BỘ NGOẠI GIAO CHIA BUỒN KHI THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH VIÊN TỊCH

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã gửi lời chia buồn về việc thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch.

Lễ tang của thiền sư Thích Nhất Hạnh được tổ chức theo hình thức tâm tang - khoá tu im lặng ở Tổ đình Từ Hiếu

“Được tin thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới sơn môn, cộng đồng Phật tử Việt Nam ở trong, ngoài nước và pháp quyến của thiền sư Thích Nhất Hạnh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, có nhiều đóng góp trong giới thiệu và phát triển Phật giáo, văn hóa Việt Nam trên thế giới. Thiền sư viên tịch là tổn thất của cộng đồng Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Trước đó, đại diện ngoại giao của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng chia sẻ lòng thương tiếc trước sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 1h30 ngày 22/1 tại chùa Tổ đình Từ Hiếu, nơi ông đã xuất gia cách đây 80 năm, trụ thế 96 tuổi và 70 hạ lạp.

Ban truyền thông Đạo Tràng Mai Thôn đã ra thông báo di huấn của thiền sư Thích Nhất Hạnh trước lúc viên tịch. Theo đó, tang lễ của thiền sư sẽ diễn ra dưới hình thức tâm tang - khóa tu im lặng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Sư Ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình.

Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị. Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khoá tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, các nhà lãnh đạo, y bác sĩ… Bên cạnh sự nghiệp hoằng pháp, Thiền sư cũng đã tổ chức nhiều Đại Giới Đàn và lễ Truyền Đăng, Việt hoá Nghi lễ và tân tu Giới bản để tiếp dẫn hậu lai.

Thừa Thiên Huế online