THỰC HƯ VỀ VIỆC SAMSUNG "RỜI BỎ" VIỆT NAM

Trên Tiktok ít ngày nay rầm rộ câu chuyện Samsung đang dần rời bỏ Việt Nam để tiến đến Ấn Độ. Thậm chí từ khóa tìm kiếm về vấn đề này còn lên xu hướng tìm kiếm trên Tiktok tại Việt Nam, đạt cả triệu lượt xem. Nhiều Tiktoker còn "nhận định" rằng Samsung rời Việt Nam là vì Việt Nam thân Trung Quốc, Nga hơn các nước tư bản phương Tây hoặc thân phương Tây sẽ đồng loạt rút khỏi Việt Nam.

Các cụ có câu: "Tin cái gì lại đi tin mấy đứa Tiktoker"

Thực ra, kế hoạch cắt giảm sản lượng điện thoại, đặc biệt là dòng điện thoại S23 của Samsung tại các nhà máy ở Việt Nam đã có từ nửa năm trước và mục đích của việc này nhằm đa dạng hóa nhà cung cấp, tránh "bỏ trứng vào một giỏ" khi phụ thuộc toàn bộ vào các nhà máy ở Việt Nam. Tương tự như câu chuyện tháng 4, 5/2021 khi đại dịch bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang khiến các nhà máy Samsung gặp khó khăn, Samsung nhận ra rằng cần phải "đa dạng các nhà máy" để đề phòng khó khăn có thể diễn ra trong tương lai. Đây là động thái hết sức bình thường.

Ngoài ra, do liên quan đến các đơn đặt hàng từ Apple bị giảm và xu thế suy thoái toàn cầu nên các nhà máy Samsung sẽ tiến hành cắt giảm đi nhân sự. Các đối thủ của Samsung như Foxconn, BOE, Luxshare… lại đang tăng cường đầu tư tại Việt Nam và mở rộng nhà máy. Nói chung, đây là hoạt động kinh tế cạnh tranh bình thường của doanh nghiệp.

Samsung sẽ điều chỉnh sản lượng điện thoại ở các nhà máy Việt Nam nhưng lại cam kết đầu tư gia tăng vào các mảng điện máy, bán dẫn, chip và R&D…. Cuối năm 2022 vừa qua, Samsung vừa khánh thành trung tâm R&D lớn nhất châu Á tại Việt Nam trị giá 300 triệu USD và đón làn sóng kỹ sư chất lượng cao sang Việt Nam làm việc. Và bản thân Samsung vẫn đang tăng cường đầu tư thêm vào Việt Nam lên tới 22 tỷ USD cho đến cuối năm nay.

Ngoài ra, lý do Samsung dịch chuyển dần một bộ phận sản xuất sang Ấn Độ là vì chi phí nhân công của Việt Nam đang tăng, mặt bằng lương và thu nhập của Việt Nam đang vươn lên. Cách đây hơn chục năm, Việt Nam đánh bại Thái Lan, đón được Samsung về Việt Nam một phần là vì thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan. Hiện nay, thu nhập bình quân của Ấn Độ chỉ bằng gần 2/3 so với Việt Nam nên việc Samsung dịch chuyển để tối ưu chi phí là việc bình thường.

Việt Nam thân Trung Quốc, Nga còn chưa chắc đã bằng Ấn Độ thân với hai quốc gia trên. Thậm chí, Ấn Độ còn nhiều lần bị phương Tây “điểm mặt thẳng” và chỉ tên vì quan hệ quá gần gũi với Nga và đang cải thiện nhiều quan hệ với Trung Quốc. Chính trị thế giới là phức tạp nhưng làm ăn vẫn phải là làm ăn, lợi nhuận mang lại vẫn là cốt lõi, lợi ích kinh tế vẫn là tối thượng. Bản thân Việt Nam vẫn mang lại rất nhiều các lợi ích cho các doanh nghiệp phương Tây và họ cũng cần Việt Nam.

Cần nhớ rằng, Việt Nam vừa mới nâng cấp quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" với Hàn Quốc và trong vòng 5 năm tới, rất có thể Nhật Bản sẽ trở thành "đối tác chiến lược toàn diện" tiếp theo. Đây cũng là hai quốc gia nằm trong danh sách 5 quốc gia đầu tư rất nhiều vào Việt Nam.

Nhìn đi cũng nhìn lại, việc Samsung dịch chuyển một phần đi thực ra cũng là một điều đáng khích lệ nho nhỏ với Việt Nam, cho thấy bình quân thu nhập của người lao động Việt Nam đã tăng cao, cuộc sống đã khấm khá hơn. Lao động giá rẻ là một điểm lợi thế, nhưng dựa mãi vào lợi thế này thì chúng ta mãi chỉ đi làm thuê và hưởng những lợi ích không hề cao.

Một quốc gia sợ hãi chỉ vì một doanh nghiệp rời đi, thì đất nước đó không thể lớn được.