CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI DIỄN BIẾN PHỨC TẠP CỦA BÃO SỐ 8

Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8 với lãnh đạo 6 tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tại Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương cùng tham dự.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh (bìa trái) trong một chuyến kiểm tra công tác phòng chống bão ở cảng Thuận An

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, theo các báo cáo, bão số 8 di chuyển với tốc độ nhanh, cường độ mạnh. Đề nghị các bộ, địa phương báo cáo tình hình triển khai các biện pháp ứng phó. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác phòng chống thiên tai thời gian qua, nhất là bão số 7 mới đây, đạt được kết quả tốt, tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, nỗ lực bám sát tình hình để làm sao hạn chế thấp nhất các thiệt hại do bão số 8 gây ra.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, bão số 8 di chuyển nhanh, đạt cường độ mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14 trong ngày 12-13/10 khi di chuyển trên khu vực Bắc biển Đông đến gần đảo Hải Nam, Trung Quốc. Bão đi vào Vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 8, giật cấp 10 vào rạng sáng 14/10. Dự kiến đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Quảng Bình trong sáng đến trưa 14/10...

Chủ động phương châm “4 tại chỗ”

Về công tác phòng chống bão, đã kiểm đếm, hướng dẫn 53.944 tàu/233.335 người. Có 7 tỉnh duy trì cấm biển gồm Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Các tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế đã cơ bản thu hoạch xong lúa.

Báo cáo cho biết, hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài 708km (346km đê biển; 362km đê cửa sông); 33 vị trí xung yếu và 13 công trình đang thi công. Các vị trí trực diện biển cần quan tâm như: đê biển Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đê cửa sông tả Thái, tỉnh Nghệ An; đê biển Vĩnh Thái, tỉnh Quảng Trị; kè biển Phú Thuận, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại Thừa Thiên Huế, đến 14h ngày 12/10 toàn tỉnh hiện có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động thuỷ sản, đã vào neo đậu tại bến (có 2 phương tiện/8 lao động ngoại tỉnh). Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã ban hành lệnh cấm đi biển, quản lý chặt số ghe thuyền bãi ngang ven biển.

Toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 11 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2tỷ m3, (theo quy hoạch có 13 hồ thuỷ điện, tổng công suất lắp máy là 459,3MW). Hiện nay mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn, mực nước đang ở mức thấp và sẵn sàng, chuẩn bị đón lũ.

Tinh tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là phương án sơ tán dân theo phương châm “4 tại chỗ” và đảm bảo phòng, chống dịch tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly.

Tỉnh rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn 18.713hộ/64.743 khẩu. Trong đó, ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn; thực hiện phòng chống bệnh COVID-19 khi sơ tán.

Càng căn cơ, càng tập trung, thiệt hại càng giảm

Tất cả tàu thuyền của Thừa Thiên Huế đã vào tránh trú an toàn 

Để chủ động ứng phó bão, mưa lũ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp nên công tác triển khai phòng chống phải hết sức cấp bách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Phó Thủ tướng lưu ý đến việc càng căn cơ, càng tập trung thiệt hại càng giảm, càng chủ quan thiệt hại càng lớn. Tập trung tuyên truyền để người dân chủ động phòng tránh. Chính phủ sẽ ban hành công điện phòng chống bão số 8 và thành lập các đoàn công tác về địa phương kiểm tra, chỉ đạo phòng chống bão.   

Các địa phương bám sát sự chỉ đạo của Trung ương để triển khai chi tiết, cụ thể, nắm chắc tình hình. Đối với tuyến biển, theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để phòng tránh. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Tổ chức gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản; thu hoạch sản phẩm đã đến thời kỳ thu hoạch.

Đối với khu vực đồng bằng và ven biển, rà soát, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân cư khu vực trũng thấp, cửa sông, ven biển đến nơi an toàn. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tập trung khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, giằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng.

Đối với khu vực miền núi, sẵn sàng tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ, đảm bảo an toàn hạ lưu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Thừa Thiên Huế online