"LUẬT NGẦM"

“Luật ngầm” để chỉ những hiện tượng không minh bạch trong quan hệ làm ăn kinh tế. Biểu hiện này diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi hơn.

“Luật ngầm” nói về câu kết, móc ngoặc giữa một bộ phận quan chức trong cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, người chạy dự án hay xin cấp vốn đầu tư. Người ta cho rằng cán bộ có chức, quyền càng cao, có nhiều mối quan hệ càng có lợi thế tác động, gây ảnh hưởng để người nhà, người thân hoặc “sân sau” của mình tiếp cận với dự án. Đây là hình thức lợi dụng chức quyền một cách hợp pháp, hợp thức hóa tham nhũng ở cấp độ cao mà không dễ bị lộ diện. Những nguồn lợi bất chính đã thôi thúc không ít cán bộ tha hóa biến chất tìm kiếm, tạo dựng cho mình những lợi thế riêng trong luật chơi của chức quyền. Không nói ra nhưng thực tế đang tồn tại những quy ước chỉ dành cho từng nhóm mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Cơ chế xin - cho từ lâu đã là mảnh đất màu mỡ cho một bộ phận quan chức thao túng, đến nay biểu hiện này có giảm khi đã minh bạch hơn nhưng không dễ bị triệt tiêu. Muốn có được những dự án kinh tế, những gói thầu đều phải “chạy” thông qua quan hệ với quan chức và đó là con đường ngắn nhất để đạt mục đích. Chạy cho người có thẩm quyền xét duyệt, chạy để rút cho được ngân sách, chạy tìm lợi thế thông thầu ....Tất cả đều phải chạy, không chạy không được việc. Đó là cái vòng giữa “cung và cầu” không theo quy luật kinh tế. “Quy luật” đó đã tạo ra luật chơi đẩy họ đến với nhau, cần thiết cho nhau và tất yếu sẽ hình thành quan hệ, lợi ích qua lại, chi phối các quan hệ với mục đích cuối cùng là thu lợi bất chính.

Chuyện tìm nguồn, chạy dự án, chạy vốn, chạy quan hệ không còn xa lạ với các doanh nghiệp và cả những trung gian môi giới (dân gian gọi là “cò”). Không ít doanh nghiệp xem có được mối quan hệ, thành “đối tác tin cậy” của các quan chức, có khi còn quan trọng hơn tư duy đầu tư chất xám cho sản xuất kinh doanh. Đây như là một xu thế kinh doanh thời thượng, một kiểu cạnh tranh quan hệ, tạo con đường làm ăn nhanh nhất. Lâu nay vẫn nghe về trích “lại quả”, “hoa hồng” theo tỷ lệ,  người ta ngầm hiểu khi có được dự án, trúng thầu hoặc được cấp vốn thì người được hưởng phải “biết điều” mới có thể làm ăn lâu dài. Quan chức cũng ngầm hiểu như vậy để có thể ký những quyết định mạnh tay hơn! Không ai dám khẳng định con số là bao nhiêu trừ khi bị lộ, bị khởi tố mới lộ ra những con số chi ngoài sổ sách kế toán. Vụ án Công ty đầu tư tiến bộ quốc tế (AIC) xin cấp vốn bổ sung cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là một ví dụ như thế. Khoan nói cụ thể chạy thế nào, với ai, chỉ biết AIC đã làm để được cấp vốn rồi cấu kết với quan chức của tỉnh này trúng thầu, gây thất thoát 152 tỷ đồng. Dĩ nhiên AIC đã biết “đầu tư” đi trước một bước bằng những “đồng tiền khôn” và đương nhiên biết chắc thu lợi được bao nhiêu sau khi đã bỏ ra chi phí!

Cũng có khi không cần quan chức phải ra mặt mà người nhà, người quen hay những “cò” và doanh nghiệp “sân sau” mới là ông chủ của đối tác làm ăn. Những đối tác giấu mặt  nhưng lại có sức mạnh vô hình có thể đánh bại các đối thủ cạnh tranh, chỉ cần được giới thiệu hoặc tiết lộ mối quan hệ với ông nọ, bà kia thì họ sẽ tiếp cận với các dự án, gói thầu… thuận lợi và dễ dàng. Ngược lại chống lưng, ưu ái cho các doanh nghiệp “sân sau” không còn là chuyện hiếm và sự móc ngoặc ngày càng tinh vi hơn của quan chức. Cũng vì lợi ích của nó mà nhiều doanh nghiệp, mặc dù năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh không có gì nhưng vẫn thắng thầu, được cấp vốn. Những BOT, BT đã được báo chí phản ánh thời gian qua là những ví dụ như thế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp A, công ty B không có năng lực thực sự lại có thể trúng thầu? Không khó khi họ đưa ra những phép màu để hợp thức hóa, đáp ứng những tiêu chí trong khi nhiều doanh nghiệp khác có năng lực lại chỉ chấp nhận làm nhà thầu phụ, thầu lại hoặc làm thuê!

“Luật ngầm” có sức ảnh hưởng ghê gớm đến đường lối, chính sách, chi phối đến hoạt động trong xã hội từ hoạt động kinh tế, văn hóa, thậm chí tác động đến công tác đề bạt, phân công cán bộ. Có bao nhiêu doanh nghiệp “sân sau” đã thắng thầu ở các dự án kinh tế, ở các gói thầu, có bằng chứng nào có “mối quan hệ” với những người có chức, có quyền? Quả là quá khó để tìm được câu trả lời chính xác, càng khó hơn khi phải đưa ra bằng chứng để chứng minh các mối quan hệ đã tác động như thế nào. Chuyện người nhà, người thân có hoạt động kinh tế cũng là bình thường, ngoại trừ qui định không được làm của Luật phòng chống tham nhũng. Những luật ngầm như được nêu trên chỉ mới là một phần trong cách thức các mối quan hệ làm ăn, còn nhiều hình thức ẩn chứa trong luật ngầm cần được vạch ra.      

Thời gian qua, nhiều vụ án kinh tế được phát hiện và đưa ra xét xử. Bóng dáng của các quan chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước làm ăn khất tất ngày càng nhiều hơn. Tuy vậy, đó chỉ là những tảng bằng nổi, không ít tảng băng chìm đang chiếm tỉ lệ rất lớn còn ẩn chứa trong các phi vụ làm ăn bất hợp pháp. Các vụ án kinh tế làm thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỉ là hệ quả của cung cách “làm ăn”  như vậy. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về chi phí để xây dựng mối quan hệ với quan chức rất tốn kém, nhưng nếu không có mối quan hệ hoặc không được “chống lưng” thì rất khó để làm ăn, chưa kể là thất bại trong cạnh tranh. Ngoài cơ chế, chính sách kinh tế còn không ít hạn chế gây cản trở môi trường kinh doanh lành mạnh thì luật ngầm đang là một rào cản lớn được dựng lên bởi những cán bộ tha hóa, biến chất cần phải được sớm loại bỏ. Một môi trường lành mạnh đòi hỏi phải được cạnh tranh một cách bình đẳng, không phải trông cậy vào các mối quan hệ hay các thế lực chống lưng. Sẽ là thụt lùi nếu các doanh nghiệp vẫn bị chi phối bởi lối tư duy làm ăn có bóng dáng của “luật ngầm”.

“Luật ngầm” là con đường ngắn nhất dẫn tới tham nhũng chính sách, là điều kiện để tham nhũng có chỗ dựa, điều kiện làm ăn phi pháp. Những người lợi dụng tạo ra những “luật ngầm” cần sớm loại bỏ, nhất là người có chức quyền, nắm tài sản lớn của Nhà nước, tập thể. Cần xử lý nghiêm những quan chứcg có những hành vi can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vì động cơ cá nhân vào các dự án kinh tế, gói thầu…. Tuy nhiên, để loại bỏ những rào cản vô hình như đã đề cập đòi hỏi cần có sự chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt của hệ thống chính trị, làm trong sạch môi trường kinh doanh. Không loại trừ được “luật ngầm” sẽ không bao giờ loại trừ được tham nhũng, nhất là tham nhũng có tổ chức, thao túng, lũng đoạn nền kinh tế.  

NGUYỄN PHƯỚC AN