CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CỦA THỪA THIÊN HUẾ LÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA QUỐC GIA

“Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù Chính phủ trình Quốc hội lần này có vai trò và ý nghĩa đặc biệt, là công cụ quan trọng thúc đẩy việc phát huy và khai thác lợi thế giúp Thừa Thiên Huế có thêm điều kiện sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Vì vậy, kính đề nghị Quốc hội, các vị ĐBQH quan tâm, ủng hộ”.

 

Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế tại điểm cầu Thừa Thiên Huế sáng 27/10

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh như vậy tại Quốc hội sáng 27/10 khi phát biểu tham luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham gia phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc chia sẻ với tỉnh Thừa Thiên Huế về những nỗ lực không ngừng cũng như sự quan tâm của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và nhân dân cả nước trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển. “Kính đề nghị Quốc hội ủng hộ chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế vì mục tiêu phát triển chung của Quốc gia. Nghị quyết này là cần thiết cho Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố như Chính phủ đã trình Quốc hội” - đại biểu nói.

Đại biểu nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn là chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; việc bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo ra nhiều khó khăn đối với công tác kêu gọi, thu hút đầu tư; nguồn lực cho công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy các giá trị di tích, di sản chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; bên cạnh đó, một số tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân số theo quy định tại Nghị quyết 1210, 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khó có khả năng thực hiện được,...

Đại biểu thông tin, Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; trong đó, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo cân đối hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá; đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh đã tập trung khai thác lợi thế của vùng đất di sản, văn hoá Huế, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô,… nhằm tạo bước phát triển đột phá trong thời gian tới để tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một thành phố có đặc thù về di sản, bề dày lịch sử văn hóa, thành phố xanh, thông minh và hiện đại.

Theo đại biểu, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đã tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế. Trong đó: có 5 cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; 4 cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 6 cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp lần này.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Quốc hội ủng hộ chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế vì mục tiêu phát triển chung của Quốc gia. Ảnh: Châu Vũ 

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, về cơ chế để bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản: Nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, di sản của quốc gia và thế giới, Chính phủ đề xuất Quốc hội đồng ý cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng cơ chế được giữ lại 100% nguồn thu từ phí tham quan di tích và Quỹ bảo tồn di sản là hết sức quan trọng và cần thiết.

Về cơ chế quản lý tài chính ngân sách, đây là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung huy động nguồn lực để phát triển 4 trung tâm: Văn hóa - du lịch đặc sắc, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đạt chuẩn; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có khả năng cân đối ngân sách địa phương.

Đại biểu khẳng định: 3 cơ chế, chính sách (như dự thảo Nghị quyết đã nêu) sẽ tạo điều kiện, động viên Thừa Thiên Huế tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phấn đấu tăng thu mà không làm ảnh hưởng đến khoản thu của ngân sách Trung ương.

Về sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn; đồng thời, tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho tỉnh trong kêu gọi, thu hút đầu tư. Hiện nay, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội cho phép áp dụng chính sách tương tự này.

Thừa Thiên Huế online