BÁO CHÍ PHẢI ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN, TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN XÃ HỘI

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết với hàng trăm bút danh khác nhau, được đăng ở nhiều báo trong, ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng với đa dạng các chủ đề. Những bài viết của Người có văn phong gần gũi, dễ hiểu, được bạn đọc khắp năm châu đón nhận. Không chỉ viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm những công việc liên quan đến nghề báo như tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành… Thực tiễn phong phú đó đã tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng.

Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; cách thu thập, xử lý tin tức để làm nên một tác phẩm báo chí có giá trị… Người chỉ rõ, báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc”. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được.

1.jpg -0
Tại Đại hội lần thứ III Những người viết báo Việt Nam (8/9/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”. Ảnh: Tư liệu.

Các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí là để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Do đó, mỗi nhà báo khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Không được tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Đồng thời, phải tuyệt đối tránh các lỗi: viết quá dài “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng; đưa tin tức hấp tấp, thiếu thận trọng; làm lộ bí mật…

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”; “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Lời Bác dạy là kim chỉ nam cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí, luôn giữ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Ngày nay, trong xu thế bùng nổ thông tin, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ, có vị thế đặc biệt, tác động sâu sắc, mọi mặt trong đời sống xã hội. Dù là thời kỳ thịnh hành của báo in trước đây hay xu thế công nghệ với sự lên ngôi của báo điện tử và truyền thông đa phương tiện ngày nay thì hệ thống tư tưởng của Bác về báo chí vẫn nguyên giá trị.

Người làm báo truyền thống hay làm báo công nghệ hiện đại đều phải tu chỉnh, luyện rèn cả về đạo đức, phong cách và bồi dưỡng tư duy, kỹ năng làm báo theo tư tưởng, quan điểm của Bác. Hoạt động của báo chí trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Là một bộ phận của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí lực lượng CAND không ngừng trưởng thành về mọi mặt, có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND; là cầu nối giữa lực lượng CAND với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; là phương tiện cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cùng với báo chí cả nước, báo chí CAND tuyên truyền, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Nguyễn Thành