CÁI NHÌN SAI LỆCH VỀ VẤN ĐỀ "ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ" TẠI VIỆT NAM

 

Mới đây ngày 14/6/2022, bằng việc lấy nguồn tin từ trang U.S. News, BBC và một số trang tin hải ngoại tiếp tục dẫn dắt người đọc có góc nhìn sai lệch về cái gọi là “ổn định chính trị” tại Việt Nam. Theo đó, BBC nêu rằng, trong xếp hạng năm 2021 về các quốc gia “ổn định chính trị”, “Việt Nam “chỉ” đứng thứ 50 trong 78 quốc gia” được trang U.S. News tính điểm; rằng  Anh, Nhật, Pháp, Singapore, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Italy, Hoa Kỳ, Malaysia, Israel… “đều được xếp cao hơn Việt Nam”.

BBC cũng dẫn dắt vấn đề bằng một bảng đánh giá khác, gọi là Global Peace Index (GPI), đánh giá về tình trạng “hòa bình” ở 163 nước. Theo đó, “Việt Nam xếp 50, thấp hơn cả Indonesia (42), Malaysia (23), nhưng cao hơn Trung Quốc...”. Và rồi như thường lệ, BBC lại chốt vấn đề theo hướng mà ai cũng hiểu không tốt đẹp gì, khi lập luận “Có vẻ như thói quen một số người nói “Việt Nam ổn định, hòa bình hàng đầu thế giới” chưa hẳn đúng hoặc ít ra chưa thuyết phục được cái nhìn của nhiều người khác”.

Tuy nhiên, có vẻ nhận ra “sai lầm” của mình khi xuyên tạc vấn đề đã được nhiều quốc gia, tổ chức, cá nhân trên thế giới thừa nhận là thế mạnh của Việt Nam, BBC và các trang tin đã đồng loạt xóa bỏ bài đăng của mình, như hình dưới đây.

          Trước hết, phải hiểu rõ về phương pháp được U.S News đưa ra so sánh. 78 quốc gia trong bảng xếp hạng Các quốc gia tốt nhất năm 2021 về “ổn định chính trị”, trong đó có Việt Nam, phải đáp ứng bốn tiêu chí được đưa vào đánh giá gồm: Nằm trong 100 quốc gia hàng đầu về tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2018 hoặc 2019; thuộc 100 quốc gia hàng đầu về dòng vốn đầu tư FDI năm 2018 hoặc 2019; thuộc 100 quốc gia hàng đầu về doanh thu du lịch quốc tế trong năm 2018 hoặc 2019 và nằm trong 150 quốc gia hàng đầu trong Chỉ số Phát triển Con người của Liên hợp quốc, dựa trên báo cáo năm 2018 hoặc 2019. Nói chung, 78 quốc gia trong báo cáo chiếm khoảng 94% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và đại diện cho khoảng 3/4 dân số thế giới. Như vậy, Việt Nam là 1 trong 78 quốc gia đáp ứng được các tiêu chí trên, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chưa tính đến việc xếp hạng trên lại mang “giá trị Mỹ”, khi các tiêu chí đánh giá cấu thành Việt Nam hầu hết đều xếp hạng trên 30, nhưng kết quả xếp hạng vẫn là 50. Nếu khách quan trong phân loại nhóm nước, Việt Nam là một trong các thứ hạng đầu trong số các quốc gia đang phát triển.

Bên cạnh đó, theo báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) năm 2019 do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) mới công bố, Việt Nam đạt 1,877 điểm, đứng thứ 57/163 quốc gia và vùng lãnh thổ và thuộc nhóm có chỉ số hòa bình cao. Đến năm 2020, Việt Nam đã vươn lên vị trí 50/163 quốc gia. Do vậy, khi so sánh xếp hạng với các quốc gia Indonesia, Malaysia, phải đánh giá khách quan vị trí được cải thiện của Việt Nam khi tăng 07 bậc với mốc năm 2020, và tăng 19 bậc so với năm trước đó. Trong khi đó, Indonesia, Malaysia chỉ tăng lên từ 01 đến 02 bậc. Điều đó cho thấy nổ lực không ngừng của Việt Nam.

(xếp hạng 163 quốc gia theo báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2021)

Giữ vững hoà bình, ổn định chính trị là một trong những định hướng lớn về phát triển của đất nước, đã được Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhất quán, xuyên suốt; trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tạo nền tảng cho tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài, sự ổn định chính trị đã trở thành ưu điểm xuyên suốt quá trình phát triển của Việt Nam, ưu điểm mà không phải quốc gia nào cũng có được (Giáo sư Chuan Petkaew thuộc Đại học Suratthani Rajabhat -Thái Lan).

Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua dựa trên nền tảng chính trị ổn định. Đặc biệt là trong đại dịch Covid 19, chính sự ổn định, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã giúp nước ta chiến thắng và chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng, giúp khôi phục hoạt động kinh tế và giảm sự bất ổn trong môi trường kinh doanh. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Điều quan trọng là khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới. Mức độ ổn định chính trị của một quốc gia sẽ làm tăng sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế; lòng tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Hoà bình, an ninh và phát triển của một nước có tác động đến các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Có thể dễ dàng nhận thấy, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực; là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế. Mới đây, vào ngày 07/6/2022, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

          Và chính môi trường chính trị - xã hội ổn định, Việt Nam là sự lựa chọn có tính toán của các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã đánh giá “An ninh, an toàn và ổn định chính trị đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Và yếu tố này đang có tác động rất lớn và tích cực tới sự phát triển của đất nước. Nhưng một số người Việt Nam lại chưa hiểu rõ giá trị của đất nước mình đang có. Tôi tin rằng, ổn định chính trị là nền tảng rất quan trọng đối với toàn thế giới và trong hoàn cảnh của Việt Nam thì bằng bất cứ giá nào cần đảm bảo và phát huy yếu tố này để đất nước tiếp tục phát triển”.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, dòng vốn (FDI của Mỹ đang chảy mạnh vào Việt Nam. Trong bốn tháng đầu năm 2022, các công ty Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam đạt gần 170 triệu USD. Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam cho biết gần 80% nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam đánh giá rất tích cực hoặc khả quan về triển vọng trung lẫn dài hạn về Việt Nam. Đại diện nhiều tập đoàn Mỹ cũng khẳng định môi trường kinh doanh và kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, một trong những yếu tố nổi bật khác biệt để định vị Việt Nam đối với những quốc gia khác là tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định được củng cố bởi nền tảng chính trị ổn định. Nhà đầu tư Nhật Bản đang lựa chọn Việt Nam vì ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô.

          Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng việc giữ vững sự ổn định chính trị, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm rất lớn trong đầu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Viện Quản trị Chandler (Singapore) vừa công bố "Chỉ số chính phủ tốt Chandler" " (Chandler Good Government Index-CGGI) năm 2022, Việt Nam xếp thứ 56 trong tổng số 104 quốc gia được xếp hạng, chỉ số "Bình đẳng thu nhập" tăng mạnh mẽ, tăng 33 bậc so với năm 2021, lên vị trí thứ 42. Việt Nam cũng tăng 18 bậc lên vị trí thứ 39 về chỉ số "Thu hút đầu tư"; chỉ số "Sự hài lòng với các dịch vụ công" xếp thứ 15, "Bình đẳng giới" thứ 27, "Thị trường hấp dẫn" thứ 34 và "hỗ trợ phát triển con người" thứ 43 cho thấy Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào tiến trình phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời bảo đảm một xã hội công bằng hơn.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng sự phát triển của đất nước ta được như ngày nay, nhân tố quyết định là nhờ sự ổn định chính trị, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong từng nhấn mạnh, ổn định chính trị cần được coi là một tài nguyên quý giá, một yếu tố tiên quyết và bao trùm mà toàn bộ hệ thống chính trị phải giữ vững trong thời gian tới. Do đó,  mỗi người trong chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ để có hành động đúng đắn, sáng suốt; nhận diện, đấu tranh phê phán các quan điểm phiến diện của các thế lực phá hoại. Sự ổn định chính trị chỉ được xây dựng vững chắc trên nền tảng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước./.

Thanh Mai