CHẤN CHỈNH TÌNH TRẠNG “TƯ NHÂN HÓA BÁO CHÍ”; “BÁO HÓA” TẠP CHÍ, TRANG TIN, MẠNG XÃ HỘI TRONG NĂM 2023

Giải quyết các vấn đề về “tư nhân hóa báo chí”, “báo hóa” tạp chí, trang tin, mạng xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra đối với công tác quản lý báo chí trong năm 2023.

Giải quyết các vấn đề về “tư nhân hóa báo chí”, “báo hóa” tạp chí, trang tin, mạng xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra đối với công tác quản lý báo chí trong năm 2023.

Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động báo chí
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 75/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”, Kế hoạch số 4000/KH-BTTTT ngày 31/7/2022 triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động báo chí.

Báo chí đăng những bài viết gây phản cảm khiến xã hội không đồng tình

Cụ thể, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục triển khai xử lý dứt điểm tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp; rà soát biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ nước ngoài để tác động vào báo chí truyền thông…

Cơ quan chủ quản báo chí chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, đặc biệt là văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật…

Cơ quan báo chí quán triệt, tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo.

Đề xuất giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật về báo chí
Các cơ quan báo chí cũng cần đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, phát huy tối đa lợi thế trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin xã hội.

Người đứng đầu cơ quan báo chí nâng cao vai trò, trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là việc thực hiện quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện tôn chỉ, mục đích.

Có giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên hoạt động tác nghiệp đúng quy định.

Kiểm soát khoa học, chặt chẽ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên, bảo đảm hoạt động đúng quyền hạn, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí…

Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí
Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông ngay sau khi ban hành, kế hoạch xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí và thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW, ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương đã được triển khai khẩn trương, kịp thời, đồng bộ.

Tuy nhiên, những biểu hiện hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí mặc dù đã giảm so với những năm trước, song vẫn còn xảy ra ở không ít cơ quan tạp chí, nhất là các tạp chí điện tử. Các tạp chí này có xu hướng tác nghiệp, xuất bản tin tức theo hướng gây hiểu nhầm là báo. Một số cơ quan báo chí trong quá trình liên kết đã giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động, thực hiện liên doanh, liên kết theo hướng người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm, buông lỏng quản lý, ủy quyền, chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích…

Bộ đã chủ trì, lập tổ công tác, đoàn thanh, kiểm tra với sự tham gia của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của 17 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.

Kết thúc Giai đoạn 1, từ tháng 3/2022 đến ngày 20/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 17 cơ quan báo chí. Kết quả đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 889 triệu đồng; trong đó có 1 tạp chí ngoài bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng; xử phạt 2 cá nhân người đứng đầu cơ quan tạp chí. Bộ cũng rà soát, đánh giá, lập danh sách 91 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để theo dõi chặt chẽ, chấn chỉnh, xử lý.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mời 34 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, 57 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thuộc nhóm đối tượng có dấu hiệu “báo hóa” nêu trên đến làm việc.

Chỉ rõ các biểu hiện, hành vi “báo hóa” của nhóm đối tượng này để yêu cầu chấn chỉnh hoạt động, cam kết khắc phục và không tái phạm. Các doanh nghiệp cam kết sẽ nhanh chóng, chủ động khắc phục các sai phạm, tuân thủ các quy định pháp luật.

Ngoài ra, Bộ đã tổ chức 2 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” nghiêm trọng để xử lý nghiêm, mang tính cảnh báo, răn đe. Các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến “báo hóa”.

Thực hiện đủ trách nhiệm chủ quản đối với cơ quan báo chíNăm 2022, các cơ quan chỉ đạo, quản lý tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, phát hiện, quyết liệt xử lý các thông tin sai sự thật; triển khai các biện pháp kỹ thuật, tích cực đàm phán, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, phản động, sai sự thật, quảng cáo vi phạm pháp luật.

Báo chí đăng nhiều thông tin không đúng sự thật khiến cơ quan chức năng phải xác minh, đính chính

Ngăn chặn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội
Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động thông tin điện tử năm vừa qua, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, tính đến ngày 30/11/2022, cả nước có 1.980 trang thông tin điện tử còn hiệu lực, trong đó có 474 trang được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp phép. So với cùng kỳ 2021, số lượng cấp phép giảm 31,3%.

Về số lượng cấp phép mạng xã hội, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT đã cấp 956 giấy phép, giảm 11% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, một phần nguyên nhân của sự sụt giảm này là do Bộ TT&TT chỉ đạo siết chặt việc cấp phép nhằm ngăn chặn tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

Về kết quả đạt được, bên cạnh hoàn thành việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TT&TT đã siết chặt điều kiện cấp phép, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Đồng thời, nâng cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật trên mạng internet; ngăn chặn, xử lý game không phép, thúc đẩy kết nối, phát triển game Việt; xử lý tình trạng quảng cáo tràn lan vi phạm pháp luật trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Tăng cường rà soát, xử lý vi phạm trên internet
Về định hướng trong năm 2023, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường rà quét, xử lý vi phạm trên mạng Internet; ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực game online, giai đoạn 2022-2027; công bố và truyền thông bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng (White list) và nội dung “đen” (Black list) của Việt Nam…

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh hiện nay, đồng thời kiến nghị một số giải pháp phát triển lĩnh vực thông tin điện tử, trong đó có lĩnh vực mới là quảng cáo trên không gian mạng, bên cạnh những nội dung truyền thống như trang tin, mạng xã hội; chống thông tin xấu, độc…

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về vấn đề chống “báo hóa” tạp chí, phát triển thị trường game trong nước, cũng như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà phát triển, phát hành game Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị.

Phải làm lành mạnh không gian mạng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh lĩnh vực thông tin điện tử bao gồm nội hàm rất rộng lớn, có sự đan xen giữa cái tốt và cái chưa tốt.

Hiện nay người dùng khi lên mạng khá vất vả trong việc sàng lọc, phân biệt đâu là báo, đâu là trang tin điện tử, đâu là những nguồn tin chính thống, đâu là những nguồn tin phải cảnh giác.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay có hơn 2.000 trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, trong đó có mấy trăm trang không hoạt động.

Trong khi tiêu chuẩn, điều kiện trở thành người lãnh đạo cơ quan báo chí vô cùng ngặt nghèo, thì doanh nghiệp khi đăng ký trang thông tin điện tử hay mạng xã hội có thể cử bất cứ ai, không rõ học gì ra, có thể chịu trách nhiệm về mặt nội dung.

“Chúng ta phải làm lành mạnh không gian mạng, nếu cấp phép mà không quản được sẽ gây rủi ro rất lớn.

Sở TT&TT các địa phương, nhất là Sở TT&TT Hà Nội và Sở TT&TT TP.HCM cấp phép nhiều trang thông tin điện tử cần phải rà soát lại các doanh nghiệp được cấp phép trang thông tin điện tử, xử lý tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh. Sẽ sắp xếp lại, nắn lại dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng để nó đi vào những nội dung lành mạnh Không gian mạng còn có sự tham gia mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, mà trước nay vẫn bị coi là chưa chịu sự quản lý, điều khiển của pháp luật Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin điện tử hiện nay vừa có trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng đang đứng trước cơ hội rất lớn. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ sắp xếp lại, nắn lại dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng để nó đi vào những nội dung lành mạnh. Ngoài ra, các điều chỉnh vĩ mô cũng sẽ được thực hiện bằng những công cụ pháp luật, công cụ kinh tế, dòng tiền để qua đó cho thấy việc làm nội dung tốt không những là trách nhiệm mà còn là quyền lợi.

Bày tỏ lạc quan về tương lai của các trang mạng xã hội Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các mạng xã hội do người Việt sáng lập hoàn toàn có cơ hội phát triển tiếp, trở thành hệ sinh thái bổ sung. Điều quan trọng là cần tìm những hướng đi mới, những cửa ngách để phát triển và trụ vững trước cạnh tranh của các “ông lớn” nước ngoài.
Quyết liệt xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Qua rà soát, theo dõi, Bộ TT&TT bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, lập Tổ công tác hoặc lập Đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành rà soát, đánh giá, xem xét để chấn chỉnh toàn diện, mọi mặt hoạt động của cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật nếu có.

Xử phạt một loạt báo, tạp chí vi phạm
Kết thúc Giai đoạn 1, đến hết tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí.

Kết quả đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng, cụ thể như sau:

– Tạp chí Thương gia bị phạt tiền 50 triệu đồng;

– Tạp chí Môi trường và Cuộc sống bị phạt tiền 55 triệu đồng;

– Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị bị phạt tiền 55 triệu đồng;

– Tạp chí Đời sống và Pháp luật bị phạt tiền 138 triệu đồng;

– Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến bị phạt tiền 72,5 triệu đồng;

– Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị phạt tiền 50 triệu đồng;

– Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bị phạt tiền 3,5 triệu đồng;

– Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt tiền 63 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép loại hình điện tử trong thời hạn 03 tháng;

– Tổng biên tập Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam bị phạt tiền 07 triệu đồng;

– Báo Sức khoẻ và Đời sống bị phạt tiền 72,5 triệu đồng;

– Báo điện tử Tổ quốc bị phạt tiền 50 triệu đồng.

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, kiểm tra đối với Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp, Tạp chí Nhà quản lý; chuẩn bị ban hành quyết định xử phạt đối với Tạp chí điện tử Viettimes, Tạp chí điện tử Nhịp sống số, Tạp chí điện tử Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại.

Các cơ quan báo chí bị xử lý đều nghiêm túc nhận ra những sai sót, khuyết điểm, chấp hành quyết định xử phạt; có văn bản cam kết cụ thể về biện pháp, kế hoạch chấn chỉnh hoạt động; rà soát, kiểm tra nội dung thông tin, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; bảo đảm kiểm soát nội dung thông tin, năng lực sản xuất tin, bài, kinh tế báo chí, an toàn, an ninh thông tin; tuân thủ quy định pháp luật về báo chí.

Các cơ quan báo chí bị xử lý đã gỡ bỏ hàng nghìn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích.

Phần lớn các cơ quan chủ quản có cơ quan báo chí bị xử lý cũng nhận thức việc buông lỏng, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chỉ đạo cơ quan báo chí và cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan báo chí khắc phục các vi phạm, khuyết điểm và thực hiện đúng các quy định.

Tại thời điểm làm việc, 04 cơ quan báo chí chủ động xin tạm dừng hoạt động 05 chuyên trang để rà soát, chấn chỉnh hoạt động; 04 cơ quan báo chí chủ động chấm dứt hoạt động liên quan đến việc liên kết sản xuất nội dung, chấm dứt việc cho đơn vị hợp tác, trang thông tin điện tử tổng hợp dẫn lại tin, bài.
Công tác xử lý tạo hiệu ứng tích cực khi có cơ quan báo chí đã chủ động chấm dứt hợp đồng hợp tác, dừng việc cho các trang thông tin điện tử tổng hợp khai thác lại tin, bài.

Tiếp tục triển khai Giai đoạn 2 của Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí
Từ tháng 10/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai Giai đoạn 2 của Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí, tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí;

Bộ Thông tin và Truyền thông cương quyết xử lý nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm, thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép đối với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không cầu thị, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí.

https://tapchidongnama.vn/chan-chinh-tinh-trang-tu-nhan-hoa-bao-chi-bao-hoa-tap-chi-trang-tin-mang-xa-hoi-trong-nam-2023/