KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC QUYỀN CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM

Các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc thiểu số (DTTS) để chống phá cách mạng nước ta, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, chúng lợi dụng các quan hệ dân tộc xuyên biên giới của đồng bào DTTS, sự phổ cập của công nghệ thông tin để chính trị hóa vấn đề nhân quyền, cổ vũ cực đoan cho các quyền dân sự, chính trị, như: tự do lập hội, hội họp, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tình; xuyên tạc quyền dân tộc tự quyết, kích động chủ nghĩa ly khai, thù địch, bạo lực, v.v. Song, dù họ có cố gắng thế nào cũng không thể xuyên tạc quyền của đồng bào DTTS ở nước ta.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất của 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS với 14,119 triệu người, 3,6 triệu hộ [1], cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng.

Nhận thức rõ vai trò to lớn của cộng đồng các DTTS ở Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta luôn có chủ trương, chính sách bảo đảm, thúc đẩy quyền của các DTTS.

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam dành riêng chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của DTTS với các quy định về bảo đảm quyền cho đồng bào DTTS, 05 điều hiến định về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng DTTS và miền núi (&MN).

Quyền của người DTTS còn được thể chế hóa ở nhiều văn bản pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ năm 2013-2019, trong 53 văn bản Luật có các điều khoản quy định đảm bảo quyền của người DTTS, có 12 Luật mới ban hành từ năm 2012. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc là biểu hiện việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là biểu hiện việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam. Người DTTS được hưởng toàn bộ các quyền con người, quyền công dân Việt Nam, ngoài ra còn được hưởng những quyền ưu tiên đặc thù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Điều 42, khoản 1 Điều 58, khoản 1 Điều 60, khoản 3 Điều 61, khoản 2 và 3 Điều 75 Hiến pháp năm 2013 đều đề cập đến quyền của người DTTS. Cùng với đó, Nhà nước đã ban hành các chính sách bảo đảm các quyền con người cho người DTTS. Đến năm 2019, có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS và vùng DTTS, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS, được phân chia thành 3 nhóm cơ bản: (1) Nhóm chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; (2) Nhóm chính sách phát triển KTXH theo vùng; (3) Nhóm chính sách phát triển KTXH theo ngành, lĩnh vực cụ thể. Các chính sách cho đồng bào DTTS hiện nay khá đầy đủ, toàn diện, đa lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng DTTS&MN, như: Đề án “Phát triển KTXH vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS&MN giai đoạn 2017-2020; Đề án hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025, v.v.

Đặc biệt, Quốc hội thông qua Đề án tổng thể (Nghị quyết số 88/2019/QH14) và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14). Thông qua đó nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất quyền của người DTTS trong tình hình mới. Để phục vụ cho việc tổ chức triển khai thực hiện CTMTQG DTTS, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định, 09 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 Quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương và 216 văn bản chỉ đạo điều hành chung có liên quan của các bộ, ngành và địa phương trong công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện.

Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc hoặc kích động thù hằn dân tộc, như: Điều 116 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội danh “Tội phá hoại chính sách đoàn kết” đã bổ sung, tội phạm hóa hành vi gây ly khai dân tộc (điểm b khoản 1), hành vi chia rẽ giữa người theo các tôn giáo khác nhau (điểm c khoản 1) và nâng mức hình phạt tối thiểu từ 05 năm lên 07 năm.

Việt Nam cũng nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử (PBĐX) với các quy định mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để PBĐX (Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015); cán bộ công chức, viên chức không được PBĐX về dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức (Điều 18 Luật Cán bộ công chức năm 2008 và Điều 19 Luật Viên chức năm 2010); người lao động có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị PBĐX, nghiêm cấm PBĐX trong lao động (Điều 5 và Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019); phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với hành vi PBĐX về giới tính, dân tộc, màu da trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động (Nghị định 88/2015/NĐ-CP).

Việt Nam thực hiện các cam kết cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của người DTTS. Đồng thời, có các biện pháp đảm bảo cho người DTTS không phải chịu bất cứ hành động phân biệt chủng tộc vi phạm các quyền con người và tự do cơ bản của họ, cũng như quyền được khắc phục và bồi thường xứng đáng cho những thiệt hại do hành vi phân biệt chủng tộc đó gây ra.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật và không bị PBĐX, quy định này được cụ thể hóa tại nhiều văn bản pháp luật, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Thi hành án hình sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Trợ giúp pháp lý,… thể hiện rõ nguyên tắc coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của mọi chính sách phát triển đất nước. Qua đó, việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người được thể hiện xuyên suốt trong chiến lược cải cách tư pháp, bao gồm: nghiêm cấm tra tấn, bức cung, nhục hình, PBĐX hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm thân thể, tình trạng, sức khỏe, bảo đảm quyền con người, quyền không bị hạn chế của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân tại các cơ sở giam giữ.

Để đảm bảo quyền bình đẳng trong tố tụng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4); bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự (Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định trong tố tụng hành chính, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội; mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính trước Tòa án.

Với những nỗ lực trên làm cho niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, đi vào chiều sâu và nâng tầm cao mới. Đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc hơn, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra các “điểm nóng”, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng. Kết quả đó đã khẳng định không thể xuyên tạc quyền của DTTS ở Việt Nam./.