HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA NHÂN DÂN

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, nhiều loại hình tín ngưỡng, để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của các tầng lớp nhân dân, thực hiện đoàn kết dân tộc  Đảng và Nhà nước ta đang hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.

Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tô giáo;… thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc…”. Trong những năm qua, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có điều kiện phát triển, tính đến nay, cả nước có hơn 26.5 triệu tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau (tăng hơn 57.000 người so với năm 2020), chiếm 27% dân số cả nước. Có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động với gần 60.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30,000 cơ sở thờ tự. Trong đó có thể kể đến địa bàn Tây Nguyên với khoản 580.000 tín đồ đạo Tin Lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin Lành đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 nhóm được chính quyền cấp phép sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Chính quyền các cấp còn tạo điều kiện cấp đất đai cho các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự, hoạt động như Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 cho Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh kinh thần học; Đăk Lăk giao hơn 11.000 m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuộc; tỉnh Quảng Trị đã giao thêm 15ha đất cho Giáo xứ La Vang. Trong mọi hoạt động xã hội đều ưu tiên cho đối tượng là chức sắc, tín đồ các tôn giáo như tiêm vắc xin phòng, ngừa Covid-19, cấp phát căn cước công dân gắn chíp vừa qua,… Uy tín của Việt Nam và các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được củng cố và nâng cao, nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo mang tầm cỡ quốc tế được tổ chức tại Việt Nam như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak, lễ kỷ niệm 100 năm Đạo Tin lành đến Việt Nam, Tổng hội Dòng Đa Min thế giới tổ chức tại Đồng Nai,… các kinh sách, tài kiệu tu tập được xuất bản bằng các thứ tiếng trong và ngoài nước; hơn 62.000 người là chức sắc, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam là đại biểu Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp khóa 2021 – 2026.

Để tạo điều kiện cho các tôn giáo, tín ngưỡng phát triển, nhiều văn bản pháp luật liên quan đã được ban hành và đi vào đời sống một cách có ý nghĩa theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Đặc biệt Luật tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành vào năm 2016 đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền, nghĩa vụ của công dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam đảm bảo phù hợp với các công ước quốc té về tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà ta đã tham gia, được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia góp ý tại các dự thảo. Nhiều quy định trong quản lý tôn giáo, tín ngưỡng đã được thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng như đến nay, điều kiện để công nhận một tổ chức tôn giáo từ 23 năm xuống chỉ còn 5 năm, Nhà nước cũng đã có quy định rõ ràng về pháp nhân phi thương mại của các tổ chức tôn giáo,…

Hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước là nhằm đảm bảo thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân để quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam thực sự được tôn trọng và bảo đảm hoạt động ngày càng tốt hơn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đồng thời đã phủ định, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng chống đối trong và ngoài nước về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

TÂM AN