NỖ LỰC TỪNG BƯỚC KHÔI PHỤC NGÀNH DU LỊCH THỪA THIÊN - HUẾ

Ngày 8/12, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế khóa VII đã bế mạc. Nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri trong tỉnh là các giải pháp để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.

  • Chú thích ảnh

Khách du lịch tham quan tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh tư liệu: Quốc Việt/TTXVN

Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề ra 3 phương án tiếp cận đối với ngành du lịch. Phương án thấp, nếu dịch COVID-19 chưa được kiểm soát tốt cả ở trong nước và quốc tế, các chỉ tiêu du lịch của tỉnh dự kiến sẽ như năm 2020, đón khoảng 2 - 2,2 triệu lượt khách (chủ yếu là khách nội địa); doanh thu du lịch ước khoảng 4.000 - 4.400 tỷ đồng.

Phương án trung bình, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước nhưng chưa mở lại nhiều đường bay quốc tế đến các các thị trường chính, chỉ mở cửa cho một số thị trường gần, đã tương đối an toàn về phòng dịch, chỉ tiêu ước năm 2021, Thừa Thiên - Huế đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách (khách nội địa chiếm khoảng 80%); doanh thu du lịch ước 6.500 - 7.000 tỷ đồng.

Phương án cao, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước và trên thế giới nhờ có vaccine, Thừa Thiên - Huế dự kiến đón khoảng 4 - 4,5 triệu lượt khách (khách nội địa chiếm khoảng 70 - 80%); doanh thu du lịch ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến chỉ đạt được mục tiêu đón 1,7 triệu lượt khách. Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Lễ Hữu Minh cho rằng, phương án trung bình có thể phù hợp nhất đối với du lịch Thừa Thiên - Huế trong năm 2021, với mục tiêu đón từ 3 - 3,5 triệu lượt khách. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần nhấn mạnh hơn nữa thông điệp “Huế điểm đến an toàn, thân thiện với du khách” và phải triển khai nghiêm túc các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đang ứng dụng bản đồ du lịch “Blue map” để quảng bá, giới thiệu những điểm đến, cơ sở lưu trú an toàn cho du khách lựa chọn.

Theo quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Lễ Hữu Minh, thị trường du lịch đã thay đổi, khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế trước đây chủ yếu từ châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng hiện nay thị trường du lịch cả nước chỉ còn du lịch nội địa nên sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến trong nước. Do vậy đòi hỏi Thừa Thiên - Huế phải thay đổi sản phẩm du lịch mạnh mẽ hơn nữa, nhất là có nhiều hơn sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, bên cạnh các sản phẩm văn hóa và di sản, vốn là hồn cốt của du lịch Huế. Ngoài ra, việc thu hút các hoạt động tổ chức sự kiện tại địa phương cũng là một hướng đi để kích cầu du lịch trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Tỉnh cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến của Huế dưới những góc nhìn mới lạ, thông qua những kênh truyền thông, nhất là các mạng xã hội.

Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Lễ Hữu Minh cũng cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có sự quan tâm hơn nữa đối với những doanh nghiệp du lịch lớn đang có mặt tại địa phương, để chủ động tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh triển khai các dự án du lịch tầm cỡ, làm đòn bẩy cho du lịch của Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải cho biết: Theo đánh giá của các chuyên gia, ít nhất đến năm 2023, việc giao lưu đi lại quốc tế mới diễn ra bình thường trong trạng thái mới, do vậy thời gian tới thị trường nội địa vẫn giữ vai trò quan trọng nhất đối với ngành du lịch của tỉnh. Văn hóa, di sản vẫn là sản phẩm du lịch bền vững của Huế, tuy nhiên cần phải có cách tiếp cận mới. Chẳng hạn cũng là sản phẩm văn hóa nhưng thông qua phim ảnh, khi thành một hiện tượng, xu hướng sẽ có sức thu hút, lan tỏa rất lớn để quảng bá điểm đến. Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đang xây dựng những thương hiệu như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài”. Đây là hướng đi đúng, có thể khai thác bền vững và lâu dài.

“Áo dài không chỉ là câu chuyện của văn hóa mà thực chất là câu chuyện của phát triển kinh tế xã hội. Nếu như mỗi du khách đến với Huế đều có nhu cầu may đo áo dài sẽ dẫn đến doanh thu rất lớn và kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành nghề thủ công truyền thống”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.

Với nỗ lực phục hồi ngành du lịch, trong tháng 12/2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao để thu hút du khách. Cụ thể là Giải thể thao chạy Marathon Huế 2020 dự kiến thu hút khoảng 7.000 - 8.000 người tham gia, cổ vũ. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng kết hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Ngày hội Áo dài và Liên hoan ẩm thực Huế từ 18 - 20/12, với sự tham dự của nhiều đơn vị lữ hành lớn trong cả nước.

Tin tức TTXVN