THA HÓA QUYỀN LỰC VÀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC

Đại hội Đảng lần thứ 13 đã chính thức đưa vấn đề “kiểm soát quyền lực” vào văn kiện của đại hội. Đây được xem là bước chuyển mạnh mẽ về quan điểm, thể hiện quyết tâm chống “tha hóa quyền lực” trong Đảng và hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng trong cuộc họp công tác phòng, chống tham nhũng ngày 18/3/2021. Ảnh: nhandan.vn

“Tha hóa quyền lực” là hành vi lợi dụng, lạm dụng hoặc thực hiện trái thẩm quyền để làm những việc sai trái, động cơ cá nhân vì mục đích không trong sáng. Trong khi phần lớn cán bộ đã làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình vì nhiệm vụ chung thì vẫn có không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao bị cám dỗ, mua chuộc dẫn đến tham ô, bòn rút của công, làm trái với lương tâm, trách nhiệm. Một số người khi có chức quyền sinh ra sa sút về phẩm chất đạo đức, lao vào hưởng thụ, sinh hoạt thiếu lành mạnh, cổ vũ lối sống thực dụng, chê bai Nhà nước, chế độ. Có một số người bị đụng chạm chức quyền, không đạt như ý hoặc sai phạm bị kỷ luật sinh ra bất mãn, biến chất, thậm chí tham gia các tổ chức chống Đảng và chế độ. Cho nên, chúng ta cần sớm phát hiện những cán bộ suy thoái, tha hóa để xử lý, đấu tranh loại bỏ. Những cán bộ trong quyền hạn của mình đem lại lợi ích cho tập thể, xã hội cần được hoan nghênh; ngược lại, lợi dụng làm những việc sai trái gây hại cho Nhân dân cần bị lên án, xử lý nghiêm minh.

Mới đây, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định xử lý gần chục cán bộ cấp cao của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trong đó hầu hết là cấp chỉ huy cao nhất. Vi phạm chủ yếu liên quan đến lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng, có 2 thiếu tướng bị khởi tố bắt giam. Đây được xem là một vụ kỷ luật lịch sử trong quân đội. Lẽ ra họ là những người kiên định, gương mẫu, dũng cảm, nhưng đáng tiếc là đã bị tha hóa, biến chất.

Trong những năm gần đây, một loạt cán bộ cấp cao ở một số bộ, ngành, địa phương bị kỷ luật, bị khởi tố. Phần lớn đều vi phạm nghiêm trọng liên quan đến chức quyền, cố ý làm trái. Họ đều là những người giữ trọng trách, có vị thế cao, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của hàng ngũ lãnh đạo nói chung. Cuối năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng vì những vi phạm nghiêm trọng, tuyên truyền chống lại quan điểm của Đảng. Trong nhiệm kỳ khóa 12 đã có113 cán bộ cấp trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên và cựu Ủy viên Bộ Chính trị, 24 ủy viên và cựu ủy viên Trung ương, 30 sĩ quan cấp tướng... bị xử lý kỷ luật. Đó là số cán bộ cấp cao bị kỷ luật nhiều nhất trong 1 nhiệm kỳ.

“Tha hóa quyền lực” theo góc độ xây dựng Đảng đó là thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa của nhũng người có chức, quyền. Đó là sự chuyển hóa về chất theo duy vật biện chứng, trong đó vấn đề đạo đức, phẩm chất chính trị là cốt lõi. Về khách quan, những yếu tố về mặt trái của kinh tế thị trường, lợi ích vật chất đã tác động mạnh vào đội ngũ cán bộ. Mặt khác, âm mưu “Diễn biến hòa bình” đã làm chuyển hóa những cán bộ thiếu bản lĩnh, kém rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức. Những quy định về giáo dục, quản lý, kiểm tra, những nguyên tắc Điều lệ Đảng, nhất là phê bình, tự phê bình đang bị buông lỏng ở nhiều tổ chức, bộ phận. Nhưng quan trọng nhất là chủ quan, buông lỏng rèn luyện, không giữ được tín nhiệm của những người có chức quyền. Họ là những người cần mẫu mực, trong sáng nhất nhưng đã bị suy thoái phẩm chất, đánh mất tự trọng, danh dự chỉ vì nhu cầu vật chất tầm thường, tham muốn danh vọng ích kỷ. Tha hóa quyền lực về đạo đức là hành vi gây nguy hại trước mắt, tha hóa về chính trị có tính chất nguy hiểm lâu dài cần phải được nhận diện đấu tranh loại bỏ.

Trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định có tính ràng buộc đối với cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao. Những biện pháp quyết liệt, những bản án nghiêm khắc đã phần nào làm giảm sự suy thoái, tha hóa của cán bộ. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 ngày 23/9/2019 “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta có quy định riêng về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Bởi vấn đề này được xem là lĩnh vực đang gây bức xúc trong cán bộ, Nhân dân và là nguyên nhân ban đầu của tha hóa quyền lực. Tuy nhiên, hiện nay sự tha hóa quyền lực chưa thực sự giảm như mong muốn, nhiều cán bộ cấp cao tiếp tục “dính” vào kỷ luật, bị xử lý hình sự, dù bài học từ những vụ án được đưa ra xét xử chưa lâu; đòi hỏi phải tiếp tục kiểm soát “không ngừng, không nghỉ”.

Công tác kiểm soát quyền lực, chống tha hóa phải được tiếp tục làm mạnh hơn nữa trên tinh thần các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, 12) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13. Cần quyết liệt chống chạy chức, chạy quyền vì đây là biểu hiện không lành mạnh, nguyên nhân chủ yếu của tha hóa quyền lực. Công tác bầu cử, bổ nhiệm cán bộ phải được công khai, minh bạch; lựa chọn đúng cán bộ đi đôi với giáo dục, kiểm tra dấu hiệu sai phạm trong lợi dụng quyền lực. Cơ chế miễn nhiệm cán bộ có biểu hiện tha hóa dù ở bất cứ cương vị nào, thay bằng những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Và quan trọng nhất là hoàn thiện cơ chế theo tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở: “Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

Thừa Thiên Huế online