TRUNG TƯỚNG TÔ ÂN XÔ NÓI VỀ CHỦ TRƯƠNG XỬ LÝ CÁN BỘ LIÊN QUAN VỤ VIỆT Á

Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương xử lý các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm "dính" đến vụ Việt Á"; đảm bảo tính nghiêm minh nhưng vẫn thể hiện tính nhân văn, khoan hồng.

Chiều 1/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. 

Buổi họp báo được tổ chức ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và tháng 12 tháng năm 2022, những nhiệm vụ cần tập trung hoàn thành trong tháng còn lại của năm. Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đại diện Bộ Công an dự, trả lời câu hỏi của phóng viên.

Trung tướng Tô Ân Xô nói rõ về chủ trương xử lý cán bộ
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an trả lời câu hỏi của phóng viên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về "đại án" Việt Á và quan điểm, chủ trương xử lý các cán bộ sai phạm liên quan đến vụ án Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương xử lý các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm "dính" đến vụ Việt Á"; đảm bảo tính nghiêm minh nhưng vẫn thể hiện tính nhân văn, khoan hồng.

Cụ thể, vụ Việt Á là vụ án rất phức tạp, gây nhiều bức xúc trong công luận, dư luận nhân dân rất quan tâm, theo dõi. Nhiều bị can trong vụ án này là cán bộ, đảng viên, thậm chí là cán bộ cao cấp bị xử lý.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn với 29 bị can, trong dó có 2/3 là đảng viên. Cơ quan CSĐT đã áp dụng biện pháp phong tỏa, ngăn chặn tài khoản giao dịch, sổ tiết kiệm, kê biên tài sản, tạm giữ số tiền 1.700 tỷ đồng các bị can tự nguyện nộp cho Cơ quan điều tra. Vì liên quan đến rất nhiều cán bộ, đảng viên, ngày 20/10, Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương xử lý các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm trong vụ án Việt Á.

Theo đó, chủ trương xử lý chia ra làm 3 trường hợp. Trường hợp thứ nhất sẽ xử lý, kỷ luật nghiêm theo quy định. Điều này áp dụng đối với 3 nhóm, cụ thể: Một là vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì, kết luận trong phòng, chống dịch Covid-19 ở các địa phương. Hai là có hành động can thiệp, tác động tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong đấu thầu, mua sắm thuốc, mua trang thiết bị vật tư y tế trong phòng chống dịch mà gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ba là có hành động thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ mua sắm, đấu thầu vì mục đích tư lợi, vì mục đích cá nhân gây thiệt hại lớn cho Ngân sách Nhà nước và nhận tiền, lợi ích vật chất khác.

Trường hợp thứ 2 xem xét giảm nhẹ đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu thầu, ký kết hợp đồng, hợp thức hóa các hợp đồng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng vi phạm này xảy ra trong trường hợp cấp bách và hướng dẫn của cấp trên chưa kịp thời, chưa đầy đủ, đồng thời không có hành vi vụ lợi hay động cơ cá nhân khác.

Việc xem xét giảm nhẹ xử lý cũng áp dụng đối với các trường hợp đã chủ động, kịp thời báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ và nghiêm túc kiểm điểm, chủ động khắc phục hậu quả và không có thông đồng về việc nhận hoa hồng; kịp thời báo cáo, nộp lại toàn bộ số tiền, lợi ích vật chất khác đã nhận cho cơ quan có thẩm quyền; vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, do chỉ đạo của cấp trên hoặc những người trên tuyến đầu phòng chống dịch có thành tích đáng ghi nhận, thành tích xứng đáng trong phòng chống dịch.

Trường hợp thứ 3, miễn kỉ luật, yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc. Việc xử lý này áp dụng với nhóm đối tượng có vi phạm trong bối cảnh phòng chống dịch cấp bách, không vụ lợi hoặc không có động cơ cá nhân và gây hậu quả ít nghiêm trọng; đã chủ động báo cáo đầy đủ, trung thực, tự giác nghiêm túc kiểm điểm, tích cực khắc phục hậu quả do sai phạm gây ra; những đảng viên không giữ chức vụ nhưng thực hiện chức trách, nhiệm vụ do cấp trên giao.

"Chủ trương này nhằm đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật nhưng vẫn thể hiện tính nhân văn, khoan hồng. Bộ Công an đề nghị những người vi phạm nếu hiện nay chưa thì tiếp tục trung thực khai báo với cơ quan có trách nhiệm hoặc nộp lại số tiền thì sẽ được xem xét khi vụ án tiếp tục được mở rộng điều tra" - ông Xô nói.

Về vụ án này, quá trình điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan, ngày 30/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ  về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ông Nguyễn Văn Trịnh đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm COVID-19 trái quy định pháp luật, giúp Công ty Việt Á tiêu thụ sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại các đơn vị, địa phương, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Liên quan đến vụ Việt Á, đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Công an các tỉnh đã khởi tố trên 100 bị can, trong đó có tới 3 Ủy viên Trung ương Đảng.

CAND ONLINE