BẠCH MÃ CỦA AI?

Cần một sự đính chính và xin lỗi công khai với độc giả, với Huế, cũng như cần một sự xử lý thỏa đáng từ ngành Thông tin & Truyền thông...

Vọng Hải Đài của Vườn Quốc gia Bạch Mã  thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) là điểm du lịch, tham quan nổi tiếng luôn thu hút nhiều khách tham quan

"Bạch Mã của…Đà Nẵng"?!!- Đừng tưởng đó là bịa đặt khôi hài cho vui, mà là chuyện có thật 100% và vừa gây bão trong dư luận và cộng đồng mạng.

Xuất phát từ một bài viết có cái tít rất câu view: “Đà Nẵng nổi tiếng ai cũng biết, nhưng bạn đã biết đến Vọng Hải Đài Bạch Mã chưa?” đăng trên trang “Du lịch Việt Nam” (dulichvietnam.com.vn; dẫn theo Báo Thể thao Việt Nam), sau đó được một số trang, tài khoản Fb dẫn lại.

Cứ nghĩ người ta quảng bá cho Bạch Mã, nhưng thấy cái tít sao ngờ ngợ nên đọc. Càng đọc càng tá hỏa và kinh hãi cho “sức vóc” của người viết. Bởi một ngọn núi khổng lồ như Bạch Mã nhưng chẳng hiểu bằng cách nào mà tác giả đã “tha” nổi về cho Đà Nẵng, mới tài (!??).

Hãy xem tác giả viết: “ Đà Nẵng… thành phố tuyệt vời này có sông Hàn thơ mộng, có bán đảo Sơn Trà đẹp hoang sơ…. Nhưng không chỉ có thế, Đà Nẵng còn có dãy Bạch Mã với nhiều điều thú vị chưa được khai phá”. Thế có …ê răng không?  

Trang Du lịch Việt Nam (DLVN) dẫn bài từ Báo Thể thao VN "xác tín"  Vọng Hải Đài Bạch Mã ở Tp Đà Nẵng (!??)

Thông tin sai lệch, bịa đặt cũng được diadiemdanang.vn-“Trang cung cấp thông tin du lịch hàng đầu Đà Nẵng’’ dẫn lại từ DLVN

Chưa kịp ngao ngán thì liền đó là: “Trên đỉnh núi Ngũ Hành Sơn thuộc dãy Bạch Mã có một biệt thự bỏ hoang mang tên Vọng Hải Đài (VHĐ)”; Tiếp theo còn bày đường đi một cách “rất tọ vẹ”: “VHĐ cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 Km. Du khách có thể đến đây theo đường Lê Văn Hiến, sau đó rẽ Huyền Trân Công Chúa…”. Vậy là từ VHĐ Bạch Mã, tác giả chỉ đường cho khách lên VHĐ Ngũ Hành Sơn chăng?!!. Nhưng không, xuống mấy dòng lại thấy “con đường mòn dẫn lên VHĐ được xem là dễ nhất trong số nhưng cung đường của vườn quốc gia Bạch Mã.”. Đúng là còn tệ hơn cả sự nhầm lẫn nữa. Đây không thể gọi gì khác hơn là một sự tưởng tượng ngô nghê, xuyên tạc và vô cùng thiếu kiến thức của tác giả. Tuy thế, đó chỉ mới là một ít trong số rất nhiều thông tin tào lao của bài viết. Dân Huế và những ai biết về Bạch Mã đọc vào đều không thể nén được buồn cười xen cả sự phẫn nộ; còn người chưa biết mà đọc thì chắc chắn không tránh khỏi bị “đầu độc” về mặt kiến thức. Chưa kể bài viết còn được minh họa cùng nhiều bức ảnh của Bạch Mã, với những chú giải thiếu chính xác, thậm chí phản cảm. Như VHĐ do người Pháp xây, kiến trúc đậm nét châu Âu, nay bỏ hoang xuống cấp…. Thực tế lầu bát giác 2 tầng đang hiện hữu ở VHĐ là công trình mới được xây dựng (hoặc phục dựng (?)) sau này, còn trước đó, ít nhất là vào những năm 1990, khi đến đây chúng tôi không thấy một “biệt thự bỏ hoang” nào như bài viết mô tả cả. Lại nữa, khu vực mái của lầu bát giác trên VHĐ từ lâu đã có biển cấm không được leo trèo chụp ảnh bởi dễ mất an toàn thì vẫn được check-in và đưa vào minh họa cho bài viết, một sự khuyến khích rất phản cảm!

Cảnh nhìn từ Vọng Hải Đài-Bạch Mã.

Quả Đại hồng chung tại Vọng Hải Đài Bạch Mã ngân vang mỗi ngày với lòng thành của du khách thập phương, cầu cho thế giới hòa bình, quốc thái dân an. Và ai cũng muốn lưu lại một tấm hình kỷ niệm ở nơi này.

Báo Thể thao thì thôi… cũng đành, vì suy cho cùng là “ngoại đạo”. Nhưng trang Du lịch Việt Nam thì sao lại có thể dễ dãi như vậy được?

Giới thiệu, quảng bá cho điểm đến như thế thì công chúng và du khách rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”; chưa kể gây tổn thương cho du lịch và người dân xứ Huế. Chính vì vậy mà sau khi xuất hiện, bài viết đã làm dậy sóng dư luận và cộng đồng mạng. Sau đó không lâu, nó đã buộc phải “biến mất” không kèn không trống. Đó là một sự “sửa sai”? Có thể. Nhưng mà không nên và không thể lặng lẽ như thế.

Cần một sự đính chính và xin lỗi công khai với độc giả, với Huế, cũng như cần một sự xử lý thỏa đáng từ ngành Thông tin & Truyền thông, như một sự cảnh báo, nhắc nhở với câu chuyện viết lách, đăng tải.

Thừa Thiên Huế online