XỬ LÝ HÀNG LOẠT ĐƠN VỊ VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 3/2024 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, người phát ngôn của Bộ TT&TT chủ trì cuộc họp.

Tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để gửi hàng lậu, hàng cấm

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND tại buổi họp báo liên quan đến những vi phạm trong lĩnh vực bưu chính tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh trong cung ứng dịch vụ, đại diện Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT cho biết: Với sự tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) kéo theo sản lượng bưu chính  gửi tăng rất nhanh, chủ yếu là gói, kiện TMĐT. Hiện nay, hơn 70% sản lượng bưu kiện gửi bưu chính là gói, kiện hàng hóa.

Xử lý hàng loạt đơn vị vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông -0
Thứ trưởng Bộ TT&TT chủ trì cuộc họp báo.

Việc sản lượng gói, kiện hàng hóa, nhất là hàng hóa mua bán qua sàn TMĐT tăng nhanh trong khi điều kiện kiểm tra kiện hàng hóa trước khi chấp nhận của doanh nghiệp bưu chính bị hạn chế dẫn đến nguy cơ kẻ xấu lợi dụng dịch vụ chuyển phát do các doanh nghiệp bưu chính cung ứng để gửi hàng lậu, hàng cấm như vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Qua kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp tại Hà Nội thời gian vừa qua, Bộ TT&TT nhận thấy, một số doanh nghiệp bưu chính chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bưu chính: Không cung ứng dịch vụ bưu chính, sử dụng giấy phép bưu chính sai mục đích, không thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định. Ngoài ra, có doanh nghiệp có dấu hiệu né tránh, không hợp tác hoặc hợp tác chưa nghiêm túc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được mời làm việc.

Những vi phạm kể trên của doanh nghiệp đang gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về bưu chính; đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính như lộ lọt bí mật thư tín, mất bưu kiện gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường bưu chính, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới quyền lợi của người sử dụng dịch vụ bưu chính.

Bên cạnh việc thu hồi giấy phép của 30 doanh nghiệp bưu chính, Bộ TT&TT đã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính tại trụ sở chính của 150 doanh nghiệp bưu chính.

Bộ TT&TT, trực tiếp là Vụ Bưu chính cũng nhận thấy, 6 doanh nghiệp bưu chính có dấu hiệu né tránh, không hợp tác hoặc hợp tác chưa nghiêm túc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được mời làm việc. Hiện Bộ TT&TT đang phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an yêu cầu các doanh nghiệp này làm việc theo quy định và sẽ tiến hành xử phạt vi phạm theo đúng thẩm quyền.

Thu trên 10 ngàn tỷ đồng từ 2 cuộc đấu giá tần số viễn thông

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục tần số vô tuyến điện cho biết: Trong tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với các khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz) và khối băng tần C2 (3700 - 3800 MHz), thu về cho ngân sách nhà nước hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) với giá hơn 7.533 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz) với giá hơn 2.581 tỷ đồng.

Riêng khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz), do chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá nên theo quy định tại Khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định nên cuộc đấu giá không thành.

Xử lý hàng loạt đơn vị vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông -1
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện chia sẻ thông tin tại buổi họp báo.

Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức đấu giá tần số thành công sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua. Việc đấu giá thành công lần này không chỉ khẳng định Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi và Nghị định số 63/2023/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống, mà còn cho thấy sự tham gia nghiêm túc của các doanh nghiệp và tính khách quan, minh bạch của cuộc đấu giá.

Hiện Bộ TT&TT đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) và khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz). Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông đã có thông báo về việc nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; thông báo phí, lệ phí tần số vô tuyến điện; phí cấp phép hoạt động viễn thông, phí quyền hoạt động viễn thông gửi các doanh nghiệp trúng đấu giá.

Hàng loạt cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử vi phạm bị xử phạt

Bộ TT&TT cho biết, trong tháng 3/2024, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cơ quan báo chí, trang tin điện tử vi phạm, cụ thể: Quyết định số 52/QĐ-XPVPHC ngày 25/3/2024 do Cục trưởng Cục Báo chí ký ban hành, xử phạt Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn số tiền 135 triệu đồng với 8 lỗi vi phạm trong hoạt động báo chí.

Quyết định số 45/QĐ-PTTH&TTĐT ngày 1/4/2024 do Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử ký ban hành, xử phạt Công ty Cổ phần Truyền thông HVL Media 15 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định trong Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp số 1579/GP-TTĐT ngày 10/5/2016 do Sở TTTT thành phố Hà Nội cấp cho Công ty Cổ phần Truyền thông HVL Media hoạt động tại tên miền kinhteplus.com.vn.

Quyết định số 20/QĐ-XPVPHC ngày 26/3/2024 do Thanh tra Bộ ban hành, xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam với tổng số tiền là 30 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định trong giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng; trích dẫn không chính xác, nguyên văn nguồn tin chính thức theo quy định tại trang thông tin điện tử tổng hợp www.dntt.vn. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng do Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử cấp cho Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam trong thời hạn 3 tháng.

Quyết định số 23/QĐ-XPVPHC ngày 1/4/2024 do Thanh tra Bộ ban hành, xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam với số tiền 50 triệu đồng về hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng và Quyết định số 22/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với Tổng biên tập Tạp chí số tiền 4 triệu đồng về hành vi cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí.

CAND online