình ở tỉnh này, tỉnh kia mới ra Bắc (hoặc vào Nam) cưới vợ cho con hoặc đoàn này đi công tác chỗ này, chỗ kia, khi về gần đến nhà thì gặp nạn, rồi bịa chuyện phỏng vấn về người may mắn sống sót trong vụ tai nạn...

Hết tai nạn đường sắt họ chuyển sang đường hàng không, hư cấu nên những vụ thương tâm như máy bay gặp nạn khi chở người lao động Việt Nam trên đường trở về nước làm cho vài trăm người thiệt mạng. Hoặc một câu chuyện khác về tai nạn đường bộ đến với một trường học của tỉnh, thành nào đó khi một chiếc xe ô tô chở mấy chục học sinh đi tham quan bị lật xuống đèo mà không ai còn sống sót, kèm theo đó cắt, ghép những hình ảnh đầy tang thương, v.v... Với công nghệ như hiện nay, họ tung lên những clip, tạo dựng hình ảnh, lời nói, âm thanh... "sống động" y như thật theo ý đồ, mục đích của họ. Một dạng khác nữa, là bài viết với tiêu đề là xảy ra ở Việt Nam nhưng nội dung vụ việc xảy ra ở nước khác, theo cái kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó". Họ còn dựng chuyện nhằm người đọc nhẹ dạ cả tin về một số vụ việc xảy ra khi các cơ quan chức năng đã điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng, nhất là liên quan đến lực lượng vũ trang. Để gây tò mò, chú ý cho người xem, họ giật tít: "hé lộ bí mật về vụ..." hoặc "sự thật đã được phơi bày", "đã đến lúc phải nói lên sự thật", "thông tin mới nhất về vụ..." với nội dung hoàn toàn trái ngược với thông tin chính thống mà các cơ quan chức năng đã có kết luận rõ ràng. Hoặc chỉ đúng một phần nào đó, còn lại tất cả là do họ "nặn" ra với những dẫn chứng, số liệu, tình tiết "ly kỳ", "hấp dẫn".

Họ cứ tung ra như thế, hết bịa đặt chuyện này đến bịa đặt chuyện khác để ai hiểu thế nào thì hiểu. Từ một số thông tin trên, phải chăng đây là ý đồ, mục đích là gây hoang mang, lo lắng trong xã hội. Họ cố tình nói sai, xuyên tạc sự thật để nhằm tạo ra hoài nghi trong nhân dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật để gây xáo trộn trong cuộc sống, sâu xa hơn là phá vỡ sự bình yên của quê hương, đất nước.

Hằng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng đều đề cập, phản ánh mọi mặt cuộc sống nhưng đáng tiếc một số người lại không dành thời gian để nghe, để xem, tìm hiểu mà lại thích tìm đọc thông tin trên mạng xã hội nhưng thiếu kiểm chứng thông tin đó có đúng, có chính xác, có khách quan hay không. Có người khi đọc nội dung trên lại chia sẻ cho người khác hoặc có những lời bình luận không hay, không có lợi. Nếu không chia sẻ trên điện thoại, máy tính thì lại đem kể lại nơi này, nơi kia mà không biết đó là thông tin bịa đặt, tin giả, trong khi cuộc sống có muôn vàn cái hay, cái đẹp, thông tin tích cực cần được nhân rộng thì lại không chia sẻ để lan tỏa. Đọc mạng xã hội nhưng phải làm người "thông thái", tỉnh táo, sáng suốt, không "nhắm mắt" tin theo, nghe theo, không bị các thông tin nhằm "câu like", "câu view" với mục đích xấu.

THIỆN LINH