TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ THIỂU SỐ LẠC LÕNG THEO “GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT”

Phật giáo là một tôn giáo ngoại sinh du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên. Cho đến ngày nay, trong suốt hơn hai ngàn năm lịch sử, Phật giáo luôn đồng đồng hành với vận mệnh thăng trầm của dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phật giáo Việt Nam theo dòng chảy lịch sử dân tộc

Ban đầu Phật giáo truyền vào Việt Nam chủ yếu từ Ấn Độ; tuy nhiên sau đó, các nhà truyền giáo Trung Hoa dần thay thế các nhà truyền giáo Ấn Độ, kéo theo các phái thiền Trung Hoa du nhập. Mặc dù trong 10 thế kỷ đầu, đất nước ta bị xâm lược và đô hộ nhưng đạo Phật đã tạo được ảnh hưởng trong nhân dân và có những sự chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới khi đất nước độc lập, tự chủ.

Từ thế kỷ X trở đi là thời kỳ phát triển vàng son của Phật giáo Việt Nam. Dưới hai triều Đinh – Tiền Lê, Phật giáo đã được công nhận là tôn giáo chính của cả nước; triều Lý được xem là triều đại Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam; dưới triều Trần, Phật giáo Việt Nam đạt cực thịnh; từ triều Lê Sơ (thế kỷ XV) trở đi thì suy yếu dần, tuy nhiên với truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, Phật giáo vẫn giữ được gốc rễ sâu bền trong lòng nhân dân. Thời kỳ Nam – Bắc triều, Phật giáo khởi sắc trở lại nhưng không còn thịnh vượng như trước, và sau đó tiếp tục suy vi cho đến những năm ba mươi của thế kỷ XX mới phát triển trở lại bởi phong trào Chấn hưng Phật giáo (vừa mang ý nghĩa tôn giáo, vừa có ý nghĩa chính trị xã hội tích cực gắn với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc).

Đến năm 1954, khi đất nước bị chi cắt thì tình hình Phật giáo ở 02 miền cũng khác nhau. Ở miền Bắc, vào tháng 3/1958 đã thành lập “Hội Phật giáo Thống Nhất Việt Nam”, vừa hoạt động tôn giáo vừa hoạt động xã hội, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, ủng hộ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở miền Nam, tình hình Phật giáo có những diễn biến phức tạp, ra đời nhiều tổ chức, hệ phái, trong đó, phải kể đến “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” thành lập năm 1964 trên cơ sở tập hợp một số tổ chức hệ phái Phật giáo, nòng cốt là “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” phân rẽ thành hai phái là “Việt Nam Quốc tự” và “Ấn Quang”. Những năm 1970, phái “Ấn Quang” tiếp tục có những bất đồng nội bộ, phái “Việt Nam Quốc tự” cũng bị cô lập và tự tiêu vong vì có những hoạt động đi ngược lại nguyện vọng của tăng, ni, Phật tử.

Sau năm 1975, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất Phật giáo trong cả nước. Tháng 11/1981, Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo đã được long trọng tổ chức tại thủ đô Hà Nội với 165 đại biểu là tăng, ni, cư sĩ của 09 hệ phái Phật giáo trong cả nước, thống nhất lập ra “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” và thông qua Hiến chương, chương trình hành động của Giáo hội với đường hướng “Đ               ạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Có thể nói thống nhất Phật giáo là sự kiện cực kỳ quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam vì nó đáp ứng nguyện vọng tha thiết của tăng, ni phật tử trong cả nước;  đồng thời tạo điều kiện hơn bao giờ hết cho giới Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát triển, phát huy truyền thống gắn bó với dân tộc để “Hộ trì hoằng dương Phật pháp, phục vụ tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa, góp phần đem lại hòa bình, an lạc cho thế giới”. Có thể khẳng định, sự thống nhất của giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến nay là phù hợp với xu thế của thời đại, gắn liền với sự phát triển của dân tộc và đáp ứng nhu cầu của quần chúng tín đồ.

Những kẻ nhân danh Phật giáo để làm chính trị một cách lạc lõng

Tuy nhiên, đi ngược lại với tinh thần Phật giáo và xu thế phát triển tất yếu của Phật giáo tại Việt Nam, vẫn còn một bộ phận tu sỹ, tín đồ không ý thức được giá trị, tầm quan trọng của sự thống nhất; vẫn tìm cách chống phá, bóp méo lịch sử, kích động thù địch, đòi ly khai, khôi phục hoạt động của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Thậm chí, trong số họ còn có những hoạt động công kích, tranh giành ảnh hưởng với nhau, thật không xứng đáng là người con Phật! Những hành động đó không chỉ ảnh hưởng xấu đến bản thân chính họ và Phật giáo Việt Nam, mà còn có thể bị các thế lực ngoại bang, bọn cơ hội chính trị người Việt lợi dụng nhằm vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo, gây sức ép về chính sách và thực hiện các hoạt động khác ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia.

Hiện nay, những người có tư tưởng chống phá chế độ dưới danh xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” tập trung thành ba phe nhóm gồm: nhóm “Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” do ông Thích Chí Thắng đứng đầu; nhóm “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” do ông Lê Công Cầu đứng đầu; và nhóm “Bản thệ Tăng già” do ông Thích Thái Hòa đứng đầu. Các nhóm này những năm qua vẫn tìm đủ mọi cách lôi kéo Đạo hữu, đoàn sinh Gia đình Phật tử các địa phương, tập hợp số tăng, ni tụ tập vào các dịp lễ tại một vài chùa, đài tưởng niệm Thánh tử đạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế (và các tỉnh khác); cũng ghi hình, tung những hình ảnh hoạt động lên mạng xã hội nhằm khuếch trương cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” (và cũng không thiếu những bài viết, hình ảnh vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo). Mặc dù nhân danh đấu tranh cho Phật giáo Việt Nam, các nhóm này luôn nghi kỵ, tìm cách hạ uy tín lẫn nhau vì lo sợ rằng nếu một phe nhóm dành được nhiều tầm ảnh hưởng hơn thì họ sẽ mất quyền lợi.

Những hoạt động đi ngược lại với truyền thống Phật giáo ấy thực ra lại không khó hiểu đối với người dân, bởi vì nhiều nhân vật trong các nhóm này đều có thành tích “bất hảo” như: có tiền án, tiền sự, vi phạm đạo đức, chuẩn mực của người tu hành (Thích Quảng Độ, Thích Không Tánh, Thích Chí Thắng…). Thử hỏi, những người nhân danh tu sỹ Phật giáo, huynh trưởng Gia đình Phật tử mà lợi dụng Phật giáo để làm chính trị, trục lợi cá nhân thì làm sao có thể lãnh đạo quần chúng tín đồ?

Cố đô Huế được xem là trung tâm Phật giáo của miền Trung. Hiện nay, ngoài thành phố Huế, tại các địa phương khác trong tỉnh như thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang…, các nhóm theo “Phật giáo Việt Nam thống nhất” vẫn tìm mọi cách tồn tại và hoạt động (dù lay lắt), kể cả những cách thức thật gian manh. Điển hình là các nhóm này có liên kết chặt chẽ với các nhóm ở hải ngoại, lâu lâu lại tổ chức vài sự kiện kiểu “tiệc chay gây quỹ” để huy động tiền bạc (còn dùng vào mục đích cụ thể gì thì không thấy giải trình công khai cho Đạo hữu, Phật tử được biết). Trong nước, bất kể dịp gì có hoạt động từ thiện (hỗ trợ bão lũ, thiên tai, dịch bệnh…) các vị ấy cũng vỗ ngực xưng tên “Phật giáo Việt Nam thống nhất”, làm như không có cái danh xưng ấy thì không còn là hoạt động từ thiện nữa. Trên đời, không thiếu người đem của cải, thậm chí là thân mình cứu giúp người khác trong hoạn nạn mà không cần ai biết đến, đó chính là thiện lương trong sáng. Chỉ có những kẻ háo danh hoặc vì một mục đích cá nhân mờ ám nào đó mới nhất quyết đòi người khác phải biết đến mình. Bởi vậy mà ông Thích Minh Quang trú trì chùa Long Quang ở Hương Trà ngày một mất dần uy tín vì cứ mãi để ông Lê Công Cầu giật dây, và thu, chi tài chính không minh bạch; Ông Thích Chí Thắng lại xảy ra mâu thuẫn với các ông Thích Viên Định và Thích Không Tánh cũng chỉ vì vấn đề chi tiêu và cơ cấu nhân sự thủ quỹ “Tăng đoàn”. Chắc có lẽ đối với các ông, tiền bạc luôn quan trọng hơn tình đoàn kết và sự nghiệp tu hành.

Một điển hình nữa là tại huyện Phú Vang, nơi Phật giáo có lịch sử phát triển lâu đời và là một trong hai tôn giáo chính, có đến hơn 50 chùa, Niệm Phật đường đang hoạt động, do các tăng, ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam trú trì và các Ban hộ tự, Ban điều hành làng quản lý; dân cư sinh hoạt theo Phật giáo có đến gần 35.000 người – đều là những Phật tử thuần thành, những công dân lương thiện; GĐPT hoạt động tích cực, thường xuyên tổ chức những phong trào sôi nổi cho trẻ em, thanh, thiếu niên, được người dân và chính quyền ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những gương mặt già nua tìm cách cựa quậy và hô hào chống đối một cách lạc lõng, hời hợt như các ông Ngô Đức Tiến, Nguyễn Văn Quý, Văn Tiến Nhị, Nguyễn Dũng Chinh… Các ông ấy dù có già yếu, ốm đau bệnh tật, con cháu khuyên can hết lời cũng bỏ ngoài tai, phải cố bám lấy cái danh hão; xem ra còn chấp ngã, tham, sân, si bằng mấy người đời. Dĩ nhiên cũng cần nói rõ thêm rằng hành động của những người này không hề nhận được sự ủng hộ nào từ người dân và Đạo hữu, Phật tử địa phương; hơn thế, trong một thời gian dài, một số người còn bị xa lánh bởi lối hành xử ngang tàng của họ.

Không rõ, những người này có nhận thức được việc mình làm hay không? Họ có thấy xấu hổ với làng xóm, dòng tộc và chính họ hay không? Hay còn những mục đích mờ ám khác họ đang che dấu. Dù sao đi nữa, thật đáng buồn và đáng giận!

Phật tử Đ.P.V