BÁO CHÍ VIỆT NAM "GÓP LỬA" PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Cách đây 97 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam (hay còn gọi là báo chí chính thống) luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tích cực cổ vũ nhân tố mới, tiến bộ, đồng thời, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, báo chí cách mạng ngày nay tích cực đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế cho thấy những năm gần đây, đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã được triển khai quyết liệt, bài bản, hiệu quả và được toàn xã hội đồng tình. Nhiều vụ việc về tham nhũng, tiêu cực đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Trong đó, không ít vụ việc do báo chí phát hiện, đưa tin. Lấy ngòi bút làm vũ khí, các cơ quan báo chí đã lên tiếng nhiều vụ “bổ nhiệm cán bộ thần tốc” gây bức xúc dư luận ở một số ngành, địa phương. Báo chí cũng đã vào cuộc phản ánh những vụ việc, hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực trọng yếu, nhạy cảm như kinh tế, tài chính, đất đai, hạ tầng cơ sở, an ninh, quốc phòng… Nhiều nhà báo đã vượt qua nguy hiểm, cám dỗ để thâm nhập thực tế, lấy được những cứ liệu ban đầu hết sức quan trọng để từ đó các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Không chỉ góp phần phát hiện ra tham nhũng, phơi bày những vụ việc, hiện tượng tiêu cực, báo chí còn tạo ra sức ép công luận để công tác đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao. Báo chí đã theo sát quá trình điều tra để kịp thời thông tin, phản ánh diễn biến vụ việc cho người dân. Từ đó, góp phần tạo sức ép, thúc đẩy để các cơ quan điều tra, cơ quan pháp luật khẩn trương giải quyết, xét xử vụ việc. Báo chí cũng đấu tranh để các cơ quan chức năng tôn trọng và thực hiện quyền được cung cấp thông tin của người dân về quá trình quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.

Hơn thế nữa, bằng những tác phẩm mang sức chiến đấu cao, thông qua nhiều hình thức, thể tài phong phú, báo chí đã đóng góp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Từ đó, giúp Nhân dân hiểu rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi công dân nói riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng; kịp thời động viên, cổ vũ những tấm gương, những nhân tố mới tham gia hiệu quả vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng…

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất hiện nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhất là lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các thế lực thế lực thù địch, thành phần cơ hội chính trị trong và ngoài nước tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc, kích động nhằm chống phá công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà toàn Đảng, toàn Dân đang tiến hành, chống chế độ XHCN chúng ta đang xây dựng thì công tác thông tin, định hướng dư luận xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng. Qua những tác phẩm báo chí được đăng tải, phát sóng, các cơ quan báo chí đã tích cực bóc trần, phản biện và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật. Tất cả đã góp phần thống nhất nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” đối với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.

Với những đóng góp nói trên mà báo chí ngày càng được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy. Đã có nhiều sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh đội ngũ người làm báo, như: Giải báo chí toàn quốc, Giải Búa liềm vàng, đặc biệt là Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017 đến nay vẫn tiếp tục duy trì, được dư luận đánh giá cao. Ngoài ra, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện. Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng của báo chí: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng (Điều 75). Điều 13 Luật Phòng chống tham nhũng còn quy định cụ thể về họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Điều 14 Luật Phòng chống tham nhũng quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình…

Tham nhũng là “quốc nạn”, là ung nhọt của xã hội. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp. Với quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và rất cần sự đồng hành của báo chí. Điều này đòi hỏi đội ngũ người làm báo tiếp tục phát huy truyền thống 97 năm, giữ vững bản lĩnh, luôn nhạy bén, sáng tạo, dũng cảm để những sản phẩm xuất sắc, góp “lửa” diệt trừ tham nhũng, tiêu cực; cùng với hệ thống chính trị và toàn xã hội xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

          Kim Dung