PHÒNG CHỐNG CĂN BỆNH “A DUA, PHỤ HỌA”

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, những luồng thông tin xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực phản động ngày càng được thể hiện với nhiều hình thức tinh vi và tần suất thường xuyên, liên tục hơn.

Các lực lượng này triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị, các vấn đề nhạy cảm trong đời sống kinh tế - xã hội, như: đất đai, công tác cán bộ, về phòng chống tham nhũng, tiêu cực… để  phân hóa, chia rẽ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sai lệch, hoài nghi, thiếu niềm tin vào bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ CNXH của Việt Nam. Đặc biệt, trước thời điểm diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước như đại hội đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các ngày lễ kỷ niệm hoặc khi các cơ quan chức năng lấy ý kiến về các dự thảo luật… thì các thế lực thù địch cùng những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị gia tăng các hoạt động tuyên truyền kích động, xuyên tạc, chống phá một cách quyết liệt.

Thời điểm trước khi diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trên nhiều trang mạng xã hội, các đối tượng phản động tung ra những thông tin thù địch, tiêu cực: bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức; quyền lực trong Quốc hội đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”... Trước khi Luật An ninh mạng năm 2018 được thông qua, một số đối tượng chống đối đã xuyên tạc với những luận điệu, như: Luật An ninh mạng “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”. Gần đây, giữa lúc các bộ, ngành tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, lực lượng phản động thường xuyên bới móc các vụ việc tiêu cực liên quan đến đất đai, tung ra những thông tin không được kiểm chứng, quy chụp, suy diễn các vụ việc liên quan đến chủ trương, chính sách đất đai của Đảng, Nhà nước để gây hoang mang dư luận. Mũi nhọn công kích được các lực lượng này hướng vào là những bất cập, hạn chế liên quan đến lĩnh vực đất đai; bóp méo sự thật, phủ nhận những kết quả đã đạt, thổi phồng những sai phạm trong lĩnh vực đất đai để kích động sự mâu thuẫn trong xã hội. Cùng một thủ đoạn, trong lúc cả nước đoàn kết một lòng chung tay chống dịch Covid-19 thì đã xuất hiện những tiếng nói lạc lõng gây chia rẽ vùng miền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chiến lược “Ngoại giao vắc xin”, chủ trương thành lập “Quỹ vắc xin” của Việt Nam…

Đáng tiếc rằng, những thông tin lệch lạc, sai trái đó vẫn được một số người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cổ xúy, chia sẻ trên mạng xã hội. Hiện tượng a dua, phụ họa theo những quan điểm lệch lạc, sai trái núp dưới cái mũ “tiến bộ, đổi mới” đã và đang xuất hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Những người a dua, phụ họa theo những quan điểm lệch lạc, sai trái có hai dạng: Một là do vô tình, thiếu hiểu biết; hai là bị kích động, bất mãn, do cơ hội chính trị mà phụ họa theo. Hiện tượng a dua, phụ họa ban đầu có thể do vô tình, nhận thức hạn chế nhưng lại có thể dẫn đến những tác hại khôn lường. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã xác định trong 09 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị có việc: “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”. Và từ việc a dua, phụ họa này, không ít người sẽ bị lợi dụng, dẫn đến những sai trái nghiêm trọng hơn.

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tổ chức vào ngày 9/12/2021, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết giai đoạn 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có dấu hiệu “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật. Trong đó có 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống; 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị; 1.722 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến”, ”tự chuyển hóa”.

Thực tế trên cho thấy cần thiết phải triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này. Trong những năm qua, các văn bản, quy định của Đảng, cùng hệ thống pháp luật của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ hơn, qua đó, đã góp phần phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến an ninh quốc gia trên không gian mạng. Có thể kể đến là Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm… Ngày 6/7/2022  Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm (thay thế cho Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017). Trong đó Điều 25 quy định việc đảng viên “Im lặng, phụ hoạ theo quan điểm trái chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ trương, quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá và trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch” sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách. Hoặc “Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế” sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức; “Tác động, lôi kéo, định hướng dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng” bị khai trừ Đảng.

Những quy định này trong thời gian tới cần được thực thi nghiêm minh, kiên quyết hơn nữa cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Không để bị lợi dụng mà a dua, phụ họa truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch, phản động. Mặt khác, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cấp ủy cần nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, định hướng, theo dõi, nhắc nhở cán bộ, đảng viên về những nguyên tắc cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên tích cực nghiên cứu và tuân thủ nghiêm túc các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước khi tham gia mạng xã hội, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, tổ chức nếu sai phạm trong quá trình tham gia. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thể hiện tư tưởng, thái độ, quan điểm khi chia sẻ, bình luận, đăng tải thông tin trên mạng xã hội, góp phần lan tỏa những thông tin chính xác, tích cực trong nhân dân.

          Hà Tiên