ĐỀ XUẤT THỪA THIÊN HUẾ ĐỔI TÊN LÀ 'THÀNH PHỐ HUẾ' KHI TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Chuyên gia, nhà văn hóa cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế nên lấy tên là Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Hội thảo quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và mô hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương được tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chiều 29/12 với sự tham gia của nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị.

Đô thị Huế ở bờ Nam sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh

Đô thị Huế ở bờ Nam sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh

Sở Nội vụ Thừa Thiên Huế đưa ra hai phương án thành lập các đơn vị hành chính. Thứ nhất là mô hình 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Trong đó TP Huế chia làm 2 quận, thị xã Hương Thủy nâng lên thành quận; thành lập thêm thị xã Phong Điền trên cơ sở hiện trạng huyện Phong Điền. 4 huyện gồm A Lưới, Quảng Điền, Phú Vang và huyện Nam Đông sáp nhập với Phú Lộc.

Phương án hai là 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Thành phố Huế chia thành 2 quận; 3 thị xã (Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền) và 4 huyện gồm A Lưới, Quảng Điền, Phú Vang và Nam Đông sáp nhập với Phú Lộc.

Sở Nội vụ cũng đề xuất lấy tên TP Huế hoặc TP Thừa Thiên Huế khi tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương. Tên gọi của các quận trong tương lai lựa chọn trong các cặp Phú Xuân - Thuận Hóa, Hương Giang - Ngự Bình, Phú Xuân - Thừa Thiên.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, quận phía Nam là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... Nơi đây còn nhiều quỹ đất để xây dựng, phát triển đô thị và tập trung trụ sở các cơ quan hành chính quan trọng của thành phố.

Quận phía Bắc sông Hương tập trung di tích, di sản, nhà vườn... nên định hướng phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch sinh thái, nhà vườn. Quận Hương Thủy sẽ được quy hoạch với vai trò đảm nhận chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm chức năng công nghiệp, cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm Huế.

Ông Trần Ngọc Chính, góp ý quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Trần Ngọc Chính, góp ý quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Đóng góp ý kiến về đô thị Huế tương lai, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đồng ý với tên gọi TP Huế khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Trung ương. Bởi tên Huế mang thương hiệu lịch sử lâu đời và ý nghĩa với vùng đất này, nhắc đến Huế là nhắc đến đô thị di sản, văn hóa. Huế sẽ cùng với Đà Nẵng là đô thị trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung khi là thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Sơn cho rằng hai đô thị tương lai sẽ đóng góp kinh tế cho Huế nhiều là cảng biển Chân Mây - Lăng Cô và cảng hàng không Phú Bài. Bởi khi Huế đóng vai trò trung tâm vùng sẽ kết nối với các tỉnh thành, quốc tế và hành lang kinh tế Đông Tây. "Huế sẽ chia sẻ với Đà Nẵng bởi Đà Nẵng hiện quá tải về phát triển sân bay, cảng biển Liên Chiểu phát triển có hạn", ông Sơn nói.

Tại hội thảo, các nhà quy hoạch và nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng danh xưng "Thừa Thiên Huế" không được sử dụng phổ biến như tên gọi "Huế" và cũng ít được mọi người biết đến hơn. Danh từ Huế sẽ thuận lợi rất nhiều trong giao dịch quốc tế vì bản thân từ Huế vừa ngắn gọn, dễ nghe, dễ đọc, dễ nhớ và mang âm sắc đặc trưng của vùng đất nổi tiếng.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, cũng cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế khi lên thành phố trực thuộc Trung ương nên lấy tên là TP Huế; phân chia 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện.

Ủng hộ đồ án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, song ông Chính mong muốn cần làm rõ hơn về phát triển đô thị ven biển và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Bởi Thừa Thiên Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang 126 km chạy dọc bờ biển, đó là di sản mà cả Đông Nam Á thèm khát. Huế phải lựa chọn cái đặc thù đó là văn hóa, Festival Huế, du lịch tâm linh để làm nét riêng mà tỉnh khác không có được.

Cho rằng đồ án quy hoạch chưa chỉ rõ việc khai thác tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối Lao Bảo, Đông Hà của Quảng Trị thế nào, ông Chính góp ý quy hoạch tỉnh cần làm rõ, khai thác thế mạnh này nhiều hơn nữa; cần hướng đô thị Huế về phía biển, xây dựng đô thị vệ tinh xung quanh sân bay, khai thác tốt hơn hệ thống giao thông quốc gia; phát triển đô thị Chân Mây - Lăng Cô...

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Thạnh

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Thạnh

Sau khi nghe chuyên gia góp ý, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sẽ tiếp thu và hoàn thiện phương án phù hợp; kết hợp các thủ tục lấy ý kiến theo quy định pháp luật. Qua hội thảo, tỉnh đã nhận diện được một số khó khăn, hạn chế và các lợi thế so sánh để từ đó đề xuất giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong quy hoạch tới.

Ông Phương yêu cầu đơn vị tư vấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ban ngành địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, tích cực hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt đảm bảo tiến độ yêu cầu.

VnEXPRESS