KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Đầu năm 2024, Bộ Ngoại giao Mỹ lại đưa ra báo cáo nhân quyền, tự do tôn giáo các nước trên thế giới, đồng thời đề nghị đưa Việt Nam vào cái gọi là “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”, ngay lập tức báo, đài thiếu thiện chí như Đài RFA, VOA và tổ chức khủng bố Việt Tân… nhanh chóng “tiếp sóng”, phụ họa xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, dù không có thông tin gì mới ngoài những dẫn chứng thiếu căn cứ nhằm chỉ trích về tự do tôn giáo ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ với những viện dẫn và đánh giá khiên cưỡng, thiếu kiểm chứng, không khách quan. Những nội dung tiếp tục chỉ trích bằng những ngôn từ tiêu cực như “đàn áp”, “tấn công”, “vi phạm”, “đánh đập”, “bắt bớ”…khiến cho bức tranh tôn giáo ở Việt Nam “ngột ngạt”, “xa lạ”?

Đánh giá thiếu khách quan

Hàng năm, Việt Nam thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm để làm rõ hơn về đời sống và chính sách của nhà nước đối với tôn giáo, phía Mỹ cử các đoàn đến dự, làm việc và được tiếp xúc với các chức sắc, tín đồ, theo dõi, quan sát, nắm thêm về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, những hoạt động song phương đó phù hợp với tinh thần đối thoại, hợp tác giữa 2 nước. Đáng tiếc là Mỹ thường cử phái đoàn đến tiếp xúc với chức sắc, tín đồ tôn giáo có những hoạt động vi phạm pháp luật, hội nhóm chưa được công nhận hoặc các “đại diện” thường xuyên cung cấp tình hình sai sự thật, có tính chống đối. Những tổ chức được Mỹ “quan tâm” như: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Tin lành Đấng Christ các dân tộc Việt Nam”, “nhóm Cao Đài, Hòa Hảo độc lập”… Thậm chí, người lợi dụng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo như Lê Tùng Vân của “Thiền am bên bờ vũ trụ” ở Long an cũng được xem là “nhân vật” cần “quan tâm, bảo vệ ”.  

Mặt khác, họ lên tiếng bảo vệ “quyền hoạt động tôn giáo” của những cá nhân vi phạm pháp luật như: Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, Thích Không Tánh, Thích Tuệ Sỹ... bênh vực cho các nhóm tà đạo bất hợp pháp như: Hội thánh Đức chúa trời, Tân Thiên Địa, Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên, Pháp Luân công, Tổ chức Dương Văn Mình”... Việt Nam nhiều lần tuyên bố, khẳng định không nhắm vào xử lý những chức sắc, tín đồ mà là đối tượng vi phạm pháp luật theo nguyên tắc mọi người dân đều bình đẳng, không thể lấy vỏ bọc tôn giáo để làm trái pháp luật. Những dẫn chứng, nhận định nêu trên của Bộ Ngoại giao Mỹ là bóp méo sự thật và xuyên tạc chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo đã đi ngược lại Hiến chương của Liên Hợp uốc, phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam khi đã tham gia vào “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận

 Giữa Việt Nam và Mỹ có những khác biệt cơ bản theo luật và góc nhìn tiếp cận về tôn giáo, quản lý tôn giáo. Mỹ không có luật về tôn giáo, nhưng tất cả các hoạt động liên quan tôn giáo đều phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của luật dân sự, quản lý hoạt động theo từng tiểu bang, các tổ chức tôn giáo muốn hoạt động đều phải đăng ký và phải đảm bảo những điều kiện nhất định, như vậy, quyền tự do và hoạt động tôn giáo là có giới hạn, tùy thuộc vào luật pháp của mỗi nước. Cho nên, không thể đem luật và cách thức quản lý tôn giáo ở một quốc gia áp dụng cho quốc gia khác, không thể đem tiêu chuẩn về “tự do” ở nước này để đánh giá nước khác theo tiêu chí của mình.

 Những hoạt động của tín đồ, chức sắc tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được nâng cao, có những bước chuyển biến rõ nét và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam 2 lần trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu bầu cao cho thấy sự tín nhiệm của các nước trên thế giới với đánh giá về bảo đảm nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng. Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công 3 lần Đại lễ VESAK của Liên hợp quốc cho thấy sự quan tâm về hoạt động tôn giáo nói chung. Việt Nam đã công bố Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giao ở Việt Nam”, từng bước minh bạch quan điểm, chính sách và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Ở Việt Nam, vấn đề đoàn kết tôn giáo, bao gồm giữa những người theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa các tôn giáo khác nhau. Xu hướng đời sống và hoạt động tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” diễn ra trên thực tế. Không khí gắn kết Nhà nước với tôn giáo ngày càng xích gần với: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” ; “Nước vinh, đạo sáng” của Cao Đài… Hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam ngày càng phát triển; các cơ sở thờ tự tôn giáo khang trang; chức sắc, nhà tu hành được tạo mọi điều kiện hoạt động theo tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật.

Những nội dung đã nêu đã phản bác mạnh mẽ đối với những luận điệu xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam của Mỹ - một nước tự cho mình được quyền phán xét quốc gia khác.

NGUYỄN PHƯỚC AN