CHỦ TỊCH QUỐC HỘI: "KỲ CHẤT VẤN NÀY ĐƯỢC “TẬN DỤNG TỪNG PHÚT”"

Sau 2,5 ngày diễn ra hoạt động chất vấn, đã có 454 đại biểu tham gia chất vấn, 112 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 49 lượt đại biểu tranh luận làm rõ hơn những vấn đề quan tâm.

Ngày 8/6, Quốc hội kết thúc phiên chất vấn 4 bộ trưởng, trưởng ngành. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung này cho biết, sau 2,5 ngày diễn ra hoạt động chất vấn, đã có 454 đại biểu tham gia chất vấn, 112 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 49 lượt đại biểu tranh luận làm rõ hơn những vấn đề quan tâm, nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn trong hai năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt người.

Chủ tịch Quốc hội nhận định kỳ chất vấn này được “tận dụng từng phút”, không để lãng phí một phút nào trong thời gian Quốc hội dành cho phiên này. Các bộ trưởng đều đã thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành và lĩnh vực phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo né tránh. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Kiểm soát quyền lực giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý sai phạm -0
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn các đại biểu.

Nghệ thuật điều hành để "tăng lương không tăng giá"

Trước đó, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu. Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng, các đại biểu quan tâm đến các vấn đề như giá cả, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

Đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định về tăng lương cơ sở từ 1/7. Theo đó, giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể tăng theo lộ trình giá thị trường.Nữ đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát, tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá?

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Việc điều hành, phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa. “Giải pháp điều hành giá phải uyển chuyển, căn cứ tín hiệu của thị trường, phải nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Kiểm soát quyền lực giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý sai phạm -0
Đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) chất vấn Phó Thủ tướng.

Theo Phó Thủ tướng, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung - cầu, cái này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng quán triệt với mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên. Cuối cùng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp lạm phát, tăng giá mà không kiểm soát được. “Tăng lương cơ sở thì phải kiểm soát được giá, để cuối năm 2023 chỉ số giá tiêu dùng CPI không vượt quá 4,5%” - Phó Thủ tướng nói.

Muốn chống tham nhũng phải kiểm soát được quyền lực

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) chia sẻ tham nhũng, tiêu cực từng bước được hạn chế. “Tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, muốn chống tham nhũng tiêu cực phải kiểm soát quyền lực. Vậy đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực?” - nữ đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Kiểm soát quyền lực giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý sai phạm -0
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) chất vấn.

Phó Thủ tướng cho biết tổng kết qua 10 năm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, có 8 bài học kinh nghiệm, trong đó muốn kiểm soát phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải kiểm soát quyền lực. “Quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm”, Phó Thủ tướng nói.

Nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực, Phó Thủ tướng cho rằng xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, gây suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống, dẫn đến tham nhũng. “Thực tiễn những năm qua cho thấy phải kiểm soát quyền lực với những cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ quyền hạn, nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Nêu giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải hoàn thiện cơ chế xác định quyền hạn của các cơ quan Nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử…Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của người có chức vụ quyền hạn. “Những người có chức vụ, quyền hạn cũng phải tự soi, tự sửa và tự rèn luyện” – Phó Thủ tướng nói và cho rằng kết kết hợp nhiều giải pháp để kiểm soát quyền lực, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt kết quả tốt hơn.

Giải pháp để ổn định thị trường bất động sản, trái phiếu

Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nêu vấn đề thị trường bất động sản đóng băng, thị trường khủng hoảng, doanh nghiệp chậm trả nợ; khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn, gây bức xúc trong người dân và làm giảm lòng tin của thị trường… Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, giải pháp nào để thị trường phát triển lành mạnh.

Kiểm soát quyền lực giúp loại bỏ kịp thời sai phạm, phát hiện, ngăn ngừa và xử lý sai phạm -0
Các đại biểu tại phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu đoàn Lào Cai, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện nay thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị vướng trong xử lý trái phiếu do việc quản lý dòng tiền, đòn bẩy tài chính chưa hợp lý, có trường hợp sai phạm, bị truy tố. Thị trường trái phiếu hiện chưa bền vững về cơ cấu, nghiêng về các thị trường rủi ro như bất động sản. Thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn do pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, sản phẩm nhà giá cao nhiều.

Vừa qua, Thủ tướng đã thành lập 2 tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá hạn chế và đưa ra giải pháp. Hai tổ này đã có báo cáo. “Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Làm sao hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường hoạt động thông suốt. Tăng cường giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ.

Phó Thủ tướng cho biết gần đây tín hiệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn nhưng trong quý I các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã ổn định được tình hình. Quan điểm của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn trên tinh thần “trách nhiệm thì theo hợp đồng dân sự, nhưng Nhà nước cũng cần tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp”.

CAND online