NHỨC NHỐI NỘI DUNG XẤU, ĐỘC HẠI TRÊN TIKTOK

Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới. Hai trong số những vấn đề của TikTok được Bộ Thông tin và Truyền thông để ý gồm phân phối nội dung và quảng cáo.

TikTok tại Việt Nam đang vi phạm thế nào?

Tại họp báo tổng kết quý I/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vào chiều 6/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã chỉ đích danh 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam.

Nhức nhối nội dung xấu, độc hại trên TikTok -0
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Ảnh: Hữu Chánh.

“TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo…”  - Cục trưởng Lê Quang Tự Do

Theo ông Do, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.

“Không chỉ TikTok mà YouTube, Facebook cũng đang lan truyền những nội dung tương tự. Trong tháng 5 tới, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Thuế… để thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok với cộng đồng, giới trẻ; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động công cụ rà, quét hình ảnh, video.

Chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông… để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải hoạt động tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ sẽ tổ chức hội nghị với mạng lưới đa kênh của YouTube, TikTok, Facebook để tăng cường quản lý về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, xây dựng kế hoạch truyền thông thúc đẩy hình ảnh, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh”, lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Nội dung xấu, độc hại tràn lan

Theo phân tích của The Guardian, TikTok hiện tăng trưởng vượt trội so với các “đàn anh” như Facebook, YouTube, Instagram... Chỉ sau 4 năm ra mắt trên toàn cầu, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc này đã thu hút 1 tỷ người dùng. Tại Việt Nam, tính đến tháng 2/2023, hiện có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok, đứng thứ 6 trên toàn cầu và đứng thứ nhất tại Đông Nam Á, theo DataReportal.

Nhức nhối nội dung xấu, độc hại trên TikTok -0
Chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô đăng video có nội dung miệt thị người nghèo từng bị phạt và dư luận tẩy chay.

Các nước ngăn chặn nội dung xấu, độc trên TikTok thế nào?

Trên thế giới, TikTok đang vấp phải làn sóng tẩy chay từ các cơ quan quản lý vì vấn đề an ninh và nội dung độc hại. Giữa tháng 3, Anh trở thành nước tiếp theo cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị làm việc của chính phủ, sau Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu. Mới đây, Anh tiếp tục đưa án phạt Tiktok 12,7 triệu bảng (gần 16 triệu USD) vì vi phạm luật bảo vệ dữ liệu. Tại phiên điều trần ngày 23/3, các nhà lập pháp Mỹ cho rằng TikTok phải bị cấm vì nghi ngờ truy cập dữ liệu người dùng, phát tán các nội dung gây tuyệt vọng và tự làm hại bản thân.

Cùng với sự tăng trưởng như vũ bão, TikTok liên tục khiến dư luận bức xúc về những nội dung xấu, độc hại được lan truyền một cách chóng mặt. Có một thực tế là, các video nội dung nhảm nhí câu view, nội dung khiêu dâm, truyền bá mê tín dị đoan, tin giả tràn lan hay cả những thông tin sai lệch về chính trị đều xuất hiện trên TikTok tại Việt Nam.

Trước khi bị thanh tra, không ít người dùng TikTok phải trả giá vì cung cấp nội dung xấu, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Cách đây 3 tuần, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang mới có quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với chị T.T.G. (38 tuổi, trú tại Bắc Giang) về hành vi đăng tải nội dung thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục trên TikTok.

Trên TikTok, lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc cũng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Đơn cử, đầu năm nay, nội dung “Chị chị em em” 2, “Nhà bà Nữ” bị nhiều chủ tài khoản TikTok quay lén và đăng tải trên nền tảng mạng xã hội này khi vừa ra mắt ít ngày. Cùng với đó, vô số nội dung độc hại núp bóng review phim ngắn vẫn đang tràn lan trên nền tảng xã hội đang nổi nhất hiện nay.

Theo báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý IV/2022, trong đó 94,9% là chủ động xóa. Trong nửa đầu 2022, TikTok nhận được yêu cầu xử lý 292 video từ Chính phủ, trong đó xóa 197 video, chiếm 67,5% số yêu cầu. Tuy nhiên, động thái này của TikTok vẫn bộc lộ thiếu sót khi không thể ngăn chặn hoàn toàn các video xấu, độc hại. Bởi, khác với Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok hoàn toàn do thuật toán phân phối nội dung. Tức là, bất kể là thông tin tốt hay độc hại để tạo thành xu hướng.

Trên Wired, Johannes Eichstaedt - chuyên gia về AI tại Viện Stanford cho rằng, sở dĩ tình trạng nội dung bẩn trên TikTok không được xử lý triệt để là vì: “Động lực thực sự của TikTok không phải giải trí mà là lợi nhuận. Thuật toán AI của nền tảng đang cố giữ chân người dùng bằng nội dung được cho là hấp dẫn, bất chấp nó nguy hiểm hoặc phản cảm ra sao”.

Còn theo Catherine Wang - chuyên gia AI tại Google, các lỗ hổng trong hệ thống đánh giá khiến nội dung độc hại dễ dàng vượt qua vòng sàng lọc, trong khi việc duyệt thủ công từng video là không thể với lượng người dùng khổng lồ của TikTok. Sau khi lọt qua vòng kiểm duyệt, video bắt đầu được TikTok phân bổ khắp thế giới bằng thuật toán. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi vì sao những nội dung bẩn trên TikTok lại có tốc độ lan truyền chóng mặt như vậy. Sau nhiều phân tích, Wang khẳng định, thuật toán TikTok khuyến khích nhà sáng tạo nội dung tiếp tục làm thêm những video tương tự. Nhiều chủ tài khoản cho biết nội dung của họ được “ưu ái” hơn sau nhiều tuần đăng video đều đặn.

Dọn rác trên mạng xã hội - cách nào?

Thực tế, việc yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới như TikTok, Facebook, Google… tuân thủ pháp luật Việt Nam vẫn là một vấn đề phức tạp trong nhiều năm qua. Phải đến sau khi Nghị định 70/2021 về quản lý quảng cáo xuyên biên giới được ban hành, Bộ TT&TT mới triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới như tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn nghị định; thanh tra, kiểm tra nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định này, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng phải thừa nhận, việc quảng cáo trên mạng hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2022, mới có 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ TT-TT. Nhiều nhà kinh doanh quảng cáo lớn như META, AMAZON, LINKEDIN, Trade Desk, SilverPush, AdColony, Adskeeper, Taboola… chưa đăng ký.

Theo luật sư Trần Anh Dũng, nguyên nhân các nhà mạng như Google, Facebook, TikTok... khiến nhà quản lý trong nước “đau đầu” trong công tác quản lý, vì họ không đặt máy chủ tại Việt Nam để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát dòng tiền ra vào, đồng thời kê khai và tự nộp thuế. Mãi đến khi, Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, công tác quản thu thuế với một số nhà cung cấp ở nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam như: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple mới được thực hiện.

Luật sư Dũng cũng nhấn mạnh thêm: “Việc các nền tảng nói trên không đặt máy chủ tại Việt Nam, cũng là nguyên nhân khiến các nội dung bẩn không được xử lý tận “gốc” mà chỉ dừng lại ở việc khắc phục hậu quả khi sự việc đã rồi”.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng phải thừa nhận, chúng ta đang có một số lúng túng nhất định trong xử lý hành vi vi phạm trên không gian mạng. Đây là điều không phải chỉ riêng Việt Nam mà cả các nước trên thế giới cũng đang gặp phải.

“Việt Nam hiện đã có Luật An ninh mạng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác; các nền tảng đều đưa ra tiêu chuẩn cộng đồng nhưng công tác triển khai vẫn gặp một số khó khăn. Vấn đề ở đây là những văn bản, tiêu chuẩn này luôn phải được cập nhật, bổ sung để bao quát hơn những vấn đề của cuộc sống. Nếu luật pháp không bao quát được những hành vi vi phạm, chế tài quá nhẹ thì sẽ dẫn đến luật bị vô hiệu hóa hoặc nhờn luật. Điều này vô cùng tai hại khi cái xấu được phép tồn tại và tạo môi trường để làm cho nhiều cái xấu khác nảy sinh.

Do đó để không xảy ra những hành vi vi phạm, phải dùng đến công cụ pháp luật can thiệp thì trước nhất vẫn là câu chuyện về giáo dục nhận thức. Gia đình, nhà trường và bản thân lớp trẻ cần có giải pháp để nâng cao “sức đề kháng” trong nhận thức. Nếu không, những video có nội dung xấu sẽ như một thứ “virus” độc hại, ăn sâu vào lối suy nghĩ của các em, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ, hành vi. Song song với đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển giải pháp công nghệ để “dẹp loạn”. Nếu cần thiết, chúng ta phải xử nghiêm một vài vụ để làm “án điểm”, trả lại sự trong sạch cho môi trường văn hóa trên mạng xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất.

6 sai phạm của Tiktok tại Việt Nam

Thứ nhất, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung độc hại, nhảm nhí, có khả năng gây nguy hiểm với trẻ em.

Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view mặc cho chúng phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, giới trẻ.

Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục…

Thứ tư, TikTok không quản lý hoạt động của các idol (thần tượng) dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ nững nội dung này. Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được.

Thứ năm, TikTok không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh.

Thứ sáu, không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, xúc phạm, bôi nhọ.

CAND ONLINE