HÀ SĨ PHU “NÉM ĐÁ VÀO NÚI”

Bám vào sự kiện chiến tranh biên giới năm 1979, Hà Sĩ Phu (HSP) vừa tung bài “Không được quên ngày 17/2”. Bài viết dài loằng ngoằng, nhưng vẫn chỉ là thủ đoạn xuyên tạc trắng trợn và cũ rích.

Tỷ như HSP dám hạ bút rằng: “Hãy nhìn lại suốt quá trình sẽ thấy quan điểm của ĐCSVN về chủ quyền đất nước trước sự xâm lăng của Trung Quốc là rất nhất quán. Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng (tất nhiên dưới sự chỉ đạo của HCM) đã phủ nhận chủ quyền của VN trên các biển đảo, và công nhận các đảo ấy thuộc chủ quyền Trung Quốc…”.

Làm như mình là kẻ trượng phu, cao giọng quát nạt, hò hét người khác không được quên lịch sử, nhưng với việc làm đó, HSP lộ nguyên hình như một kẻ mù lòa về lịch sử dân tộc. Nếu không phải thế, y đã không làm cái việc tày đình, phụ họa, tiếp tay cho luận điệu của “Tàu cộng” cố tình giải thích xuyên tạc lịch sử khi dẫn chiếu đến Công thư do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958  nhằm biện minh cho yêu sách của họ đối với quần đảo Hoàng Sa.

Liên quan vấn đề này, nhà nước Việt Nam, giới nghiên cứu Việt Nam và quốc tế đã bác bỏ một cách thuyết phục rằng: Công thư không hề đề cập vấn đề chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Văn bản này chỉ liên quan đến vấn đề quyền trên biển, không phải các vấn đề lãnh thổ. Trong giai đoạn lịch sử đó, Việt Nam bị chia cắt. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới quyền quản lý của Việt Nam Cộng hoà trong việc thực thi các hoạt động khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này…

Nhiều người chưa quên, tại cuộc họp báo quốc tế ngày 23/5/2014 – thời điểm vụ Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đang nóng bỏng, cánh nhà báo nước ngoài hầu hết phải gật gù chịu là thuyết phục trước tài liệu do các cơ quan chức năng Việt Nam công bố. Theo đó, ngày 24/9/1975, trong trao đổi với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo và hai bên “có thể bàn bạc với nhau”. Sự thừa nhận còn ghi lại trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/05/1988 đăng công khai trên Nhân dân Nhật Báo (cơ quan của Đảng CSTQ). Năm 1958, ông Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nên hiểu rất rõ về vấn đề quần đảo Hoàng Sa.

Như vậy, thật mỉa mai: cố tình bóp méo sự thật, tiền hậu bất nhất, nói ngược chính lời ông Đặng Tiểu Bình…, là Trung Quốc, chứ đâu phải Việt Nam?!

Với việc bóp méo nội dung của Công thư nêu trên, việc làm của HSP không chỉ gây khó dễ cho cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền chính đáng của Việt Nam đối với Hoàng Sa, mà còn tiếp tay cho giặc “Tàu cộng” cướp đất, chiếm đảo của đất nước.

Liên quan vấn đề này, HSP còn vu cáo để kích động, rằng: “Chính phủ Việt Nam tỏ ra rất mừng rỡ thấy Trung Cộng đã giết 64 chiến sĩ Nam Việt Nam để chiếm lấy Hoàng Sa năm 1974”.

Sự thật là gì?

– Sự thật là không thể có chuyện Chính phủ Việt Nam mừng rỡ. Ngược lại, chỉ một ngày sau khi Hoàng Sa mất vào tay Tàu cộng, ngày 20/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 14/2/1974, cũng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam…

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là ai? Ai cũng biết, là “cánh tay nối dài” của “Chính phủ Hà Nội”, của “Cộng sản Bắc Việt”.

– Sự thật là thêm một lần nữa, HSP hiện ra như một kẻ “lòa” lịch sử. “Lòa” nên mới cho rằng có “64 chiến sĩ Nam Việt Nam” bị giết.

Năm 2014, báo Thanh Niên – một tờ “lề phải” của Việt Nam – trong tuyến bài công phu được dư luận chú ý: “Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại”, đã cung cấp tới bạn đọc danh sách 75 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh khi chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 (và cho biết danh sách này sẽ tiếp tục được hoàn thiện với sự đóng góp của bạn đọc).

Như vậy, chính HSP quên công lao của ít nhất 11 quân nhân VNCH đã ngã xuống với tinh thần “vị quốc vong thân” – một điều không thể tha thứ!

Chưa hết, trong bài này, HSP còn to gan tới mức xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết lếu láo rằng: “HCM coi các hòn đảo thân yêu ấy chỉ là “các bãi để chim ỉa”.

Cho dù, đây có là câu trích từ cái gọi là “hồi ký” của Hoàng Văn Hoan, thì HSP cũng không thể thoát khỏi sự sỉ vả của người dân Việt Nam. Người Việt Nam đều  biết Hoàng Văn Hoan là nhân vật, sau khi trốn sang Trung Quốc, đã lên Đài phát thanh Bắc Kinh kêu gào ủng hộ Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam tháng 2/1979. Vì thế, ông ta bị ví như kẻ bán nước đời nhà Trần có tên là Trần Ích Tắc…

Một nhân vật hẳn nhục nhã vì bị coi như Trần Ích Tắc, mà giở giọng “yêu nước”, liệu có ai tin?

Trong khi đó, Hồ Chí Minh, sau cách mạng tháng Tám 1945, trở thành người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã sớm khẳng định biển đảo như một phần máu thịt của Tổ quốc, qua câu nói: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu” (HCM Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 374). “Biển bạc” ở đây là gì? Còn gì khác ngoài của cải vật chất, tài nguyên có giá trị về kinh tế?

Khẳng định về vị trí, vai trò, giá trị kinh tế của biển, đảo, Hồ Chí Minh đã đưa ra hình ảnh gần gũi, dễ hiểu, nhưng rất chuẩn xác: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?… Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 311). Ngày 15-3-1961, đến thăm Bộ đội Hải quân lần thứ hai, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”…

 Nhiều người biết, lúc sinh thời, Hồ Chí Minh chỉ duy nhất đồng ý đặt tượng đài mình tại đảo Cô Tô. Sự kiện hy hữu đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cũng như sự quan tâm đặc biệt của Người đối với bộ đội Hải quân – lượng chủ lực gánh trọng trách bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Chỉ cần chừng ấy dẫn chứng, đủ thấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, biển đảo quan trọng và thiêng liêng như thế nào; nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo có ý nghĩa đặc biệt đến thế nào đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó cho thấy tầm vóc lớn lao của Hồ Chí Minh – người mà năm 1987 được Đại Hội đồng UNESCO ra Nghị quyết vinh danh “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”.

 Vu khống, bịa đặt, xuyên tạc trắng trợn tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ quyền biển đảo, HSP và các phần tử cơ hội chính trị ví như đang làm việc ngu xuẩn “ném đá vào núi”.

Bởi càng ném, càng làm cho núi to và cao hơn.

Trang Nguyễn