NHỮNG NGƯỜI ÂM THẦM SAU CHUYẾN HỒI HƯƠNG ĐẶC BIỆT

Khi hàng trăm bà con yếu thế người Huế ở TP. Hồ Chí Minh theo những chuyến tàu, máy bay hồi hương an toàn, ít ai biết rằng đằng sau đó có sự giúp đỡ, công sức rất lớn của những tình nguyện viên. Họ cũng chính là những người con xứ Huế đang sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Không nề hà, không âu lo và vì nghĩa tình đồng hương, họ nỗ lực hỗ trợ cho bà con bằng mọi giá.

 

Tình nguyện viên hỗ trợ xách hành lý cho những người yếu thế

“Khi máy bay hay tàu hoả lăn bánh, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhìn bà con của mình hồi hương, mà lòng mình vui sướng chi lạ. Chưa có cuộc tiễn đưa, chia tay nào kỳ lạ đến thế, dù đó không phải là người thân thích” – đó là cảm xúc của những tình nguyện viên làm nhiệm vụ điều phối, hỗ trợ bà con tại các ga tàu, sân bay ở TP. Hồ Chí Minh.

“Tôi phải có mặt để giúp đỡ”

Vì tính chất của cuộc hồi hương đặc biệt, việc có một ê kíp hỗ trợ bà con từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế là chuyện không hề đơn giản. Thông qua nhiều sự kết nối, một nhóm tình nguyện viên khi nghe tin đã đứng ra đảm nhận việc lo cho bà con lên máy bay, tàu hỏa.

Ngay cả chuyện họ có thể vượt qua rất nhiều chốt kiểm soát, để đến nhà ga trước rất nhiều giờ là câu chuyện dài. “Có người nói tôi liều mạng, người khác thì cho rằng tôi bất chấp. Nhưng không, đó là đồng bào, là những người con xa quê hương, họ có chung thân phận với tôi. Tôi phải có mặt để giúp đỡ”, anh Nguyễn Lợi – một trong những tình nguyện viên hỗ trợ, lo cho việc đồng hương mình về quê giọng rưng rưng.

Anh Lợi nhớ lại, ngay khi nhận được thông tin, danh sách từ Huế gửi vào, anh cũng lên một kế hoạch riêng, tìm mọi cách để có mặt, giúp đỡ bà con lên tàu, máy bay an toàn, mới quay trở về phòng trọ. Nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản, nhưng giữa những lúc dịch bệnh bủa vây ở TP. Hồ Chí Minh như thế, đó là chuyện không phải ai cũng làm được. Cả hai chuyến bay và tàu hoả xuất phát từ đầu giờ chiều, nhưng anh Lợi và các tình nguyện viên phải có mặt từ sáng sớm. Từ khâu điểm danh, kiểm tra lại danh sách, hướng dẫn xếp hàng, làm thủ tục xét nghiệm, thủ tục lên tàu hỏa, máy bay… nếu không có những tình nguyện viên sẽ khó có chuyến hồi hương an toàn, nhanh gọn.

Những cuộc tiễn đưa đặc biệt

“Nhìn bà con mình nghèo khó, mấy chị em mang bầu đi lại vất vả mà thương. Dù cố dặn lòng trong khi hỗ trợ phải giữ khoảng cách, nhưng không thể”, anh Lợi nói. Anh kể, có một vài cụ già lớn tuổi, vì trục trặc trong việc cập nhật danh sách nên tưởng chừng không thể hồi hương đã bật khóc giữa sân ga. Ngay lập tức, anh kết nối với những người lên danh sách, cập nhật lại thông tin, và chạy đua thời gian lo thủ tục để các cụ kịp lên máy bay, tàu hỏa. “Họ khóc vì tưởng chừng không được về. Nhưng sau đó họ còn khóc nhiều hơn khi được trở về và cảm ơn mình. Nhìn họ mình cũng khóc theo”, anh Lợi xúc động.

Người đàn ông tuổi 38 có hơn 10 năm sinh sống, mưu sinh ở TP. Hồ Chí Minh này tâm sự, dù hoàn cảnh vẫn mong muốn được cùng vợ con về quê, nhưng rồi vẫn quyết định bám trụ lại vì ít ra vẫn còn trai trẻ, khỏe mạnh hơn so với nhiều hoàn cảnh. “Vì thế, mình sẽ hỗ trợ, giúp đỡ bà con đồng hương ở trong này cũng như chính quyền sở tại, nếu cần”, anh Lợi quả quyết.

Đối mặt với rủi ro

Anh Nguyễn Tiến – một người Huế khác sống tại TP. Hồ Chí Minh đã gác lại mọi công việc để hỗ trợ bà con đồng hương ở chốt ga tàu, sân bay. Chàng trai 36 tuổi, nhiều năm mưu sinh ở thành phố mang tên Bác biết rằng tình hình dịch bệnh căng thẳng, có thể trở về quê trước đó nhiều ngày, nhưng anh đã nói không.

Anh Nguyễn Tiến luôn có mặt trong những chuyến hỗ trợ đưa đồng hương về quê

Những ngày TP. Hồ Chí Minh bị phong tỏa, anh là cầu nối tiếp nhận hàng hoá, thực phẩm ở Huế gửi vào hỗ trợ rồi sau đó đi phân phát cho bà con đồng hương ở nhiều địa điểm. Và khi nghe tin cần người hỗ trợ bà con yếu thế làm các thủ tục ở sân ga để về quê, ngay lập tức anh đã đăng ký. Bất chấp những rủi ro, anh nói rằng, tất cả vì tình người, tình quê hương.

Theo lời anh Tiến, thời gian cho mỗi đợt hỗ trợ như thế vô cùng gấp rút, nhưng phải đảm bảo an toàn mọi thứ. Tất cả các công việc từ hướng dẫn xét nghiệm, giữ khoảng cách, dò tên tuổi từng người, hỗ trợ xách hành lý… anh không nề hà. Cho đến khi bà con lên tàu hay máy bay về quê, cởi bộ đồ bảo hộ, ngoài đầm đìa mồ hôi anh mới cảm thấy nhẹ nhõm.

“Nhìn những giọt nước mắt, sự vui mừng và khát khao được về quê của bà con mình xúc động theo. Mình sẽ còn ở TP. Hồ Chí Minh, và chỉ cần có những chuyến bay, tàu hỗ trợ bà con về quê thì mình sẽ có mặt để giúp đỡ”, anh Tiến khẳng định. Riêng với những đồng hương chưa thể trở về, anh cho hay sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ lương thực, thực phẩm để hỗ trợ bà con trong những ngày toàn TP. Hồ Chí Minh giãn cách.

Đến giờ này, sau nhiều chuyến hỗ trợ cho hàng trăm lượt bà con có hoàn cảnh khó khăn về quê, anh Trần Thuận Hóa – người con xứ Huế đang sống ở TP. Hồ Chí Minh vẫn rưng rưng. Anh Hóa là người điều phối chính, hỗ trợ bà con làm mọi thủ tục trong hành trình hồi hương.

Mở đầu câu chuyện bằng điện thoại, từ TP. Hồ Chính Minh anh khiêm tốn: “Chúng tôi chỉ làm vì bà con, vì lương tâm mách bảo, rằng phải làm!”. Anh kể, với những bà con đi máy bay hầu hết là những người đi lần đầu, nên gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình làm thủ tục khai báo. Vì thế, nhiều người bấn loạn, khuôn mặt tỏ vẻ âu lo. “Không còn cách nào khác, tôi vừa phát áo quần bảo hộ, vừa nhờ anh em hỗ trợ khai báo. Cứ thế, cho đến người cuối cùng rời sảnh chờ ra máy bay mới thấy nhẹ lòng”, anh Hóa nhớ lại.

Đó là chưa kể, trước đó có vô vàn tình huống phát sinh, nhiều trường hợp vì một số lý do không thể ra sân bay, buộc anh phải kết nối về địa phương rồi liên hệ với những người được xếp vào danh sách dự phòng. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, để giải quyết được những khó khăn đó là chuyện không đơn giản.

Khác với ở sân bay, những bà con di chuyển bằng tàu hỏa nhiều hơn, vì thế, công việc hỗ trợ nặng phần hơn. Trước nhiều giờ khởi hành, anh Hóa đại diện cho bà con đi tiền trạm, gặp đại diện nhà ga để nhận vé rồi phát cho bà con. Theo thứ tự ưu tiên, phụ nữ mang bầu và những người có bệnh nền, nhóm sẽ đưa vào giường nằm, còn lại mọi người sẽ ngồi ghế.

Tàu lăn bánh, rời sân ga cũng là lúc anh Hoá và những anh em tình nguyện rã rời vì đói và khát. Anh kể, trong quá trình tiếp xúc, hầu hết các anh em chưa tiêm vắc-xin nên phải mang bảo hộ kín mít mới có thể tiếp cận bà con để giúp đỡ tối đa. “Chúng tôi phải đảm bảo bằng an toàn không chỉ cho bản thân, mà cho chính bà con. Để khi bà con về quê phải an toàn hết sức có thể, không mang nguồn bệnh, không để quê hương phải gặp khó khăn”, anh Hóa khẳng định khi nhận lời hỗ trợ bà con.

Cũng theo anh Hóa, dù nói hạn chế rủi ro, nhưng anh em trong nhóm tình nguyện cũng xác định, nếu có chuyện không may xảy ra cũng chấp nhận.

Các anh thật tuyệt vời!

Anh Ngô Phước Tuần, Trưởng ban liên lạc đồng hương sinh viên – thanh niên Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh – một trong những thành viên nằm trong nhóm hỗ trợ bà con về Huế nói rằng, những ngày qua là “những ngày rất rối bời, nhưng cũng đầy yêu thương”. Rối bời bởi tiếp nhận vô số cuộc gọi, nhưng không thể lo hết được cho mọi người. Yêu thương là khi được thấy bà con về quê, vào khu cách ly an toàn.

Để làm được điều đó, anh Tuần bảo rằng, nhờ vào sự trợ lực của anh em tình nguyện viên chính là những người Huế sống ngay tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. Các anh em nhiệt huyết, dấn thân, không sợ hiểm nguy để ra tận sân bay, ga tàu hỗ trợ bà con. Dù đối mặt với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao, nhưng ai cũng không ngần ngại, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Kế hoạch đưa bà con về quê thành công không thể thiếu những giọt mồ hôi của các tình nguyện viên. Họ đã hỗ trợ cho Hội đồng hương Huế ở Sài Gòn, UBND tỉnh rất nhiều trong ba đợt đưa bà con Thừa Thiên Huế về quê. Các anh thật tuyệt vời”, anh Tuần chia sẻ.

 Thừa Thiên Huế online