KHÔNG CÓ CHUYỆN CHÍNH PHỦ “LỜ ĐI” VÙNG HẠN MẶN

Trong những tháng gần đây, nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối mặt với đợt hạn mặn nghiêm trọng, khiến hàng vạn hộ gia đình rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Nắm bắt cơ hội đó, nhiều nhóm chống cộng tại hải ngoại đã tập trung tuyên truyền rằng đợt hạn mặn đang diễn ra chỉ xuất phát từ lỗi của chế độ, nhằm kích động người dân địa phương.

Chẳng hạn, trong những bài viết được đăng tải vào tuần đầu tháng 4, fanpage của Việt Tân đã tuyên truyền rằng miền Tây sông nước mà lại đâm ra thiếu nước là tại “cộng sản quản lý”, và rằng chính phủ đã không có bất cứ động thái cứu trợ nào, chỉ “để mặc dân tự giúp nhau”. Sự thiếu bằng chứng và phản khoa học của những bài đăng này cho thấy Việt Tân, cũng như nhiều nhóm chống cộng tương tự, đã không hề theo dõi diễn biến thực tế của đợt hạn mặn, và cũng không hiểu hay biết cách ứng phó với những nguy cơ thiên tai mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Trước hết, Việt Tân có đưa ra được bằng chứng nào cho thấy sự quản lý của chính phủ là nguyên nhân chính gây hạn mặn hay không? Họ chỉ nói suông, chứ không hề đưa ra được bằng chứng. Trong khi đó, cách lý giải của họ không hề ăn khớp với góc nhìn của các chuyên gia. Chẳng hạn, theo ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thì đợt hạn mặn hiện nay xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Trước hết là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khiến từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực ĐBSCL hầu như không mưa (hụt chuẩn từ 60 – 95%), lại phải trải qua những đợt nắng nóng kéo dài làm bốc hơi một lượng lớn nước trữ trong các kênh, sông, hồ, đồng ruộng. Nguyên nhân thứ hai là hoạt động của các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong (vốn nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam), khiến lượng nước đổ về vào tháng 3 thấp hơn những 20% so với mức trung bình cùng kỳ năm ngoái. Những phân tích này của ông Đại được chứng minh bằng số liệu thu thập hằng ngày, và hoàn toàn phù hợp với nhận định của các tổ chức quốc tế đang quan tâm tới vấn đề tài nguyên nước sông Mekong. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận một ảnh hưởng lâu dài từ biến đổi khí hậu toàn cầu: theo số liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), từ thập nên 90 của thế kỷ trước đến nay, mực nước biển đã dâng cao thêm 10 cm. Trong khi đó, hầu hết diện tích của ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 2 mét, khiến khu vực này rất dễ hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nước biển dâng. Một nghiên cứu vào năm 2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã cảnh báo rằng nếu các nước trong khu vực vẫn duy trì tốc độ khai thác thuỷ điện, khai thác nước ngầm và cát sông một cách bừa bãi như hiện nay, thì vào năm 2100, khoảng 90% diện tích ĐBSCL sẽ chìm dưới mực nước biển.

Chính phủ Việt Nam có thể quản lý hoạt động khai thác thuỷ điện, khai thác cát và khai thác nước ngầm tại Việt Nam, chứ không thể quản lý những việc tương tự diễn ra ở nước ngoài. Thêm nữa, một mình Việt Nam cũng không thể “quản lý” được El Nino hay đợt biến đổi khí hậu toàn cầu làm dâng nước biển. Như vậy, cái nhìn của Việt Tân là phản khoa học, mang tính quy chụp để đổ lỗi hơn là tìm hiểu nghiêm túc nhằm giải quyết vấn đề. Và nó thể hiện sự vô trách nhiệm của tổ chức này, vì những thông tin vừa nêu đều đã được báo chí đăng tải một cách rộng rãi.

Tương tự, Việt Tân cũng vờ như không thấy tất cả những nỗ lực chính thức của chính phủ để hỗ trợ cho người dân. Từ ngày 01/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương, các công ty nước và công ty thuỷ điện nhanh chóng hành động chống hạn mặn. Ngày 06/04, tỉnh Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Những quyết định quản lý ở cấp quốc gia và cấp địa phương này đã cung cấp cơ sở để các bên liên quan cung tiến hành các hoạt động cứu trợ.

Chẳng hạn, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã mở 60 vòi nước công cộng miễn phí cho người dân đến lấy nước sinh hoạt. Cty CP Cấp thoát nước Bến Tre cho biết, đơn vị huy động máy bơm dã chiến công suất 300.000 m3/ngày tại đập tạm Thành Triệu (Châu Thành), để bơm nước ngọt vào khu vực kênh rạch phục vụ sản xuất và nguồn nước cho nhà máy xử lý phục vụ sinh hoạt. Còn Cty CP cấp nước sinh hoạt Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, đã lập các điểm cấp nước ngọt miễn phí cho dân tại những vùng nhiễm mặn bằng xe bồn. Tương tự, từ ngày 22/03, phường Mỹ Đức (TP Hà Tiên) đã phối hợp với Xí nghiệp Điện nước TP Hà Tiên tổ chức ba bồn chứa nước để cấp nước công cộng cho người dân. Những ví dụ này cho thấy nỗ lực cứu trợ đã đến một cách đồng bộ từ cấp quản lý cao nhất cho đến thấp nhất. Vài xe nước từ thiện của các doanh nghiệp, mà Việt Tân mô tả bằng cụm từ “dân giúp dân”, thực ra chỉ cung cấp một sự hỗ trợ không đáng kể so với hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Khi bỏ qua hành động cứu trợ của chính phủ, để chỉ ghi nhận các hoạt động từ thiện tư nhân, Việt Tân đã thực hiện một kiểu tuyên truyền thiên lệch và gian dối.

Còn Việt Tân, họ giúp ích gì cho người dân miền Tây đang bị hạn mặn? Trong thực tế, sự thiếu hiểu biết của họ khiến họ phá hoại nhiều hơn là giúp ích. Chẳng hạn, mới đây, họ đã phản đối đề xuất thu phí khai thác tài nguyên nước ngầm, trong khi tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây hạn mặn ở Tp.HCM. Trong các tình huống thiên tai, Việt Tân đã hiện nguyên hình là một tổ chức chỉ biết phá hoại chứ không biết xây dựng đất nước.