SỬ DỤNG PHÁO HOA TẾT THỂ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ PHẠT

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 21/11/2020 của Chính phủ quy định rất rõ: pháo gồm pháo hoa và pháo hoa nổ. Trong đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm,…

Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Mọi người dân không được tự ý thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép.

Về hình thức xử lý vi phạm trong sử dụng pháo, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính với mức tiền phạt thấp nhất là 1.000.000 đồng, mức tối đa là 40.000.000 đồng (đối với cá nhân) và 80.000.000 đồng (đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp). Đồng thời, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sản xuất hoặc buôn bán pháo nổ, mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đã được cấp phép sản xuất và kinh doanh pháo hoa. Khi phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh, hãy báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc phản ánh qua tổng đài Hue-S 19001075 để xử lý kịp thời theo pháp luật. Nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Zalo