HUY HIỆU “CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN PHỦ” VÀ NIỀM TỰ HÀO CỦA NHỮNG CỰU BINH THỪA THIÊN HUẾ

 

 Bác Hồ gắn Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch. Ảnh: Tư liệu

Về chiếc Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”

Theo tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, người thiết kế ra “Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ” là hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích, đều là những bậc đại thụ của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Huy hiệu hình tròn được làm bằng kim loại (có đường kính khoảng 2cm), trên cùng bề mặt huy hiệu nổi bật chữ “Xuân 1954”, ở giữa có hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, trên nền cờ đỏ mang dòng chữ “Quyết chiến quyết thắng”. Bên góc trái của huy hiệu là hình ảnh nòng pháo cao xạ vươn cao. Dưới huy hiệu là hình ảnh người chiến sĩ đầu đội mũ nan cầm súng đang trong tư thế xung phong. Dưới cùng là dòng chữ màu trắng trên nền xanh: “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”.

Đây là phần thưởng cao quý của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dành tặng những cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Huy hiệu được đặt làm theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao tình hình ngoài trận địa, quan tâm, cổ vũ và động viên kịp thời các chiến sĩ Điện Biên – những người anh hùng đang ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu vì độc lập tự do của nước nhà. Tình cảm đặc biệt của Người đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ Điện Biên quyết chí xông pha giành thắng lợi vẻ vang.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, để chúc mừng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ Điện Biên, trong cuộc gặp đoàn cán bộ chiến sĩ đã lập công xuất sắc trong chiến dịch, Người nói: “Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm huy hiệu”.

Trong thư gửi các chiến sĩ Điện Biên sau ngày chiến thắng, Bác Hồ đã viết: “Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ! Trước hết, Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh. Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc quyết tâm giành được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác. Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tùy theo điều kiện, nhưng nhất định khao. Thế là Bác cháu ta càng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và tranh thắng lợi mới. Bác và Chính phủ định thưởng cho các chú Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Các chú tán thành không?”.

Trong tâm trí của các chiến sĩ Điện Biên khi ấy, họ không bao giờ quên những lời dặn dò của Bác. Đây là vinh dự lớn lao mà Bác dành cho toàn quân, cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đã góp sức làm nên chiến thắng.

Niềm tự hào chiến sĩ Điện Biên của những cựu binh Thừa Thiên Huế

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với cả nước, con em Thừa Thiên Huế không quản ngại khó khăn, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Tất cả đứng lên!...” cùng quân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Từ chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa”, các chiến sĩ lần lượt có mặt khắp nơi, từ “miền Nam thành đồng Tổ quốc” đến “Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950”, rồi “Đông Xuân 1953-1954”, và đỉnh cao là “Chiến dịch Điện Biên Phủ” đầy khốc liệt, nhưng rất đỗi vinh quang… Các chiến sĩ con em Thừa Thiên Huế luôn mang trong mình phẩm chất “Anh dũng – kiên cường”, không tiếc máu xương, cống hiến sức trẻ cho cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong số đó, đã có hàng trăm chiến sĩ vinh dự được trực tiếp chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của quân thù trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những chiến sĩ ấy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Bác Hồ dành tặng những phần thưởng khác nhau, trở thành những kỷ vật thiêng liêng, vô giá, là niềm vinh dự, tự hào theo suốt cuộc đời người lính. Những kỷ vật ấy hôm nay đã được đưa vào bảo tàng lưu giữ, trở thành “hiện vật” vô giá để thế hệ hôm nay và mai sau thấu hiểu giá trị của nền “tự do – độc lập” mà cha ông đã trải qua, cũng như tình cảm sâu đậm của Bác Hồ đối với quân dân cả nước.

Trong nhiều kỷ vật của chiến sĩ Điện Biên năm xưa hiện được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nổi bật bộ sưu tập Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” của cựu chiến binh Thừa Thiên Huế đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và được Đảng, Bác Hồ tặng thưởng gồm: Huy hiệu của cựu binh Nguyễn Tửu (Tây Lộc, TP. Huế), Hoàng Minh Tuấn (Vĩnh Ninh, TP,. Huế), Trần Đăng Khoa (Gia Hội, TP. Huế), Phan Quang Lô (TP. Huế), Huỳnh Văn Ba (xã Phú Xuân, Phú Vang), Nguyễn Văn Chư (Tây Lộc, TP. Huế), Trần Viết Ngà (TP. Huế), Nguyễn Sĩ Thuật (xã Điền Hòa, Phong Điền)… Mỗi chiến sĩ với những chiến công và thành tích khác nhau, nhưng đó là những minh chứng hùng hồn, sinh động về một thời cống hiến và hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu; là niềm vinh dự, tự hào to lớn mà các cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa luôn trân trọng lưu giữ.

Với ý nghĩa thiêng liêng đó, trong những ngày tháng 5 lịch sử, trước những kỷ vật Điện Biên được trưng bày trang trọng, trong mỗi chúng ta càng thêm tự hào truyền thống cha anh, như làm sống dậy khí thế hào hùng về sự chiến đấu và hy sinh của những chiến sĩ Điện Biên đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu” của 70 năm về trước.

Báo Thừa Thiên Huế