SẼ ĐƯA BỘ MÔN NỮ CÔNG GIA CHÁNH VÀO CHƯƠNG TRÌNH HỌC NGHỀ PHỔ THÔNG

Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, Trường THPT Hai Bà Trưng (Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa) sẽ được chọn làm thí điểm khôi phục lại việc dạy bộ môn nữ công gia chánh trong nhà trường.

Học sinh THPT trong giờ học ngoại khóa 

Nhắc đến nữ sinh Đồng Khánh một thời ai cũng nghĩ về những thiếu nữ có đủ công, dung, ngôn, hạnh. Ngoài học văn hóa, nữ sinh Đồng Khánh còn học các môn đặc trưng của một trường nữ.

Trong thập kỷ 50 của thế kỷ XX, học sinh đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) Trường Đồng Khánh được học các môn nữ công, gồm thêu, may, gia chánh và dưỡng nhi. Chương trình nữ công được sắp xếp vào thời khóa biểu chính thức như các môn văn hóa. Từ thập niên 60 - 70 cho đến 1975, các lớp đệ tam và đệ nhị, (lớp 10 -11 hiện nay) cũng được học nữ công gia chánh.

Chủ trương của nhà trường là đào tạo nữ sinh sau khi hoàn tất hai cấp học phổ thông sẽ trở thành những thiếu nữ đủ trình độ về văn hóa phổ thông và có khả năng làm tốt vai trò người vợ, người mẹ mà gia đình, xã hội giao phó để khỏi ngỡ ngàng lúng túng khi bước vào đời.

Môn học về nữ công gián đoạn khi sau này trường không còn học sinh thuần nữ nữa. Nhất là qua nhiều cải cách giáo dục, các thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và ảnh hưởng của xu thế mới nên việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong các trường phổ thông không còn như trước.

 

Phát thưởng cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc 

Tình trạng này dẫn đến một lượng lớn nữ sinh khi bước vào tuổi trưởng thành, ra khỏi mái trường phổ thông bị hạn chế về kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Việc phục hồi dạy học môn nữ công gia chánh là hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay.

Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho ngành giáo dục sưu tầm có chọn lọc các tài liệu dạy nữ công gia chánh trước đây để phối hợp với các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực tiến hành biên tập, bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với phương châm vừa học, vừa chơi, vừa trải nghiệm, không lý thuyết cao siêu để tạo hứng thú học tập cho các em học sinh.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, dạy nữ công gia chánh là dạy về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế. Điều này không chỉ dạy cho học sinh nữ mà cả học sinh nam cũng cần phải biết để các em khi rời khỏi vòng tay của bố mẹ thì tự tin để tham gia các hoạt động xã hội, giúp các em hòa nhập tốt.

Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo là sẽ phối hợp với Trường Cao đẳng nghề du lịch để dạy nghề cho các em; đồng thời, huy động lực lượng  giáo viên đã từng giảng dạy ở Trường THPT Hai Bà Trưng cùng với các nghệ nhân để rà soát đánh giá lại chương trình dạy văn hóa trên lớp, từ đó bố trí thời gian học hợp lý. Tổ chức hoạt động này dưới hình thức như câu lạc bộ để hướng nghiệp cho học sinh.

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sẽ hợp nhất chương trình dạy nghề hiện nay với chương trình giáo dục kỹ năng sống này để tạo điều kiện thuận lợi cho các em có chứng chỉ học nghề trong trường phổ thông, đảm bảo các quyền lợi trong thi cử cũng như phục vụ cho các em khi tham gia các hoạt động xã hội.

Sau Trường THPT Hai Bà Trưng, các trường trên địa bàn sẽ khôi phục dạy những ngành nghề được xem là thế mạnh phù hợp với đặc điểm của mỗi trường, mỗi địa phương.         

Thừa Thiên Huế online