LẤY Ý KIẾN NGƯỜI DÂN VỀ TÊN GỌI THÀNH PHỐ HUẾ HAY THỪA THIÊN HUẾ

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị các bước lấy ý kiến người dân về tên gọi Huế hay Thừa Thiên Huế khi thành phố trực thuộc Trung ương.

 
Lấy ý kiến người dân về tên gọi thành phố Huế hay Thừa Thiên Huế
Thành phố Huế hiện nay sẽ được chia đôi làm 2 quận, lấy sông Hương làm ranh giới. Ảnh: Từ Ân

Thành phố Huế hiện nay sẽ thành 2 quận

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: "Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã thông qua bước đầu một số các nội dung cơ bản liên quan đến việc Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có việc chọn tên thành phố, hai quận trung tâm... UBND tỉnh đang chuẩn bị các bước lấy ý kiến nhân dân theo quy định hiện hành".

Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo hướng hài hoà, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm. Ảnh: Từ Ân
Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo hướng hài hoà, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm. Ảnh: Từ Ân

Theo ông Nguyễn Văn Phương, sau khi bàn bạc, cân nhắc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định chọn phương án chia thành phố Huế hiện nay thành 2 quận, lấy sông Hương làm ranh giới.

“Chúng tôi đã chọn các cặp tên gồm: Quận Thừa Thiên/ Thuận Hóa/ Ngự Bình (phía Nam) và Phú Xuân/ Thuận Hóa/ Hương Giang (phía Bắc) để sắp tới đưa ra lấy ý kiến toàn thể nhân dân” - ông Nguyễn Văn Phương cho hay.

Ngoài hai quận trung tâm, thành phố sẽ có thêm một quận nữa là quận Hương Thủy và các thị xã gồm: Hương Trà, Phong Điền; các huyện gồm: Phú Vang, Phú Lộc (gộp chung với huyện Nam Đông hiện nay), Quảng Điền và huyện A Lưới.

Về tên gọi của thành phố tương lai, ông Nguyễn Văn Phương cho biết: “Cũng tương tự như tên các quận, hiện Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua và chúng tôi đang chuẩn bị các bước lấy ý kiến nhân dân theo quy định hiện hành với hai tên để lựa chọn là thành phố Thừa Thiên Huế và thành phố Huế. Tuy nhiên tôi nghĩ, người dân phần lớn sẽ chọn là Huế bởi nó ngắn gọn cũng như bản thân chữ Huế đã là một thương hiệu toàn cầu” - ông Phương nói.   

Sẽ hoàn thành tất cả mục tiêu

Con đường để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang ngày một rút ngắn với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng thành phố Huế hồi giữa năm 2021 cũng như thông qua 6 cơ chế, chính sách đặc thù.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ hoàn thành các mục tiêu theo nhiệm vụ quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Ảnh: Từ Ân
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - khẳng định sẽ hoàn thành các mục tiêu theo nhiệm vụ quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Ảnh: Từ Ân

Và mới nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 19.10.2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo nhiệm vụ quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á...

Trả lời câu hỏi rằng, nhiệm vụ quy hoạch mà Chính phủ vừa phê duyệt có nhiều mục tiêu, lại toàn mục tiêu lớn, liệu nhiệm vụ này có quá nhiều và khả thi đối với Huế, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, Thừa Thừa Thiên Huế hoàn toàn có khả năng đạt được những mục tiêu đó. Bởi các mục tiêu này bám sát Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị và là kết quả phấn đấu thời gian dài của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc xác định các mục tiêu này gắn với quá trình lịch sử và định hướng của các cấp, các ngành

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phương, Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình cả tỉnh “lên” thành phố!

Tức Thành phố Huế hay Thừa Thiên Huế của tương lai vẫn sẽ không giống với bất kỳ một thành phố nào trong cả nước khi hội đủ các yếu tố: Sông, núi, biển, đầm phá, gò đồi, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên...

Và sự khác biệt trong định hướng phát triển Thừa Thiên Huế so với một số thành phố trực thuộc Trung ương hiện hành thể hiện Thừa Thiên Huế sẽ không khuyến khích phát triển với mật độ dân cư cao, không quá tập trung “nóng” vào khu, cụm công nghiệp và ngành công nghiệp.

Ngược lại, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo hướng hài hoà, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làm trọng tâm, phi tập trung dân cư, lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh của một trung tâm văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ… để phát triển.

LAO ĐỘNG ONLINE