VIỆT NAM & DẤU ẤN NỔI BẬT KHI NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU ẢM ĐẠM

Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có ghi nhận tăng trưởng kinh tế với GDP tăng 2,91% với thặng dư thương mại ghi nhận trong năm đạt mức cao nhất từ trước đến nay, là gần 19,1 tỷ USD.

 

Việt Nam là hình mẫu cho nhiều nước về chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực xảy ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thảm họa thiên nhiên và thay đổi địa chính trị, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch và tăng trưởng kinh tế. Trong đó phần lớn là dựa vào ý chí chính trị mạnh mẽ và các biện pháp quyết liệt được thực hiện bởi Chính phủ và người dân. Sự thay đổi về lãnh đạo sắp tới của đất nước, sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều phát triển mới hơn.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã trở thành điểm sáng, tấm gương và hình mẫu về ngăn chặn đại dịch thành công sau khi thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch nghiêm ngặt, kịp thời và hiệu quả. Khi cuộc khủng hoảng toàn cầu bước sang năm thứ hai, Việt Nam tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19.

Ngày 29/6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Thành công của Việt Nam trong đối phó COVID-19 mở ra con đường chỉ dẫn cho các nước đang phát triển khác”, trong đó báo cáo ca ngợi Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn, thực hiện các biện pháp kiểm soát tích cực và hiệu quả trong toàn xã hội.

Cụ thể, báo cáo của IMF ghi rõ: “Ngay sau khi Trung Quốc chính thức báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một số trường hợp mắc bệnh viêm phổi lạ vào ngày 31/12/2019, Việt Nam đã hoàn thành xong bản đánh giá rủi ro sức khỏe. Việc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng đã được thực hiện nghiêm ngặt, ngay cả trước khi WHO đưa ra khuyến nghị. Trong lúc các chiến dịch xét nghiệm hàng loạt với giá cao đã được triển khai tại phần lớn các quốc gia phát triển để chống lại đại dịch, Việt Nam lúc này vẫn tập trung vào các trường hợp nghi ngờ hoặc có nguy cơ cao. Các nhóm người sống gần các ca nhiễm đã xác định, đôi khi có thể là cả con đường, hoặc cả ngôi làng phát hiện có ca nhiễm đều sẽ phải tiến hành xét nghiệm và cách ly. Điều này đã giúp một phần rất lớn trong việc hạn chế lây nhiễm cộng đồng”.

Ngày 29/8/2020, United Nation News đã phát hành một bài báo có tựa đề “Chìa khóa để Việt Nam đối phó thành công với đại dịch COVID-19” của Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra. Trong đó nhờ sự tham gia phản ứng sớm, chủ động của chính phủ, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thành công của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Đáng chú ý, người dân Việt Nam đặc biệt tuân thủ rất tốt các chỉ thị và lời khuyên của chính phủ. Thành quả này có được một phần là nhờ vào việc xây dựng được mạng lưới thông tin minh bạch.

Dấu ấn trong ngoại giao đa phương

Ngoài việc áp dụng thành công các biện pháp đối phó với COVID-19, Việt Nam đã đạt được những dấu mốc quan trọng về ngoại giao đa phương trong năm qua, có thể kể đến như giữ chức vụ Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA).

Khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, Việt Nam đã tổ chức trực tuyến các cuộc họp ASEAN và đưa ra 13 sáng kiến tại các sự kiện của ASEAN. Hội nghị Cấp cao ASEAN 2020 chứng kiến khối khu vực thông qua một số thỏa thuận và nghị quyết quan trọng, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – một hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương và là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

Thêm vào đó, Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác toàn cầu thông qua cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về hợp tác ASEAN – Liên Hiệp quốc và Ngày Quốc tế phòng chống dịch (27/12). Hợp tác giữa ASEAN và Liên Hiệp Quốc về hòa bình và an ninh quốc tế là chủ đề chính xuyên suốt nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam, bắt đầu từ cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 30/1/2020.

Tăng trưởng kinh tế

Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có ghi nhận tăng trưởng kinh tế với GDP tăng 2,91% với thặng dư thương mại ghi nhận trong năm đạt mức cao nhất từ trước đến nay, là gần 19,1 tỷ USD.

Về khả năng phục hồi kinh tế, các nhà phân tích cho rằng thành công của Việt nam là nhờ các chính sách tài khóa tập trung vào hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp bấp bênh chịu nhiều tác động do sự chậm lại của hoạt động trong nước và gián đoạn thương mại quốc tế, du lịch và chuỗi cung ứng... Ngoài ra, Việt Nam cũng cho thấy sự tiến bộ trong nhiều lĩnh vực như công nghệ và giáo dục.

Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ qua chủ yếu gắn liền với các chính sách đảm bảo môi trường kinh doanh vững chắc và nâng cao hiệu quả sản xuất. Điều này dẫn đến các chính sách hỗ trợ một cơ cấu vững chắc cho các doanh nghiệp Nhà nước, khu vực tài chính và đầu tư công. Trong hai năm qua, Việt Nam đã thu hút một lượng đầu tư nước ngoài cao kỷ lục.

Trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, các chính sách của chính phủ và Đảng đã thể hiện tính hiệu quả trong việc hỗ trợ tăng cường kinh tế và xã hội, cũng như là nền tảng cho thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Trong khu vực, giới chuyên gia cũng kỳ vọng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ mở rộng vai trò của Việt Nam như một nhà lãnh đạo mới nổi thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và khu vực, trong đó tập trung vào ngoại giao, thương mại và hội nhập. Trong kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 26/1 – 2/2 để lựa chọn lãnh đạo mới, với việc đất nước đã trải qua một năm mạnh mẽ vào năm 2020, chính quyền tiếp theo của đất nước được kỳ vọng sẽ dẫn dắt đất nước hướng tới các mục tiêu phát triển tốt đẹp trong mọi lĩnh vực trong tương lai.

Thừa Thiên Huế online