"HẢO HẢO" BỊ ĐÁNH, AI SẼ HƯỞNG LỢI?



Từ ngày hôm qua, báo chí, các KOLs trên mạng liên tục đưa thông tin Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Acecook Việt Nam vì chứa chất Ethylene Oxide không được sử dụng trong thực phẩm ở Châu Âu.



Đặc điểm chung là tất cả các bản tin trên báo chí gần như là giống nhau, như thể cùng một…văn mẫu, không kiểm chứng, đúng như nhà báo Hoàng Hải Vân có nhận xét: "nó chứng tỏ có ai đó đã cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan truyền thông cùng một lúc, rồi báo này báo kia truy cập và diễn đạt theo cách khác nhau của mình, nhưng vẫn không khác nhau là mấy". Trong bối cảnh giãn cách xã hội, mỳ gói được tiêu thụ khổng lồ, việc lấy một thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được công bố công khai trên phương tiện truyền thông Châu Âu, thì mục đích không gì khác hơn là "đánh doanh nghiệp".

Vậy, Ethylene Oxide là gì?

Ethylene Oxide (EO) hay còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.

Nó được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella). Và quan trọng là chất này không bị cấm ở Việt Nam.

Sự thật thì, để bảo quản thực phẩm được an toàn trước vi sinh vật và nấm mốc, các doanh nghiệp dùng công nghệ đưa chất này sấy qua thực phẩm ở nhiệt độ thấp. Công nghệ hiện đại này đang được phép sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và không bị cấm. Tuy nhiên, tại EU, EO được xếp loại là một sản phẩm thuốc trừ sâu bị cấm. Việc sử dụng EO để khử trùng thực phẩm là không được phép; EO được phân loại trong nhóm 1B tương ứng về khả năng gây ung thư gây đột biến và độc tính sinh sản, và ở loại 3 về độc tính cấp tính

Thực tế, vẫn luôn sự khác biệt về định nghĩa và các tiêu chuẩn giữa các quốc gia với nhau, cho nên mới có chuyện sản phẩm “hợp pháp” ở quốc gia này, nhưng lại “bất hợp pháp” ở quốc gia khác. Đối với thức ăn sản xuất công nghiệp, mỗi quốc gia đều có đều bảo vệ người tiêu dùng bằng việc giới hạn hàm lượng chất phụ gia, trong đó hàm lượng quy định ở EU và Mỹ là nghiêm ngặt nhất. Nhưng việc cấm hay không cấm nó còn có sự thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào góc độ của từng nước. Không phải ngẫu nhiên Hảo Hảo được xuất khẩu sang rất nhiều nước khác nhau, cạnh tranh với mỳ bản địa nước ngoài.

Hảo Hảo của Vina Acecook vẫn được xem là "Vua" mì gói ở phân khúc trung cấp, ngôi vị mà nhiều doanh nghiệp mì khác thèm muốn mà bấy lâu nay chưa giành được. Nhìn cách đánh này của giới truyền thông, tôi lại nhớ đến vụ nước mắm nhiễm Asen, vụ bột canh Hải Châu.. Và lạ cái, các sản phẩm này lại cùng cạnh tranh với sản phẩm của một đại gia ngành thực phẩm. Hảo Hảo bị đánh, thì mì Kokomi, Omachi của ai đó sẽ hưởng lợi rất nhiều.

Lê Dung Anh