MIỀN TRUNG CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ BÃO SỐ 9

Được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 9 nên các tỉnh, thành miền Trung gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với bão số 9.

Tại Thừa Thiên-Huế, ngày 19/12, các địa phương ở tỉnh đã hoàn tất công tác rà soát, có phương án sơ tán dân vùng ven biển, đầm phá, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở và các khu vực trọng điểm để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước bão số 9.

Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã và TP Huế, phương án sơ tán di dời ứng phó với bão số 9 sẽ di dân xen ghép với 19.623 hộ/55.788 khẩu; di dời tập trung với 8.374 hộ, 30.725 khẩu.

Miền Trung khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 tại các địa phương ven biển.

Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã kêu gọi tất cả 2.062 phương tiện tàu, thuyền với 11.350 lao động đã vào bờ tránh trú bão an toàn. Các Đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương, Công an các xã kiểm tra các phương tiện neo đậu, sắp xếp nơi tránh trú an toàn, đồng thời kiểm lại hệ thống phương tiện, lực lượng sẵn sàng tham gia di dời dân cư và cứu hộ cứu nạn trong bão lũ. 

Miền Trung khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
Người dân gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang- Cầu Hai trước bão số 9.

Để ứng phó với bão số 9 đang diễn biến phức tạp, chính quyền xã ven biển Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã có kế hoạch di dời 79 hộ với 446 khẩu tại các vùng xung yếu đến những nơi an toàn nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, thôn Tân An là vị trí xung yếu nhất của xã Phú Thuận, tình hình xâm thực biển kéo dài đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây. Dự báo ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa lớn, triều cường dâng cao, sóng lớn khả năng tạo thành một cửa biển mới như năm 1999. Tại thôn Tân An, hiện sạt lở bờ biển với chiều dài 3km ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 30 hộ dân, trong đó có 1km bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tam, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền thông tin, hiện địa phương đã xây dựng phương án phòng, chống bão số 9 theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án di dời xen ghép 42 hộ với 111 khẩu đến những nhà cao tầng, nhà kiên cố và trường học. Đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong quá trình sơ tán dân.

Tại khu vực hai đầu múi kè thuộc xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, hiện đang xảy ra tình trạng xâm thực biển nghiêm trọng làm nhiều diện tích rừng phi lao phòng hộ bị cuốn trôi. Cụ thể, từ múi kè Giang Hải đến khu vực núi Linh Thái giáp xã Vinh Hiền với chiều dài 1km biển xâm thực dữ dội, sóng gần tràn qua khu vực tỉnh lộ 21.

Phía múi kè giáp xã Vinh Mỹ hiện nay còn khoảng 15 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm đã có phương án bố trí tái định cư nhằm đảm bảo an toàn. Theo chính quyền địa phương Giang Hải, nhằm ứng phó với bão số 9, xã cũng đã chuẩn bị lực lượng, vật tư nhằm gia cố những điểm sạt lở xung yếu, tổ chức giúp ngư dân đưa các thuyền bãi ngang lên bờ tránh trú bão an toàn và di dời các hộ dân trong vùng sạt lở.

Miền Trung khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
Ngư dân vùng ven biển ở tỉnh Thừa Thiên-Huế neo đậu tàu cá tránh bão số 9.

Kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 tại các địa phương ven biển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu yêu cầu các địa phương khẩn trương gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, các chốt trạm y tế, khu cách ly y tế, công sở, các khu công nghiệp. Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, cơ sở hạ tầng trong điều kiện gió bão mạnh. Ngoài ra, gia cố đảm bảo an toàn cho các lồng, bè trên sông, đầm phá và ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven sông, biển. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn.  

Miền Trung khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
Tàu cá neo đậu tránh bão tại cảng cá Tư Hiền, huyện Phú Lộc.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị bám sát công tác dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia. Cần quán triệt việc các hộ dân ở lại trên thuyền, nhà chồ khi bão vào, kể cả những hộ kinh doanh ven biển, đầm phá. Về sạt lở, ngành chức năng cần rà soát lại tổng thể ngoài tuyến biển, còn thêm khu vực đầm phá.

Theo ông Lê Trường Lưu, đợt bão hiện nay kèm lượng mưa khá lớn nên cần chủ động công tác ứng phó ở những địa phương, những điểm có nguy cơ sạt lở, nhất là khu vực vùng núi và khu vực ven sông suối. Vì thế, yêu cầu lực lượng BĐBP, Công an và các địa phương sẵn sàng nhân lực, phương tiện cứu nạn, cứu hộ để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu và đảm bảo an toàn tại các khu cách ly y tế.

Tại Đà Nẵng, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, các đơn vị, địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ hơn 500 tàu, thuyền và hàng trăm ghe, thúng vào trú tránh bão an toàn tại âu thuyền Thọ Quang và các khu vực. Đồng thời, các đơn vị bắn pháo hiệu tại núi Sơn Trà và đèo Hải Vân để kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão.

Chiều 19/12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng thông tin Đà Nẵng chỉ còn 1 tàu cá với 8 ngư dân đang hoạt động trên biển (gần bãi Tư Chính, quần đảo Trường Sa), nhưng ở ngoài khu vực nguy hiểm của bão số 9.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng có Công điện số 16/CĐ-PCTT đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện chủ động đối phó với bão số 9, sóng lớn, nước dâng do bão và mưa lớn.

Qua đó, đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống bão, gió mạnh, lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê, khu vực đồi núi huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu... và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân.

Miền Trung khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
Tàu thuyền neo đậu trú tránh bão tại Đà Nẵng.

Các địa phương tổ chức chằng chống nhà cửa bảo đảm an toàn với gió, bão; kiên quyết ngăn chặn người dân và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Triển khai lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết; tổ chức neo, đậu và quản lý người, phương tiện trên biển, trên sông an toàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị.

Tổ chức đánh giá các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét và kiên quyết di dời, sơ tán ngay người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tiếp tục kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; chủ trì, tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu trú tránh bão đã được quy hoạch, đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19. Phối hợp Công an thành phố kiểm tra, sẵn sàng phương án phòng chống cháy nổ và tổ chức tìm kiếm cứu nạn trong Âu thuyền Thọ Quang và các khu vực neo đậu; Thường xuyên cung cấp tình hình tàu thuyền cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS thành phố..

Tổ chức neo đậu và quản lý người, phương tiện nuôi trồng thủy sản an toàn; Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; Chỉ đạo công tác triển khai sản suất vụ Đông Xuân 2021-2022 và có kế hoạch xuống giống hợp lý, tránh thiệt hại trôi giống, ngập úng do ảnh hưởng của mưa bão...

Tại Quảng Nam, trước diễn biến phức tạp của bão số 9, UBND tỉnh này đề nghị các địa phương tùy tình hình thực tế diễn biến của bão, tổ chức triển khai thực hiện sơ tán dân theo phương án ứng phó bão mạnh đã xây dựng. Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, kiểm tra công tác triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão. Từ 12h ngày 19/12, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, hiện có 3 tàu cá/106 lao động của ngư dân tỉnh này đang ở khu vực Trường Sa (Đang neo đậu tránh, trú tại Đảo Sinh Tồn/Trường Sa). Tính đến 16h ngày 19/12, tại tỉnh Quảng Nam có 167 hộ/528 nhân khẩu của TP Hội An và huyện Phước Sơn đã đi sơ tán; trong đó, sơ tán xen ghép 53 hộ/188 nhân khẩu, sơ tán tập trung 144 hộ/340 nhân khẩu.

Từ 13h ngày 18/12 đến 13h ngày 19/12, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến mưa rất to. Các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến dưới 10mm, vùng núi phía Nam và vùng đồng bằng phổ biến từ 20 -50mm, có nơi cao hơn 50mm như trạm đo mưa Núi Thành (huyện Núi Thành) 92mm, trạm đo mưa Xuân Bình (huyện Núi Thành) 101mm, khí tượng Tam Kỳ (TP Tam Kỳ) 55mm.

Trong 24 giờ tới các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, sau đó mưa giảm dần chỉ còn có mưa rải rác, có nơi mưa vừa. Từ 13h ngày 19 đến 13h ngày 21/12, các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam tỉnh Quảng Nam có lượng mưa phổ biến từ 40 - 70mm, có nơi trên 100mm; các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến từ 20 - 40mm, có nơi trên 50mm. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, trên các sông suối nhỏ.

Tại Quảng Ngãi, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong sáng 19/12, trên địa bàn huyện ghi nhận có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 và mưa nhỏ. Huyện Lý Sơn đã tổ chức di dời 2 hộ - 6 khẩu khu vực mon tàu (thôn An Bình) vào nhà kiên cố và 170 hộ có nhà ở không đảm bảo di chuyển xen ghép đến nhà dân kiên cố. Ngoài ra, đã yêu cầu các hộ nuôi trồng thủy sản và ngư dân không được ở lại lồng bè, tàu thuyền chậm nhất đến 15h ngày 19/12 để đảm bảo an toàn.

Miền Trung khẩn trương ứng phó bão số 9 -0
Tàu cá của ngư dân neo đậu trú tránh bão số 9 tại huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: CTV

Hiện trên địa bàn huyện Lý Sơn có 719 tàu thuyền đang neo đậu tại bến; có 6 phương tiện của ngư dân Lý Sơn với 73 lao động đang hoạt động ngoài vùng nguy hiểm, tất cả đều liên lạc được và đang neo đậu, tránh trú an toàn. 51/51 lồng bè neo đậu an toàn tại vũng neo đậu tàu thuyền.

Còn tại huyện Bình Sơn, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai công tác di dời dân, chủ yếu là di dời xen ghép từ các hộ có nhà ở không an toàn đến các hộ có nhà ở kiên cố. Đến 11h ngày 19/12, huyện Bình Sơn có 471 hộ - 1.286 khẩu được di dời xen ghép. TP Quảng Ngãi cũng đã tổ chức di dời, sơ tán 54 hộ - 213 khẩu đến nơi an toàn (xã Nghĩa An di dời 37 hộ - 148 khẩu, xã Nghĩa Phú di dời 17 hộ - 65 khẩu).

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn cho biết, hiện có 1 tàu cá của ngư dân địa phương vẫn chưa liên lạc được. Đó là tàu cá số hiệu QNg-90440TS có công suất 774CV, trên tàu có 16 lao động do ông Đặng Duy Bình (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng. Tàu xuất bến tại Hòn Rớ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ngày 27/11, hành nghề lặn ở quần đảo Trường Sa. Từ ngày 5/12 đến nay mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tại đảo Tiên Nữ, chưa liên lạc được.

CAND online