DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC: NGHIÊN CỨU CẤP CHO NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH VÀ CON LAI

Bộ Công an đang dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi. Đáng chú ý, dự thảo lần này, bên cạnh việc đề xuất cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, Bộ Công an cũng đề xuất cấp Giấy chứng nhận căn cước cho những người không có quốc tịch Việt Nam, hoặc con lai đang sinh sống lâu dài tại Việt Nam.

CẤP CHO NGƯỜI DƯỚI 14 TUỔI THEO NHU CẦU

Dự thảo Luật căn cước (được Chính phủ chỉnh lý từ Luật Căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo có 7 chương, 46 điều, so với Luật Căn cước công dân năm 2014, thì dự thảo Luật Căn cước đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều.

Cụ thể, về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật Căn cước mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch hoặc không có quốc tịch. Dự thảo Luật đã bổ sung một Điều về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam; quy định việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này.

Đối với người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật Căn cước bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

Theo Bộ Công an, việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Liên quan đến thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin và quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật Căn cước quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư, như bổ sung thông tin khác được chia sẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án số 06.

Dự thảo Luật Căn cước đã được Bộ Công an lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Dự thảo Luật cũng dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5 và tháng 6/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

ảnh minh hoạ (giaoducthoidai.vn)

ảnh minh hoạ (giaoducthoidai.vn)

ĐẢM BẢO LỢI ÍCH VÀ QUẢN LÝ XÃ HỘI CHẶT CHẼ

Vì sao Bộ Công an đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam? Nếu được ban hành, việc quản lý đối với người gốc Việt Nam sẽ thay đổi thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an – đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi:

PV: Thưa ông, vì sao dự thảo Luật dề xuất cấp Chứng nhận căn cước cho một số nhóm đối tượng người gốc Việt?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Từ việc khảo sát, đánh giá tác động thực tiễn, rồi từ thực tiễn công tác quản lý nhân khẩu, chúng tôi thấy có những công dân nằm trong 2 nhóm: thứ nhất là những người gốc Việt Nam, đang sinh sống ổn định lâu dài tại Việt Nam, nhưng không có quốc tịch VN, không đủ điều kiện để cấp bất kỳ giấy tờ nào, ví dụ như sổ thường trú. Cái này là do lịch sử, do những hoàn cảnh xã hội thực tế.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày người ta có những nhu cầu về giao dịch dân sự, ví dụ như mua bán xe máy, rồi người ta mở tài khoản ngân hàng, đăng ký khám chữa bệnh, rồi rất nhiều giao dịch liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Thứ 2 nữa là con lai, cũng không có đủ bất kỳ thông tin hoặc giấy tờ nào đủ điều kiện để cấp quốc tịch cho họ theo Luật Quốc tịch. Cho nên trong dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi lần này, chúng tôi cũng đề xuất cấp Giấy chứng nhân căn cước cho nhóm đối tượng này. Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho hai nhóm đối tượng này, một là để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên- Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên- Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an

PV: Qua kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công an thì số lượng được cấp CCCD hoặc chứng nhận CCCD có nhiều không?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Số lượng nhóm người có gốc là người VN, sinh sống lâu năm, ổn định tại VN, nhưng không đủ điều kiện để cấp CCCD VN thì số lượng người này qua khảo sát hiện tại khoảng hơn 30 nghìn người.

Và số con lai theo khảo sát của chúng tôi khi thực hiện những dự án về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và CCCD thì số lượng này khoảng trên 700 đối tượng.

PV: Nếu chúng ta không cấp CCCD cho những nhóm đối tượng mà ông vừa đề cập, sẽ có hệ lụy gì?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Nếu chúng ta không cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này thì một là rất khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Thứ 2 là sẽ thiệt thòi đối với nhóm người này. Họ là những người đang sinh sống lâu dài, có cha, hoặc mẹ hoặc gốc gác là người Việt Nam, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, họ không đủ điều kiện cấp CCCD, họ rất khó khăn trong việc hưởng các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội. 

Bởi không có cơ sở pháp lý; không có đủ thông tin hoặc là những giấy tờ cần thiết để giúp họ tham gia vào các giao dịch dân sự, ví dụ như các dịch vụ của ngân hàng, học tập, cư trú, xác lập các quyền sở hữu đối với tài sản, rồi hưởng các chính sách về bảo trợ, an sinh xã hội.

Cho nên chúng ta phải tính toán để cấp giấy chứng nhận căn cước, để họ có điều kiện tham gia vào các giao dịch, để đảm bảo quyền và lợi ích của họ. Cái thứ 2 nữa là đảm bảo quản lý xã hội được chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn cho cộng đồng, cho xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông.

 CẦN THIẾT VÀ NHÂN VĂN

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, Bộ Công an đang đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người gốc Việt sinh sống ổn định, lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đến thời điểm này họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào cả. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Văn Hòa: Theo tôi cũng nên cấp cho những đối tượng này. Hiện nay có những trường hợp họ sống vô gia cư, họ không có nhà ở, không có hộ khẩu thường trú ở đâu, họ cũng không có giấy tờ gì chứng minh rằng họ ở chỗ A, chỗ B, chỗ C.

Theo tôi, điều đó là hết sức cần thiết, tại vì mặc dù có những trường hợp họ không phải là công dân Việt Nam, nhưng họ ở trên đất nước Việt Nam lâu dài như vậy thì nên cấp một giấy tờ gì đó, chẳng hạn căn cước tạm thời để trước tiên để biết và quản lý những đối tượng đó, thay vì bây giờ họ vô gia cư, không biết một giấy tờ gì, ở đâu thì khi xảy ra sự vụ, sự việc rất khó tìm kiếm.

Bởi vậy tôi rất thống nhất với ý kiến của Bộ Công an là cấp Giấy chứng nhận tạm thời cho những đối tượng mà Bộ Công an đưa ra.

PV: Lâu nay trong hoạt động giám sát của Quốc hội hoặc tương tự, đã có những phản ánh, thông tin về đối tượng vô gia cư hoặc không có quốc tịch Việt Nam nhưng sinh sống lâu dài tại Việt Nam chưa và họ thường gặp những khó khăn gì?

Ông Phạm Văn Hòa: Có, qua công tác giám sát, qua báo cáo hoặc qua tiếp xúc cử tri cũng có những trường hợp này, tuy nhiên nó không nhiều. Nhưng nếu dồn chung của cả nước thì số lượng này không phải là nhỏ. Theo tôi cũng nên xử lý và giải quyết cho những trường hợp này. Không phải ở Việt Nam chúng ta không, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những trường hợp này, thậm chí họ không có khai sinh để học.

Trong thời gian qua, trong quản lý nhà nước chúng ta còn thiếu hụt trong vấn đề này đối với công dân Việt Nam hoặc những người định cư ở Việt Nam. Cho nên việc tới đây chúng ta có nên xem xét những trường hợp này như Bộ Công an đề xuất, theo tôi là hết sức cần thiết. Trước tiên là những người ở trong đất nước Việt Nam lâu đời thì chúng ta quản lý họ.

Vấn đề nữa là người ta còn con cái, học hành nữa, không cấp giấy tờ, làm sao người ta học hành. Rồi chúng ta không quản lý, rồi không được hưởng những chế độ, chính sách gì của Chính phủ Việt Nam ban hành,nếu đó là những hộ, đối tượng nghèo. Cho nên mình sửa Luật, mình thực hiện được những điều đó, đó là điều rất tốt.

PV: Theo ông, nếu quy định này thành hiện thực sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Ông Phạm Văn Hòa: Chính sách đó ban hành thì quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chính sách an sinh xã hội của con người được định hình lại là hết sức cần thiết.

Tôi nghĩ rằng nó phục vụ xã hội rất lớn, đó là những người họ chưa có giấy tờ tùy thân thì người ta sẽ có một giấy tờ.

Đó là điều rất nhân văn và từ đó người ta chấp hành tốt các quy định của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông.

Bộ Công an cho biết, luật Quốc tịch Việt Nam không có khái niệm về “người chưa xác định được quốc tịch”. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở nước ta có hơn 30 nghìn người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch. Trong số này, có 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch; hơn 10 nghìn trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú, tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai...

Ngoài ra, còn có hơn 16 nghìn trường hợp không có giấy tờ tùy thân tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương... Việc không có giấy tờ tùy thân không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý trật tự xã hội, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của nhóm đối tượng này, nhất là việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Vì vậy, tại dự thảo Luật Căn cước, Bộ Công an đã đề xuất cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người gốc Việt Nam nhằm khắc phục những bất cập này.

VOV Giao thông