COVID-19 TIẾP TỤC TĂNG CA MẮC, TĂNG CA THỞ MÁY

Theo Bộ Y tế, hôm nay 26/4, số ca mắc COVID-19 tăng cao nhất từ đầu năm tới nay. So với ngày trước đó, bệnh nhân phải thở máy lại tăng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận 1 ca COVID-19 có bệnh nền tim mạch, điều trị tại đây đã tử vong.

Theo Bộ Y tế, trong 24h qua, cả nước ghi nhận 2.731 ca mắc COVID-19, tiếp tục tăng so với ngày trước đó và là ngày có số mắc cao nhất hơn 7 tháng qua.

Trong ngày, có 613 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.618.751 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 123 ca, trong đó thở máy xâm lấn có 24 ca, tăng 4 ca so với ngày trước đó.

COVID-19 tiếp tục tăng ca mắc, tăng ca thở máy -0
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 sẽ chuyển biến nặng là người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai. (Ảnh minh hoạ)

Ngày 26/4, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, một nam bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, đồng thời dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tử vong sau gần 1 tuần điều trị tích cực tại bệnh viện.

Đó là nam bệnh nhân 54 tuổi, trú tại tỉnh Bình Dương được chuyển đến Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 17/4 trong tình trạng bệnh nặng phải thở máy.

Trước đó, bệnh nhân điều trị các bệnh lý tim mạch như: Cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, suy tim, rối loạn sinh tủy (một dạng bệnh lý tiền ung thư huyết học) tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Như vậy, sau nhiêu tháng không có tử vong thì trong 5 ngày qua, đã có 3 cả tử vong do COVID-19 gồm: 1 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở Nam Định và 1 trường hợp ở Bình Dương. 

Theo Bộ Y tế, Ngày 25/4 có 5.561 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.174.292 liều. Trước tình hình dịch COVID-19 gia tăng, nhiều người dân Hà Nội đã chủ động đến các cơ sở y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Bộ Y tế yêu cầu, trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và Giỗ tổ Hùng vương, trường hợp có diễn biến đặc biệt như bùng phát dịch COVID-19, các đơn vị cần báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.

Theo đó, các cơ sở y tế phải đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: Trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ; tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu.

Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Cùng đó, các đơn vị phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa liên quan các sự kiện tập trung đông người (nếu có) tại địa phương.

Bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh đuối nước, cảnh báo tai nạn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch; thường trực đường dây nóng 24/24h để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng lưu ý trong trường hợp có diễn biến đặc biệt như bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh nguy hiểm, cấp cứu thảm hoạ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, đề nghị đơn vị có báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp để kịp thời giải quyết.

Liên quan đến công tác phòng dịch trong dịp nghỉ lễ tới đây, các chuyên gia dịch tễ nhận định: Chắc chắn số ca nhiễm sẽ gia tăng sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, tuy nhiên không đáng quan ngại, bởi đa phần người dân đã có miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc đã từng mắc. Bên cạnh đó, người dân hiện giờ cũng cảnh giác, không tụ tập ở nơi kín hoặc quá đông người. 

Tuy nhiên, cần lưu tâm thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế tuân thủ các biện pháp theo thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn)”

CAND online