NGƯỜI “LỘT XÁC” CHỢ ĐÔNG BA

Từ một điểm “mang tiếng xấu”, xuống cấp từ hạ tầng đến văn hoá kinh doanh, chợ Đông Ba đã và đang “lột xác” để là một thành trì lưu giữ, bảo vệ các giá trị văn hoá Huế như kỳ vọng của lãnh đạo thành phố. Và người góp phần “lột xác” chợ Đông Ba chính là bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba - một trong những công dân tiêu biểu của Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2022. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Hoàng Thị Như Thanh về sự “lột xác” của một ngôi chợ vừa tròn 123 năm tuổi.

 Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba

Chào công dân tiêu biểu của Thừa Thiên Huế và xin bắt đầu bằng câu chuyện của chợ Đông Ba. Xin bà cho biết, chợ Đông Ba hiện nay và chợ Đông Ba của thời điểm ngày 1/9/2021 - khi bà từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố về làm Trưởng Ban quản lý chợ khác nhau như thế nào?

Khi rời LĐLĐ thành phố về chợ Đông Ba, quan điểm của tôi là mình đang về làm thuê cho bà con tiểu thương chợ Đông Ba, nên những gì đang tốt đẹp thì mình gìn giữ và phát huy. Đồng thời, tiếp thu ý kiến và nguyện vọng chính đáng của tiểu thương để cải tạo, chấn chỉnh và làm đẹp hơn. Với quan điểm đó, sau gần 2 năm, “ngôi nhà chung chợ Đông Ba của tiểu thương” đã và đang thay đổi từng ngày.

Kể hết những thay đổi thì sẽ không khách quan lắm. Tuy vậy, một vài thay đổi đã có thể nhìn thấy ngay, như chợ Đông Ba bây giờ hàng quán thẳng tắp, lối đi quang đãng, sạch đẹp… Tiểu thương thì tươi cười chào hỏi, mến, nhẹ nhàng và ứng xử thân thiện với khách hơn. Bây giờ hầu hết tiểu thương trong chợ cũng không còn ai quan niệm chuyện “mì xưa”, cũng như không còn phải “chia ba chia bốn để trả” như những năm trước… Đặc biệt, trên các phương tiện truyền thông và từ du khách, những phản hồi về chợ, nếu như trước đây toàn thông tin tiêu cực thì bây giờ chiếm phần lớn là thông tin tích cực… Để có được kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm, thay đổi, tích cực của tiểu thương - những chủ nhân đích thực của chợ.

Để có được sự thay đổi như bây giờ chắc chắn là không hề dễ dàng, trong gần 2 năm qua, bà đã vượt qua những khó khăn như thế nào?

Khó khăn thì nhiều vô kể. Nhưng tôi nghĩ thách thức lớn nhất đối với tôi là khi về đây, tôi chưa hiểu nhiều về tiểu thương trong chợ. Khó khăn nữa là tôi xác định không phải về để làm thủ trưởng mà luôn tâm niệm là mình đang đi làm thuê cho bà con. Bên cạnh đó, phải chia sẻ quan niệm làm thuê đến với toàn thể viên chức, người lao động của đơn vị.

Rất nhiều tiểu thương ở chợ Đông Ba cảm nhận là trước nay chưa có Trưởng Ban quản lý chợ nào nhận được sự kính trọng và tâm phục, khẩu phục từ họ như bà. Bí quyết là gì?

Cảm nhận như vậy chắc chắn sẽ không công bằng với những người đi trước. Bởi để có được ngôi chợ ngày hôm nay phải nhắc đến công sức bỏ ra của rất nhiều thế hệ, nhất là những người đặt nền móng, nền tảng cho ngôi chợ, như: Cô Lài, cô Thọ, chị Nhi, chị Hương, chị Trà (Trưởng Ban quản lý chợ các đời trước) và rất nhiều phó ban, viên chức người lao động đơn vị. Mỗi người một cách làm hay để phát triển chợ Đông Ba, tôi chỉ là người tổng hợp, kế thừa và thực hiện theo các anh chị đi trước thôi.

 Bà Hoàng Thị Như Thanh (mặc áo dài) gần gũi với chị em tiểu thương chợ Đông Ba

Thời gian qua, tôi may mắn nhận được sự đồng lòng và yêu quý của tập thể cán bộ Ban quản lý cũng như tập thể tiểu thương chợ. Để có được điều đó, tôi cảm ơn lãnh đạo thành phố, tiểu thương và viên chức, người lao động chợ.

Trở lại với thời điểm ngày 1/9/2021, khi quyết định rời LĐLĐ thành phố để về chợ Đông Ba bà có cân nhắc nhiều không? Vì sao?

Bà Hoàng Thị Như Thanh sinh năm 1980 tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là thạc sĩ Quản lý công, Cử nhân Luật, Cử nhân Quản trị kinh doanh. Trước khi làm Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, bà Thanh là Chủ tịch UBND phường Thuận Thành; Chủ tịch LĐLĐ thành phố Huế.

Trong quá trình Thường trực Thành uỷ trao đổi với tôi về việc về làm Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, thực sự lúc đó tôi rất sốc. Bởi lúc đó tôi đang là Uỷ viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam; Uỷ viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và là Chủ tịch LĐLĐ thành phố. Tôi rất rõ bây giờ về phụ trách một đơn vị sự nghiệp, lại một nơi phức tạp như chợ Đông Ba thì mình sẽ gặp những khó khăn nhưng tôi vẫn chọn về. Đây là quyết định của tôi và dù có thế nào tôi cũng không hối hận.

Những năm tháng làm cán bộ Công đoàn có ảnh hưởng như thế nào đối với công việc Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba hiện nay của bà?

Kinh nghiệm và những bài học mà tôi có được từ những năm tháng làm cán bộ Công đoàn được áp dụng ở chợ Đông Ba là công tác tuyên truyền vận động; nói đi đôi với làm. Miệng nói tay làm.

Lần đầu tiên trong lịch sử chợ Đông Ba có chuyện tiểu thương kết nạp Đảng. Xin bà cho biết lý do vì sao lại có chuyện này và việc kết nạp Đảng cho tiểu thương đã góp phần làm thay đổi môi trường chợ như thế nào?

Lý do xuất phát từ thực tế hoạt động của Ban quản lý chợ, từ gợi ý của các lãnh đạo thành phố sau khi tôi về đây nhận nhiệm vụ, rằng chúng ta có nên hay không giới thiệu một số quần chúng ưu tú là tiểu thương đang buôn bán trong chợ vào Đảng... Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều và cuối cùng đi đến kết luận là rất cần. Bởi thực tế chợ Đông Ba thời điểm đó có rất nhiều vấn đề tồn tại và tổ chức Đảng của chợ thật sự cần có những tiểu thương là đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đấu tranh vì lẽ phải, để cùng với lãnh đạo Ban quản lý xây dựng, vực dậy chợ. Thực tế là thời gian qua, các đảng viên là tiểu thương đã có tiếng nói, đã có đóng góp rất lớn vào sự thay đổi của chợ.

Chợ Đông Ba thay đổi như bây giờ đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm kỳ vọng của bà? Và những công việc tiếp theo trong thời gian tới là gì?

Kỳ vọng của tôi thì rất lớn, nhưng những việc làm được trong thời gian qua còn rất nhỏ. Trong thời gian tới, được sự quan tâm của HĐND, UBND TP. Huế, Ban quản lý chợ sẽ tiếp tục chỉnh trang chợ giai đoạn 2, đồng thời vận động bà con tiểu thương xã hội hóa thêm một số hạng mục. Bên cạnh đó tiếp tục duy trì các phong trào của chợ như: “3 không 2 có” (không chèo kéo, không mì xưa, không nói thách, có uy tín, có chất lượng); “Nụ cười Đông Ba”; “Văn minh thân thiện là người Đông Ba”…

Việc được tuyên dương là công dân tiêu biểu có ý nghĩa thế nào với bà? Nó có tạo áp lực hơn trong công việc sắp tới?

Đây là một niềm vinh dự rất lớn và cũng là động lực để tôi tiếp tục cống hiến và trưởng thành. Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng những tình cảm mà bà con tiểu thương và viên chức, người lao động đơn vị đã đồng hành, giúp đỡ để tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi sẽ tiếp tục làm việc hết mình để phục vụ bà con, không phụ lòng tin yêu của bà con cũng như sự tin tưởng của tổ chức…

Xin cảm ơn bà!

Thừa Thiên Huế online