QUÁN TRIỆT Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN HIỆN NAY

Năm 2022 toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII diễn ra thành công tốt đẹp; bầu cử Quốc hội khóa XV tiến hành thành công và cho đến hiện nay, chúng ta đang kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Cụ thể, tính từ 16h00 ngày 06/4/2022 đến 16h00 ngày 07/4/2022, ở Việt Nam ghi nhận 45.886 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 45.884 ca ghi nhận trong nước (giảm 3.240 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 33.715 ca trong cộng đồng). Đây là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới và nhận thức sâu sắc hơn những giá trị, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vào thời điểm này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “Chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao. Ở trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách, cam go, ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đương đầu với tên đế quốc giàu mạnh nhất và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng Mùa xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kỳ tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới” [1]. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” [2].

Có thể thấy, thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho đất nước; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bên cạnh đó, thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, vạch trần bản chất phi nghĩa, dối trá của Mỹ khi xâm lược Việt Nam. Ngày 21/3/2003, trả lời phỏng vấn trên tờ Thời báo chủ nhật (The Sunday Time Magazine) do nhà báo Jon Swain thực hiện, cũng như trong hồi ký Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, ông Robert McNamara - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã đánh giá hành động của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của cuộc đời ông và của nước Mỹ trong thế kỷ XX. Hai năm sau, năm 2005, theo kết quả thăm dò ý kiến của các nhà sử học Mỹ do Trung tâm Mitch McConell thuộc Trường đại học Colombia tiến hành thì vai trò của nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được xác định là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất mà các tổng thống Mỹ đã phạm phải [3].

Quán triệt ý nghĩa lịch sử của Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có lực lượng Công an luôn nỗ lực phấn đấu, thi đua xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ thành quả cách mạng; tích cực triển khai hiệu quả, toàn diện các mặt công tác nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, lực lượng Công an đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược an ninh, quốc phòng. Cụ thể như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới”; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược an ninh mạng quốc gia”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 15-KL/TW, ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Luật An ninh quốc gia; Luật Công an nhân dân; Luật An ninh mạng…; tổ chức đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, trong năm 2021, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 36.040 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,37% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 11,37%), án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90,26%; thụ lý giải quyết 134.285 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, tỷ lệ giải quyết đạt 90,12% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao). Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; triệt phá 1.335 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại. Tập trung đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, môi trường (phát hiện 4.629 vụ, 6.095 cán nhân, 22 tổ chức phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; phát hiện 26.193 vụ, 38.270 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 683,34 kg heroin, 2.764,06kg ma túy tổng hợp, 2.330.888 viên ma túy tổng hợp, 993,87kg cần sa); bảo đảm an ninh, an toàn các lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, lực lượng Công an đã quyết liệt triển khai các biện pháp, công tác, phối hợp ngăn chặn âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, các hoạt động phá hoại nội bộ, gây chia rẽ giữa Công an với Quân đội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Bảo đảm an toàn tuyệt đối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Tiến hành thẩm định các dự án đầu tư kinh tế gắn với bảo đảm yêu cầu về an ninh, quốc phòng; phối hợp bảo đảm an ninh kinh tế trong xây dựng cộng đồng ASEAN, đàm phán gia nhập các tổ chức, diễn đàn khu vực và thế giới, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương; xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm tiền giả; xác minh làm rõ vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến các dự án kinh tế; nắm tình hình liên quan an ninh biển, đảo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các giải pháp hỗ trợ ngư dân nhằm giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; quản lý hoạt động của khách du lịch nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ. Đánh giá mức độ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh thông tin của các thiết bị viễn thông nước ngoài được lắp đặt trong hệ thống mạng viễn thông trong nước; ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng lợi dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia; phối hợp, xử lý các tình huống phức tạp trong hoạt động báo chí; tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Lực lượng Công an đã tập trung đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc ý nghĩa lịch sử của Đại thắng mùa xuân năm 1975. Cụ thể là các đối tượng xuyên tạc chiến thắng lịch sử của nhân dân ta ngày 30/4/1975 là “tháng 4 đen”; “ngày quốc hận”; xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, rằng đó là cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc. Chúng biện hộ cho hành động xâm lược của Mỹ ở miền Nam, rằng đó là để giúp “Việt Nam tiếp cận văn minh phương Tây, chứ không phải là xâm lược Việt Nam”; rằng vì miền Bắc cộng sản “xâm lược, thôn tính miền Nam”, nên Mỹ phải “có trách nhiệm bảo vệ đồng minh của mình”… Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt chủ trương chuyển đổi số quốc gia, lực lượng Công an đã thần tốc, quyết liệt triển khai xây dựng, vận hành Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và “Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân”, hoàn thành đúng tiến độ, nhất là hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức vận hành từ ngày 22/6/2021, hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân chính thức vận hành từ ngày 01/7/2021, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, lực lượng Công an đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, quên mình. Mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an luôn tiên phong tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch với tinh thần “mỗi đơn vị, tổ chức trong Công an là pháo đài vững chắc chống dịch”; quyết tâm xây dựng và giữ vững “lá chắn sống” cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng là “Lá chắn thép phòng chống dịch COVID-19, thanh bảo kiếm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội”. Tính đến 12/2021, lực lượng Công an có hơn 10.000 cán bộ chiến sỹ Công an lây nhiễm COVID-19, 17 người hy sinh khi chống dịch.

2. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động. Biển Đông luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định; các nước lớn tiếp tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng, với mức độ, quy mô khác nhau ở khu vực; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố vẫn diễn ra, gây mất ổn định ở khu vực và trên thế giới. Các thách thức an ninh phi truyền thống, như an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, buôn lậu ma túy, di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia,... đang là những thách thức của các quốc gia trên thế giới. Các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng chống phá Đảng, Nhà nước ta, thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đòi “phi chính trị hóa” Công an với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt... Đặc biệt, trong những ngày cả đất nước đang hân hoan tổ chức các hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các thế lực thù địch, nhất là số phản động lưu vong vẫn ráo riết tuyên truyền, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4/1975. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng nhất định đến tình hình An ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam. Điều này đặt ra nhiều thách thức, trở ngại cho công tác bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch” [4]. Do đó, thời gian tới, để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, lực lượng Công an cần tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng, đặc biệt là tăng cường quán triệt nghiêm túc, hiệu quả ý nghĩa lịch sử của Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, cụ thể:

Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân

Đại thắng mùa Xuân 1975 là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện nước ta đến tinh thần chiến đấu, hy sinh quả cảm, thông minh của toàn thể nhân dân ta. Trong đó, “nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng” [5]. Đây là bài học quý báu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong những giai đoạn quyết định của cách mạng. Vì vậy, việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng, nhân tố có ý nghĩa quyết định bản chất cách mạng của Công an nhân dân Việt Nam, bảo đảm cho lực lượng Công an giữ vững mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và được xây dựng vững mạnh toàn diện.

Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân, Đảng bộ Công an Trung ương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong sạch, vững mạnh. Các cấp ủy đảng trong Công an nhân dân tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Công an nhân dân; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng để các tổ chức đảng trong Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; bảo đảm cho Công an nhân dân luôn thống nhất về ý chí và hành động, luôn là lực lượng đi đầu trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Công an nhân dân; bảo đảm cho Công an nhân dân luôn là lực lượng đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, chủ động nghiên cứu, nắm chắc, dự báo đúng tình hình, tạo nền tảng vững chắc cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự

Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính tiên quyết để giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và bảo đảm an ninh, trật tự nói riêng. Có nắm chắc tình hình, dự báo đúng thì lực lượng Công an mới có thể làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định các chính sách, chiến lược về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia sát hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng; bảo đảm giữ vững thế chủ động, có đối sách phù hợp xử lý thắng lợi các tình huống phức tạp nảy sinh, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới các mặt công tác, tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động theo dõi, đánh giá, dự báo những tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn có liên quan an ninh và lợi ích của Việt Nam; tình hình trật tự, an toàn xã hội; tình hình các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực; tình hình an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh xã hội. Cần vận dụng linh hoạt, đồng bộ các biện pháp, công tác trong nắm tình hình, triệt để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong nắm tình hình; chú trọng nắm tình hình rộng rãi, có chiều sâu trên không gian mạng cũng như tổ chức hiệu quả các biện pháp, công tác nắm tình hình ngay từ cơ sở, phát huy tối đa vai trò của 04 cấp Công an.

Ba là, tập trung xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, tạo nền tảng bảo vệ an ninh, trật tự.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ xây dựng thế trận an ninh nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và toàn dân trong thực hiện. Trong đó, tập trung tuyên truyền về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chú tự lực tự cường, tập trung phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về vị trí, vai trò và ý nghĩa của Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nêu bật tinh thần đoàn kết dân tộc, gắn bó giữa 54 dân tộc Việt Nam ở trong nước với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần của Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng thế trận an ninh nhân dân dân vững chắc, phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương. Chủ động, tích cực hội nhập và đối ngoại an ninh, tạo thế và lực xây dựng thế trận an ninh nhân dân từ xa. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, cần chú trọng xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, tạo sức đề kháng, “miễn nhiễm” cho quần chúng nhân dân trước các luận điệu, luồng thông tin sai trái, thù đích trên không gian mạng. Theo đó, cần tập trung vào nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng; tham mưu với Nhà nước trong xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng chủ động phát hiện từ xa, từ sớm các hành vi vi phạm pháp luật, tiếp nhận kịp thời thông tin về tội phạm, xử lý và phân tích dữ liệu lớn, thống kê và dự báo tình hình đặt ra; huy động sử dụng hệ thống mạng xã hội phổ biến trong xây dựng, triển khai thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng.

Bốn là, quyết liệt đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật

Cần tập trung nắm tình hình, phát hiện và giải quyết các xung đột xã hội, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; làm tốt công tác quản lý những đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật ngay tại địa bàn cơ sở. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng, chống tội phạm. Tăng cường đấu tranh phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, luận điệu xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong công tác phòng, chống tội phạm. Tập trung tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh; tội phạm về ma tuý, tội phạm mua bán người qua biên giới; tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; tội phạm về môi trường; tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại đối tượng trên không gian mạng ngày càng phức tạp, cần chủ động triển khai các biện pháp, đối sách phù hợp để tác chiến trên không gian mạng, đảm bảo vị thế chủ động trong đấu tranh; đồng thời tăng cường trang bị các phương tiện tiên tiến, hiện đại, có khả năng giải mã, phát hiện, thu thập dữ liệu từ những thiết bị điện tử hiện đại của đối tượng, theo dõi, giám sát phần mềm hoạt động chống phá của các đối tượng trên không gian mạng.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự

Tiếp tục chú trọng trao đổi, hợp tác xây dựng thể chế, ký kết các hiệp ước song phương và đa phương, tạo cơ sở để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, quốc tế đặt ra, nhất là các vấn đề an ninh phi truyền thống và an ninh mạng. Cùng với đó, tăng cường đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương, tham gia vào cơ chế đối ngoại an ninh khu vực và toàn cầu, nhất là Liên Hợp quốc, INTERPOL, ASEANAPOL, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các khuôn khổ hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương. Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng; chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Bên cạnh đó, chủ động thiết lập, củng cố và từng bước mở rộng đại diện của Bộ Công an, Văn phòng sĩ quan liên lạc cảnh sát Việt Nam ở các địa bàn cần thiết, phù hợp với nhu cầu và khả năng của ta. Nâng cao hiệu quả hợp tác tình báo, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, hoạt động của các cơ quan, tổ chức quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, diễn tập chung với lực lượng chức năng của các nước, nhất là trong khu vực về phòng, chống tội phạm khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Thúc đẩy hợp tác song phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là buôn bán, vận chuyển ma túy, vận chuyển chất thải gây ô nhiễm môi trường, tội phạm kinh tế, sử dụng công nghệ cao, rửa tiền, tội phạm truy nã. Tăng cường hợp tác giữa các địa phương giáp biên với các địa bàn nước bạn kề cận trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới, xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế để nâng cao tiềm lực, sức mạnh bảo đảm an ninh, trật tự; tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển nền công nghiệp an ninh. Chú trọng hợp tác với các nước đối tác truyền thống, các nước có công nghệ an ninh tiên tiến; liên doanh, liên kết sản xuất các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đặc chủng, chuyên dụng; chuyển giao, ứng dụng các phần mềm khoa học kỹ thuật trong đấu tranh với tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao. Đây là nhiệm vụ then chốt, lâu dài, tạo bước đột phá trong bảo đảm an ninh, trật tự hiện nay.

Sáu là, xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, công cụ bạo lực sắc bén, tin cậy của Đảng.

Tiếp nối truyền thống, kinh nghiệm của Chiến thắng 30/4/1975, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân, tập trung xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Cần chú trọng kiện toàn biên chế, tổ chức, theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, môi trường văn hóa, chấp hành pháp luật của Nhà nước; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan tâm xây dựng lộ trình, kế hoạch bài bản, khoa học và chủ động, quyết liệt trong xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công an đáp ứng những tiêu chuẩn, tiêu chí theo Quy định số 02-QĐi/ĐUCA ngày 22/8/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở bốn cấp Công an”, nhất là nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, đối ngoại và bảo vệ an ninh, trật tự; gương mẫu, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia dân tộc; có kỹ năng dân vận, “bốn cùng” với quần chúng, thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin”. Ngoài ra, trong bối cảnh mới, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Công an kỹ năng công nghệ thông tin, tác chiến trên không gian mạng hiệu quả, chất lượng./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. http://huyenuy.namtramy.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=1292&Group=219&NID=3219&y-nghia-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-3-4-va-lich-su-ngay-quoc-te-lao-dong-1-5, truy cập ngày 04/4/2022.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1976), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), Hà Nội.

3. https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/khong-the-bien-ho-cho-mot-cuoc-chien-tranh-phi-nghia-439675/, truy cập ngày 04/4/2022.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

5.  Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.