AN TOÀN NGUỒN HÀNG THIẾT YẾU VÀO CÁC VÙNG PHONG TỎA

Để hàng hoá đến tay người dân ở các vùng phong tỏa và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, Sở Công thương và các địa phương triển khai nhiều phương án, vừa cung ứng đủ hàng vừa tránh lây lan dịch bệnh.

Siêu thị Co.opMart Huế vận chuyển hàng thiết yếu phục vụ người dân

Thực hiện quy trình vận chuyển

Sau khi có quyết định thực hiện khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời đối với thôn Phước Hưng và thôn Phú Cường Xuyên, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) theo Chỉ thị số 16 và thực hiện giãn cách xã hội đối với xã Lộc Thủy theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, UBND huyện Phú Lộc lên phương án và triển khai quy trình vận chuyển hàng vào các khu giãn cách cho người dân.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Lộc, để đảm bảo sức khoẻ cho người dân cũng như tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phòng thực hiện quy trình vận chuyển hàng đến tay người dân đảm bảo các quy trình phòng dịch COVID-19. Trong đó, hàng hóa cung ứng từ bên ngoài được đặt tại điểm cố định, sau đó lực lượng làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ điểm cố định qua hàng rào chốt kiểm soát đến đặt tại bàn gỗ và người dân trong vùng phong tỏa nhận hàng hóa tại bàn gỗ nên người dân và lực lượng làm nhiệm vụ không tiếp xúc với nhau.

Đối với quy trình vận chuyển ra bên ngoài, người dân trong vùng phong tỏa sát khuẩn tiền, vật phẩm tại xô khử khuẩn, sau khi khử khuẩn, tiến hành đặt tiền, vật phẩm tại bàn cố định, lực lượng làm nhiệm vụ vận chuyển qua hàng rào chốt kiểm soát nên giữ khoảng cách an toàn giữa người giao, người nhận.

Hàng hoá thiết yếu tại thị trấn Phong Điền - nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ khá dồi dào

 Tại các địa phương như Phong Điền, Nam Đông, A Lưới, lượng hàng hoá cung ứng khá dồi dào và đảm bảo các quy trình phòng, chống dịch. Ngoài nguồn cung tại chỗ từ các cửa hàng tạp hoá, đại lý hay tiểu thương các chợ, các doanh nghiệp (DN) đã vận chuyển hàng thiết yếu đến các điểm phong tỏa hoặc vùng giãn cách để phục vụ bà con thông qua đội ngũ nhân viên đã tiêm vắc-xin và qua đội ngũ làm việc ở các chốt kiểm soát. 

Chị Hoàng Thị Cầm, thị trấn Phong Điền chia sẻ: “Do nhu cầu tiêu dùng không nhiều vì trong vườn đã có các loại rau củ quả, chỉ mua thêm một số thực phẩm thiết yếu, cá, thịt, trong khi lâu nay có một số tiểu thương thường tổ chức các điểm bán hàng lưu động nên khá thuận tiện. Hiện, mặc dù hạn chế ra ngoài theo Chỉ thị 15, song hàng hoá vẫn lưu thông bình thường, không thiếu và giá cả bình ổn”.

Không lo thiếu hàng

Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh, ông Nguyễn Minh Đông, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 song lượng hàng hoá luân chuyển từ các tỉnh, thành phố về Huế vẫn thông suốt, đảm bảo đủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường. Hiện, công ty đang lưu kho khoảng 23.000 thùng mỳ ăn liền, 78.000 lít dầu ăn và một số mặt hàng thiết yếu. Với đội xe 20 chiếc và lực lượng tài xế đã tiêm vắc-xin, công ty đang huy động lực lượng vận chuyển hàng đến các đại lý ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới phục vụ bà con.

Cũng như các đợt dịch COVID-19 trước đó, đợt dịch lần thứ 4 này, Sở Công thương đã lên phương án, phối hợp với các huyện bị phong tỏa, cách ly tạm thời đảm bảo nguồn hàng dự trữ tại các DN để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân ở các xã bị phong tỏa tạm thời do dịch COVID-19. Đồng thời, làm việc với một số Sở Công thương các tỉnh, thành phố cũng như các tập đoàn cung ứng hàng hóa lớn như: Co.opMart, Big C để cung ứng hàng hóa nhanh, kịp thời trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn cung trong tỉnh không đảm bảo. 

Giám đốc Sở Công thương cho rằng, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập tổ công tác hậu cần do các sở, ban ngành phụ trách nhằm phục vụ tốt các khu cách ly cũng như nhu cầu của bà con trong quá trình phòng, chống dịch, trong đó ngành công thương đảm bảo cung ứng hàng hoá thiết yếu đảm bảo đời sống cho bà con. Hiện, các địa phương thực hiện phong tỏa và giãn cách ưu tiên sử dụng hàng hoá tại chỗ vì lâu nay tại các địa phương đều có sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nhưng cũng tự đáp ứng một phần nhu cầu của bà con, phần còn lại do các chợ lớn và siêu thị cung cấp. Trong đó, chợ Phú Hậu là chợ đầu mối cung ứng hằng ngày về các địa phương với số lượng lớn nên nguồn hàng không thiếu.

Qua làm việc với các địa phương, hiện nguồn cung hàng hóa đến tay người dân các vùng phong tỏa, giãn cách khá dồi dào, thời gian tới, Sở Công thương chỉ đạo các DN bán lẻ quy mô lớn và siêu thị tiếp tục dự trữ hàng hoá, chuẩn bị sẵn phương tiện vận chuyển đưa hàng hoá thiết yếu về phục vụ người dân, song phải tuân thủ các biện pháp 5K + vắc-xin nhằm đảm bảo hàng hoá vẫn cung ứng đầy đủ, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thừa Thiên Huế online